Sáng 10/4 (tức mùng 10/3 âm lịch năm Nhâm Dần), tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ thay mặt đồng bào cả nước đã long trọng tổ chức Lễ dâng hương Giỗ Tổ Hùng Vương.



Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ). Ảnh: Thống Nhất/ TTXVN

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới dự và dâng hương. Cùng dự buổi lễ có các Ủy viên Bộ Chính trị: Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương; Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Dự lễ còn có các đồng chí: Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương, tỉnh Phú Thọ và một số địa phương.

Trong không khí trang nghiêm, đúng 7 giờ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn đại biểu lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, các cơ quan Trung ương, địa phương đã tề tựu đông đủ tại sân trung tâm lễ hội. Trong tiếng nhạc lễ linh thiêng, đoàn đại biểu đã khởi hành từ sân hành lễ, qua Nghi môn, Ðền Hạ, Ðền Trung, rồi lên tiến lên Ðền Thượng.



Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tại đền Thượng trong Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ). Ảnh: Thống Nhất/TTXVN.

Ði đầu là đội tiêu binh rước cờ Tổ quốc, cờ hội và vòng hoa lớn mang dòng chữ "Ðời đời nhớ ơn các Vua Hùng đã có công dựng nước". Tiếp đó là 18 thiếu nữ trong trang phục áo dài truyền thống màu đỏ thắm mang hương hoa, lễ vật cung tiến, cùng 100 nam thanh niên tượng trưng cho 100 người con của truyền thuyết Mẹ Âu Cơ trong trang phục cổ, tay giương cao cờ hội thể hiện sức sống mãnh liệt của con cháu Vua Hùng. Đi sau là đội nhạc lễ, đoàn rước kiệu, rước lễ và đoàn dâng hương cùng hàng vạn con dân đất Việt và kiều bào ở nước ngoài về dự Giỗ Tổ Hùng Vương.



Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Trong giờ phút lắng đọng hồn thiêng sông núi, tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh,  Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tỉnh Phú Thọ đã vào Thượng cung thành kính dâng hương, hoa, lễ vật tưởng nhớ, tri ân công đức của các Vua Hùng đã có công dựng nước, cầu cho xã tắc thịnh vượng, quốc thái, dân an, bách gia trăm họ vạn đại trường tồn, đất nước ngày càng vững mạnh, hùng cường.


Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ dâng hương tại đền Thượng trong Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ). Ảnh: Thống Nhất/TTXVN.

Trước anh linh các Vua Hùng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang, chủ Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022 đã đọc Chúc văn tưởng nhớ, tri ân công đức các Vua Hùng. Chúc văn khẳng định ý nghĩa to lớn của ngày Giỗ tổ Hùng Vương; ca ngợi, khắc ghi công đức cha Rồng, mẹ Tiên, công lao trời biển của các vua Hùng; ca ngợi tinh thần quật khởi, kiên cường của các bậc tiền nhân giữ gìn đất nước.

Bản Chúc văn cũng kính cáo trước anh linh các bậc tiền nhân về những thành tựu to lớn mà toàn Đảng, toàn dân đã đạt được trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế xã hội của đất nước.



Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dâng hoa trước Bức phù điêu Bác Hồ nói chuyện với Đại đoàn 308 trong Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ). Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Sau Lễ dâng hương tại Đền Thượng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu đặt vòng hoa và dâng hương tại Lăng Hùng Vương thứ 6. Tiếp đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dâng hoa tại bức phù điêu "Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong" ở khu vực ngã năm Đền Giếng. Lẵng hoa mang dòng chữ "Mãi mãi ghi sâu và làm theo lời Bác dạy".

Trong những ngày Giỗ Tổ, hàng vạn người dân từ mọi miền đất nước và kiều bào Việt Nam ở nước ngoài đã về dâng hương tại khu di tích Đền Hùng để tưởng nhớ các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân đã vì dân giữ nước; cầu mong Quốc Tổ phù trì luôn được mạnh khỏe, bình an, hạnh phúc.



Đông đảo người dân về dự lễ tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng. Ảnh: Minh Quyết/ TTXVN

Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày lễ trọng đại mang bản sắc văn hóa sâu sắc và độc đáo của dân tộc Việt Nam, thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn” tưởng nhớ và biết ơn công đức các Vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước. Hằng năm, cứ đến ngày Giỗ tổ Hùng Vương, nhân dân khắp mọi miền trên cả nước lại cùng hướng về Đền Hùng để tưởng nhớ đến công lao to lớn của các vị Vua Hùng.  Đây cũng là dịp quan trọng để quảng bá ra thế giới biết về một di sản vô cùng giá trị, độc đáo, đã tồn tại hàng nghìn năm, ăn sâu vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý truyền thống của đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài.

Với chủ đề "Linh thiêng nguồn cội, Đất Tổ Hùng Vương”, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022 do UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức được gắn với kỷ niệm 10 năm UNESCO công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nhiều nghi thức thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương cũng được tổ chức nhằm giới thiệu và quảng bá đậm nét về di sản văn hóa thế giới này đến đông đảo đồng bào trong nước và nước ngoài.

Ngoài ra, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi, giải trí cũng đã được tổ chức phục vụ người dân trong dịp Giỗ tổ Hùng Vương. Buổi lễ diễn ra an toàn, trang nghiêm, thành kính, thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch COVID-19, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường; đảm bảo an tuyết đối an ninh trật tự cho người dân trong và ngoài nước về dâng hương tri ân công đức tổ tiên.



Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu khởi công Nhà Văn hoá nghệ thuật tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Sau Lễ Giỗ tổ Hùng Vương, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ khởi công dự án Nhà văn hóa nghệ thuật tỉnh Phú Thọ tại Khu vực Quảng trường Hùng Vương, thành phố Việt Trì. Đây sẽ là nơi tổ chức các hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật, là điểm thăm quan du lịch của khách khi đến với thành phố Việt Trì, nơi đang lưu giữ, bảo tồn 2 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ. Công trình được xây dựng trên diện tích 1,7 ha, quy mô 1.000 chỗ ngồi, với tổng nguồn vốn gần 400 tỷ đồng. Công trình được thiết kế theo phong cách chiết trung, cùng với sự cân bằng và hài hòa được chắt lọc từ nhiều phong cách kiến trúc tinh hoa của nhân loại, với mặt ngoài dáng dấp cổ điển.


                                         Theo Baotintuc

Các tin khác


Tuổi trẻ huyện Tân Lạc thắp sáng truyền thống quê hương anh hùng

Tân Lạc là huyện có bề dày lịch sử. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân huyện Tân Lạc đã phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lập nhiều chiến công xuất sắc trong chiến đấu, lao động, sản xuất. Với khẩu hiệu "Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” và tinh thần "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, huyện Tân Lạc đã đóng góp trên 45.000 tấn lương thực, thực phẩm; trên 2.900 thanh niên lên đường nhập ngũ, trong đó có 190 gia đình có từ 2 - 4 con đi bộ đội.

Chuyển động trong công tác xây dựng Đảng

Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Trong đó đặc biệt quan tâm công tác cán bộ, lấy sản phẩm để đánh giá năng lực cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhờ vậy đã tạo nên sự chuyển động của bộ máy cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Nhịp sống mới ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng

Đà Bắc là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, với nhiều chiến công trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Nhiều năm qua, đất và người Đà Bắc luôn nỗ lực vượt lên khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng no ấm, hạnh phúc.

Xã Đồng Tâm thiết thực học tập và làm theo Bác

Sau 3 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về "đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) trong học tập và làm theo Bác.

Đồng chí Đoàn Tiến Lập được bầu giữ chức Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn

Chiều 26/4, HĐND huyện Lương Sơn khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026 đã tổ chức kỳ họp thứ 17 - kỳ họp chuyên đề về công tác cán bộ, bầu Chủ tịch UBND huyện khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục