Cán bộ bộ phận "một cửa" xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) tận tình hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính.
Cải cách TTHC được tỉnh ta xác định là vấn đề mấu chốt, tiên quyết trong công tác dân vận chính quyền, xây dựng chính quyền "vì Nhân dân phục vụ”. Để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, năm 2022, tỉnh đã bãi bỏ 70 TTHC, đạt tỷ lệ 100%. Các ban, sở, ngành, địa phương công khai tại nơi tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả và đăng tải trên trang thông tin điện tử đạt 100%. Hoạt động kiểm soát, rà soát, đánh giá TTHC, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC được thực hiện đồng bộ; tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 99,74%. Hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện hoạt động ổn định, phát huy hiệu quả tích cực. Qua đó giúp các tổ chức, cá nhân có môi trường thân thiện, thuận lợi, tiết kiệm chi phí tối đa khi giải quyết TTHC tại các cơ quan nhà nước. Đến nay, số dịch vụ công của tỉnh tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia là 1.340/1.878 tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương, đạt tỷ lệ 71%.
Ngoài ra, trước thực trạng kết quả các chỉ số đánh giá chung của tỉnh năm 2021 sụt giảm, UBND tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp cải thiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện chỉ số trên địa bàn tỉnh. Chính quyền các cấp tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC), đảm bảo chính sách, pháp luật được thực thi hiệu quả. Trách nhiệm của tập thể, cá nhân người đứng đầu và của CB, CC, VC được quy định cụ thể, rõ người, rõ việc trong Quy chế làm việc của từng cơ quan, đơn vị. Qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong ý thức, trách nhiệm, lề lối làm việc, tác phong công tác, thái độ phục vụ Nhân dân của đội ngũ CB, CC, VC. Nhận thức về công tác dân vận của cơ quan Nhà nước có nhiều chuyển biến tích cực; trách nhiệm giải trình của các cơ quan Nhà nước và thái độ phục vụ Nhân dân có sự cải thiện đáng kể, hướng tới gần dân, hiểu dân, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, công khai, minh bạch các chương trình, kế hoạch, dự án, cơ chế, chính sách theo quy định.
UBND tỉnh đã chỉ đạo các ban, sở, ngành, UBND các huyện, thành phố lồng ghép triển khai thực hiện phong trào "Dân vận khéo” với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị. Đến nay đã có 20/33 cơ quan, đơn vị đăng ký mô hình "Dân vận khéo”; trong đó có 12 sở, ngành và 8 huyện, thành phố với 253 mô hình, điển hình. Tiêu biểu như: mô hình Chính quyền thân thiện vì Nhân dân phục vụ "5 phải biết, 3 hướng dẫn” của UBND huyện Lạc Sơn; mô hình "Chính quyền thân thiện vì Nhân dân phục vụ” tại xã Phong Phú (Tân Lạc)… Hàng năm, các ban, sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đều tổ chức hội nghị CB, CC, VC, người lao động đảm bảo thời gian, nội dung, quy trình, chất lượng. Qua đó, CB, CC, VC được biết, bàn, giám sát, tham gia ý kiến dân chủ vào các chương trình, kế hoạch, giải pháp nâng cao chất lượng công tác, các quy chế, quy định trước khi thủ trưởng cơ quan quyết định.
Bên cạnh đó, nhằm thực hiện hiệu quả, thực chất công tác dân vận chính quyền, tỉnh đã làm tốt việc tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân theo Quyết định số 232-QĐ/TU, ngày 9/6/2016 về ban hành "Quy định về việc tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân. Năm 2022, Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp với các ngành liên quan tham mưu, tổ chức thành công hội nghị đối thoại giữa Thường trực Tỉnh ủy với Nhân dân huyện Lương Sơn và TP Hòa Bình. Cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giải quyết nhiều vấn đề người dân đang quan tâm, bức xúc. Cụ thể, cấp tỉnh đã tổ chức được 4 cuộc đối thoại; cấp huyện tổ chức 13 cuộc đối thoại, thu hút 3.250 công dân; cấp xã tổ chức 32 cuộc, thu hút 7.350 lượt người tham gia. Thông qua tiếp xúc, đối thoại đã kịp thời nắm bắt, tháo gỡ vướng mắc trong Nhân dân, giúp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án, thúc đẩy KT – XH phát triển, giữ vững an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh.
Dương Liễu