(HBĐT) - Ngày 25/10, trong khuôn khổ ngày làm việc thứ 5, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã tiến hành phiên thảo luận trực tuyến về Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng hình sự (BLTTHS). Xung quanh dự thảo Luật này, đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã có nhiều ý kiến đóng góp vào một số nội dung liên quan. Nội dung như sau:

 


Đại biểu Đặng Bích Ngọc tham gia thảo luận tổ tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Trước tiên, tôi đồng tình với Tờ trình của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp. Tôi xin được góp ý vào một số nội dung cụ thể như sau:

1. Về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng hình sự: Việc sửa đổi luật trong điều kiện hiện nay là hoàn toàn phù hợp; nhằm đảm bảo đúng lộ trình thực hiện các cam kết trong Hiệp định CTTPP; có căn cứ pháp lý để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm trong tình hình dịch bệnh Covid -19 đang diễn biến rất khó lường. Phù hợp với chủ trương về bố trí Công an xã chính quy, với phương châm "bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa bàn xã.

2. Về sửa đổi, bổ sung Khoản 3, Điều 146 Bộ luật Tố tụng hình sự, thủ tục tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố

Tại khoản 1, Điều 1 dự thảo Luật, đã sửa đổi Khoản 3, Điều 146 như sau: "3. Công an xã, phường, thị trấn, Đồn công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền”.

Thực tế thời gian qua, khi thực hiện chủ trương điều chuyển công an chính quy về xã đã phát huy được vai trò, trách nhiệm của đội ngũ này, tạo được sự đồng thuận cao trong Nhân dân. Công an xã chính quy có vai trò rất quan trọng trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự xã hội, đã và đang góp phần hiệu quả trong công tác đấu tranh và phòng, chống tội phạm, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, nhiều vụ việc cần phải xử lý ngay tại địa bàn cơ sở.

Theo số liệu thống kê, trong 2 năm, Bộ Công an đã điều động khoảng 45.000 công an chính quy xuống 100% xã, hiện nay tất cả các xã đã bố trí đủ 5 công an chính quy trở lên. Từ khi thực hiện Chỉ thị số 16/CT- TTg đến nay, còn 171 tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gần hết hạn kiểm tra, xác minh, còn 77 vụ án gần hết thời hạn điều tra nhưng chưa có căn cứ để ban hành quyết định tố tụng theo quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự; có 111 vụ án đang gặp khó khăn, vướng mắc trong giải quyết ở giai đoạn truy tố.

Điều này đặt ra việc chúng ta phải điều chỉnh quy định của Luật để đảm bảo giải quyết yêu cầu thực tiễn đang đặt ra. Trong khi công an xã là lực lượng bám, nắm địa bàn sát nhất; thuận lợi nhất; kịp thời thu thập thông tin, chứng cứ tránh bỏ lọt tội phạm. Việc giao thêm trách nhiệm cho công an xã như dự thảo Luật sẽ phát huy nguồn lực của lực lượng này trong việc kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo tiếp nhận; tạo điều kiện giải quyết kịp thời các vụ việc ngay từ giai đoạn mới phát hiện; nhằm giảm tải công việc cho công an cấp huyện.

Để đảm bảo việc triển khai Luật được thống nhất, đồng bộ, tôi đề nghị dự thảo nên quy định cụ thể trong thời hạn bao nhiêu ngày thì Công an xã, phường, thị trấn, Đồn công an phải chuyển kết quả kiểm tra, xác minh sơ bộ đối với tố giác, tin báo về tội phạm cho cơ quan điều tra có phẩm quyền.

3. Về tạm đình chỉ khởi tố, điều tra, truy tố trong điều kiện dịch bệnh. Tôi đề nghị bổ sung: "Vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh hoặc do trở ngại khách quan” vào các điều 148; 229; 247. Bởi vì: Theo quy định của pháp luật thì "Sự kiện bất khả kháng” là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Tôi nhận thấy, ngoài lý do thiên tai, dịch bệnh còn có lý do trở ngại khách quan như: Chiến tranh, không làm việc được với người bị hại, những người tham gia tố tụng khác hoặc bị hại, đương sự không phối hợp cung cấp các tài liệu quan trọng có ý nghĩa quyết định trong việc khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự. Thực tế cho thấy, có những vụ tai nạn giao thông xảy ra không có thiệt hại về người nhưng có thiệt hại về tài sản, xác định được lỗi tham gia giao thông nhưng chủ phương tiện không phối hợp cung cấp thông tin tài liệu liên quan đến việc định giá tài sản, nên chưa đủ căn cứ để ra quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án. Như vậy, dự thảo Luật hiện đang căn cứ vào tình hình thiên tai, những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 để đưa ra lý do "bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh” là chưa bao hàm hết những sự kiện bất khả kháng phát sinh trong thực tế.

Việc bổ sung căn cứ tạm đình chỉ này sẽ tạo cơ sở pháp lý để giải quyết những khó khăn, vướng mắc cấp bách từ thực tiễn hiện nay cũng như khả năng phát sinh trong thời gian tới, đảm bảo tốt hơn quyền con người, quyền công dân. Bởi sẽ có căn cứ pháp luật cho phép khi không thể tiến hành các hoạt động tố tụng thì cơ  quan tiến hành tố tụng được tạm đình chỉ và không tiếp tục áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với người bị buộc tội. Tạo điều kiện cho việc hoàn thiện hồ sơ tố tụng. Tuy nhiên, để Luật đi vào thực tiễn đạt hiệu quả, cũng cần có quy định chi tiết, cụ thể việc tạm đình chỉ trong các trường hợp này để trong quá trình triển khai thực hiện được công tâm, khách quan, đúng quy định, tránh việc lợi dụng những lý do để thực hiện vì mục đích khác.

4. Về sửa đổi bổ sung khoản 1 Điều 155 Bộ Luật Tố tụng hình sự về Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại và khoản 8 Điều 157 Bộ Luật Tố tụng hình sự về Căn cứ không khởi tố vụ án hình sự

Tại khoản 1, Điều 226 BLTTHS quy định Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với cả nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý. Điểm g, khoản 6 Điều 18.77 Hiệp định CPTPP quy định, các quốc gia thành viên cho phép cơ quan có thẩm quyền có thể chủ động thực hiện hành động pháp lý mà không cần có khởi kiện chính thức từ người thứ ba hay chủ thể quyền đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp về nhãn hiệu. Hiệp định không đặt ra yêu cầu đối với chỉ dẫn địa lý. Như vậy, nếu sửa đổi, bãi bỏ nội dung dẫn chiếu đến toàn bộ khoản 1, Điều 226 của BLTTHS như dự thảo thì sẽ mở rộng hơn so với yêu cầu của Hiệp định CPTTP. Như vậy, chỉ nên sửa đổi khoản 1 Điều 155, khoản 8 Điều 157 của BLTTHS để bãi bỏ nội dung dẫn chiếu tới khoản 1 Điều 226 về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, không sửa đổi quy định liên quan đến chỉ dẫn địa lý.


Các tin khác


Thành ủy Hòa Bình: Hội thảo khoa học Bản thảo “Tài liệu giáo dục truyền thống lịch sử Đảng bộ và Nhân dân thành phố Hòa Bình, giai đoạn 1930-2020”

(HBĐT) - Ban Thường vụ Thành ủy Hòa Bình vừa phối hợp với Hội Sử học tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học Bản thảo "Tài liệu giáo dục truyền thống lịch sử Đảng bộ và Nhân dân thành phố Hòa Bình, giai đoạn 1930-2020”.

Đổi mới công tác giáo dục lý luận chính trị

(HBĐT) - Để tạo được nguồn nhân lực "giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, vững về bản lĩnh chính trị”, bên cạnh việc tăng cường đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao trình độ kỹ thuật, tay nghề thì việc tăng cường đào tạo, bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị (LLCT) cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên nói riêng, nguồn nhân lực nói chung là yêu cầu đặt ra. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác giáo dục LLCT của tỉnh trong những năm qua còn tồn tại nhiều hạn chế trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quá trình tổ chức triển khai cần sớm được khắc phục, điều chỉnh.

Công tác tuyên truyền miệng - nhìn từ hội thi báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi

(HBĐT) - Trong 2 ngày 28 - 29/9 vừa qua, Đảng ủy Công an tỉnh tổ chức Hội thi báo cáo viên (BCV), tuyên truyền viên (TTV) giỏi năm 2021. Tham gia hội thi có 27 thí sinh là BCV, TTV đến từ các chi, Đảng bộ trực thuộc Công an tỉnh. Hội thi đã truyền tải nội dung chỉ thị, nghị quyết của Đảng, những vấn đề mới mang tính thời sự... cho thấy sự sáng tạo, giá trị của công tác tuyên truyền miệng đối với việc triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ (NQĐHĐB) các cấp từ cơ sở.

Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) và dự thảo Luật thi đua, khen thưởng (sửa đổi)

(HBĐT) - Tiếp tục chương trình ngày làm việc thứ 4, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sáng 23/10, Đoàn ĐBQH tỉnh đã thảo luận tổ dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) và dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Tham gia phiên thảo luận có các đại biểu: Hoàng Đức Chính, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Đặng Bích Ngọc, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Nguyễn Cao Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh.

Kiểm tra việc thực hiện quy chế dân chủ tại huyện Mai Châu

(HBĐT) - Ngày 22/10, đoàn kiểm tra số 2, Ban Chỉ đạo (BCĐ) thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) tỉnh do đồng chí Võ Ngọc Kiên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó trưởng BCĐ thực hiện QCDC cơ sở tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra việc thực hiện QCDC tại huyện Mai Châu.

Hướng về biển, đảo - phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc

(HBĐT) - Biển, đảo Việt Nam là một bộ phận cấu thành lãnh thổ quốc gia, là không gian sinh tồn bao đời của dân tộc, là địa bàn chiến lược về QP-AN. Kế thừa và phát triển ý thức giữ gìn chủ quyền biển, đảo của thế hệ cha ông, cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh đã có nhiều hoạt động tuyên truyền về biển, đảo, đồng thời thực hiện nhiều việc làm có ý nghĩa gửi hơi ấm, tình cảm đến chiến sỹ và Nhân dân vùng hải đảo thiêng liêng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục