Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến với Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa Hồ Cẩm Đào

Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến với Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa Hồ Cẩm Đào

Nhân dịp dự Lễ khai mạc Triển lãm Thế giới 2010, thăm TP Thượng Hải và hai tỉnh Chiết Giang, Giang Tô (Trung Quốc), ngày 30-4, tại TP Thượng Hải, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội kiến Tổng Bí thư Ðảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Hồ Cẩm Ðào.

 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhiệt liệt chúc mừng những thành tựu to lớn mà nhân dân Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Ðảng và Chính phủ Trung Quốc đạt được trong công cuộc cải cách mở cửa vừa qua. Thủ tướng đánh giá cao những nỗ lực và sự chuẩn bị chu đáo của Chính phủ Trung Quốc và chính quyền TP Thượng Hải trong việc tổ chức thành công Triển lãm Thế giới lần này, cho đây là cơ hội tốt để các nước và Trung Quốc giao lưu hữu nghị, trao đổi kinh nghiệm, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác cùng phát triển.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Hồ Cẩm Ðào hoan nghênh và đánh giá cao việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Trung Quốc và dự Lễ khai mạc Triển lãm Thế giới 2010 tại Thượng Hải, thể hiện Chính phủ Việt Nam và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng coi trọng và ủng hộ Trung Quốc tổ chức sự kiện này; cho rằng chuyến thăm sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Tổng Bí thư, Chủ tịch Hồ Cẩm Ðào chúc mừng những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam đạt được trong thời gian qua; tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Ðảng và Chính phủ Việt Nam, nhân dân Việt Nam sẽ tiếp tục giành được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Hồ Cẩm Ðào khẳng định, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng gần gũi, quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai nước không ngừng phát triển trong 60 năm qua, phù hợp với lợi ích cơ bản và nguyện vọng của nhân dân hai nước. Hai bên nhấn mạnh ý nghĩa của Năm Hữu nghị Việt - Trung 2010 và vui mừng trước những bước phát triển mới quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt từ khi thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện tháng 5-2008. Hai bên nhất trí tiếp tục áp dụng nhiều biện pháp thiết thực nhằm thúc đẩy quan hệ giữa hai nước không ngừng phát triển, đi vào chiều sâu theo phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt. Theo đó, hai bên sẽ duy trì và tăng cường hơn nữa các chuyến thăm và gặp gỡ cấp cao; mở rộng giao lưu hợp tác giữa các cấp, bộ, ngành và địa phương hai nước; phát huy cơ chế Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương và Ủy ban hợp tác kinh tế thương mại, nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả hợp tác trên các lĩnh vực, nhất là kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục và du lịch; duy trì đà tăng trưởng thương mại, phấn đấu thực hiện mục tiêu 25 tỷ USD trong năm nay; sớm hoàn tất để ký và thực hiện Quy hoạch 5 năm phát triển kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc; thúc đẩy các dự án trong kế hoạch hai hành lang, một vành đai kinh tế; giao cơ quan chủ quản hai nước tiến hành thảo luận việc ký kết Thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương sử dụng đồng bản tệ; đồng thời tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền hữu nghị và giao lưu giữa thế hệ trẻ hai nước; phối hợp tổ chức tốt các hoạt động trong Năm hữu nghị Việt - Trung 2010.

Hai nhà lãnh đạo bày tỏ hài lòng về việc hai bên đã hoàn thành phân định Vịnh Bắc Bộ và phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa hai nước; nhất trí cho rằng hai bên cần tiếp tục kiên trì đàm phán trên tinh thần láng giềng hữu nghị, cùng quan tâm lợi ích của nhau, trên cơ sở luật pháp quốc tế, thông qua đối thoại và hợp tác, nỗ lực tìm kiếm giải pháp thỏa đáng cho các vấn đề liên quan đến Biển Ðông, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực và trên thế giới.

Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi lời thăm hỏi chân thành tới Ðảng, Chính phủ, nhân dân Trung Quốc và gia đình những người bị nạn trong trận động đất tại huyện Ngọc Thụ, tỉnh Thanh Hải vừa qua. Tổng Bí thư, Chủ tịch Hồ Cẩm Ðào cảm ơn chân thành về những lời thăm hỏi, động viên và sự trợ giúp quý báu, kịp thời của Chính phủ và nhân dân Việt Nam đối với nhân dân vùng bị động đất ở Thanh Hải.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chuyển lời hỏi thăm và lời chúc tốt đẹp của Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tới Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Ðào và các đồng chí lãnh đạo Trung Quốc và mời đồng chí Hồ Cẩm Ðào thăm lại Việt Nam. Tổng Bí thư, Chủ tịch Hồ Cẩm Ðào nhờ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chuyển tới các đồng chí lãnh đạo Việt Nam lời chúc tốt đẹp và cho biết sẽ thăm Việt Nam vào thời gian thuận tiện.

* Trước đó, Bí thư Thành ủy Thượng Hải Du Chính Thanh đã tiếp kiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Ðoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam đang thăm Thượng Hải và dự Triển lãm Thế giới 2010. Ông Du Chính Thanh nhiệt liệt chào mừng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu Ðoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam thăm thành phố và dự khai mạc Triển lãm Thế giới 2010; bày tỏ ấn tượng về những thành tựu và sự phát triển năng động của Việt Nam trong thời gian qua, nhất là những năm đổi mới gần đây. Ông Du Chính Thanh nhấn mạnh chuyến thăm của Thủ tướng là sự kiện quan trọng trong quan hệ giữa Thượng Hải và Việt Nam, thể hiện mối quan tâm của Việt Nam củng cố và tăng cường quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc nói chung và Thượng Hải nói riêng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng đến thăm TP Thượng Hải, ấn tượng về sự phát triển năng động của thành phố trong những năm cải cách mở cửa vừa qua; cảm ơn lãnh đạo và nhân dân thành phố về sự đón tiếp nồng nhiệt, trọng thị, thắm tình hữu nghị. Thủ tướng nêu rõ mục đích chuyến thăm nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác cùng có lợi giữa Việt Nam với Trung Quốc nói chung, trong đó Thượng Hải là địa phương có vai trò hết sức quan trọng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bí thư Thành ủy Thượng Hải Du Chính Thanh nhất trí cho rằng, trong những năm gần đây, quan hệ thương mại, đầu tư, giáo dục đào tạo giữa Việt Nam và Thượng Hải ngày càng phát triển, kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 1,46 tỷ USD, hơn 500 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Thượng Hải. Hai bên đã trao đổi các biện pháp cụ thể đẩy mạnh hợp tác, phát huy lợi thế của mỗi bên, đưa các lĩnh vực hợp tác giữa Việt Nam và Thượng Hải có bước phát triển mới, mang lại lợi ích thiết thực cho hai bên, trong các lĩnh vực đầu tư, thương mại, giáo dục, đào tạo, văn hóa, du lịch. Hai bên nhất trí thúc đẩy và tạo điều kiện để mở rộng quan hệ hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam với Thượng Hải, trong đó có việc mở Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải, tạo điều kiện cho sinh viên Việt Nam học tại Thượng Hải, nhằm thực hiện tốt các thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao Trung Quốc và Việt Nam, theo phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt, đưa quan hệ giữa hai Ðảng, hai nước phát triển lên tầm cao mới, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.

* Tối cùng ngày, tại TP Thượng Hải (Trung Quốc), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Hồ Cẩm Ðào đã tuyên bố khai mạc Triển lãm Thế giới Thượng Hải 2010. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, Tổng thống Pháp N.Xác-cô-di, Chủ tịch Ủy ban châu Âu M.Ba-rô-xô, Tổng thống Hàn Quốc Li Miêng Pắc cùng lãnh đạo nhiều nước đã tham dự Lễ khai mạc trọng thể này. Lễ khai mạc được tổ chức hoành tráng, với những điệu múa cổ truyền và hiện đại, những màn pháo hoa rực rỡ.

Với chủ đề chính "Thành phố tươi đẹp hơn, cuộc sống tốt đẹp hơn", Triển lãm Thế giới Thượng Hải 2010 tập trung vào sự đổi mới và khai thác tiềm năng của đời sống đô thị trong thế kỷ 21, dựa trên năm chủ đề phụ, gồm: Sự giao thoa giữa các nền văn hóa ở thành thị; phồn vinh của kinh tế thành thị; sáng tạo về khoa học kỹ thuật của thành thị; cách tân của cộng đồng dân cư thành thị; mối tương tác giữa thành thị và nông thôn. Ban tổ chức Triển lãm muốn hướng tới những biện pháp thiết thực và hữu hiệu để vận động mọi người dân có ý thức đối với biến đổi khí hậu. Hưởng ứng lời kêu gọi chung tay vì cộng đồng để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn...

Bốn mục tiêu chính của Triển lãm lần này là đánh thức tiềm thức của cộng đồng trước những thách thức trong thời đại đô thị hóa, tìm kiếm các giải pháp khả thi; tăng cường bảo vệ di sản thành thị, lôi cuốn sự quan tâm của cộng đồng đối với sự phát triển bền vững của thành thị; khẳng định những khái niệm, ứng dụng thành công, những phát minh về công nghệ liên quan đến sự phát triển bền vững của thành thị, tìm tòi các mô hình thành phố ở các nước đang phát triển; thúc đẩy sự giao lưu, học tập kinh nghiệm của nhân loại.

Ðây là lần đầu trong lịch sử Triển lãm Thế giới, triển lãm này được tổ chức tại một quốc gia đang phát triển. Triển lãm Thế giới Thượng Hải 2010 có đại diện của 192 quốc gia và 50 tổ chức quốc tế tham gia, giới thiệu những công nghệ hiện đại và sáng kiến mới nhất của các nước trên thế giới, từ những nước dẫn đầu thế giới về khoa học công nghệ như Mỹ, cho tới những nước đang gặp khó khăn tài chính như Hy Lạp hay Ai-xơ-len. Tổng diện tích triển lãm là 52,8 ha. Chính phủ Trung Quốc đã đầu tư 45 tỷ nhân dân tệ (6,7 tỷ USD), lớn hơn đầu tư cho Ô-lim-pích Bắc Kinh và là quy mô đầu tư lớn nhất trong lịch sử Triển lãm Thế giới. Sự kiện kéo dài sáu tháng, dự kiến thu hút tới 70 triệu lượt khách tham quan.

Chủ đề chính của Nhà triển lãm Việt Nam tại Triển lãm Thế giới Thượng Hải 2010 là "1000 năm Thăng Long - Hà Nội". Nhà làm toàn bộ bằng tre, có kiến trúc hài hòa, trên diện tích 1.000 m2, nêu bật được kiến trúc Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến và các vùng văn hóa tiêu biểu của Việt Nam. Nhà triển lãm Việt Nam có sáu nội dung chính, gồm: đô thị hóa với sự phát triển kinh tế - xã hội; Hà Nội xưa - Hà Nội nay - Hà Nội ngày mai; di sản văn hóa tiêu biểu ở các thành phố lớn của Việt Nam gắn với phát triển du lịch; đô thị hóa và tiềm năng phát triển của Việt Nam; đô thị hóa và các thách thức của Việt Nam; hợp tác quốc tế của Việt Nam trong phát triển đô thị. Ðây là dịp để Việt Nam giới thiệu về đất nước, con người, xúc tiến kêu gọi đầu tư phục vụ phát triển đất nước. Tham gia Triển lãm sẽ mang lại lợi ích nhiều mặt về chính trị, ngoại giao, kinh tế - xã hội và phát triển văn hóa; tăng cường tình hữu nghị truyền thống Việt Nam - Trung Quốc, nhất là năm 2010, hai nước kỷ niệm trọng thể 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và tổ chức Năm Hữu nghị Việt - Trung. Tham gia Triển lãm, Việt Nam cũng khẳng định rõ vai trò, trách nhiệm và quyền lợi của Việt Nam trong giải quyết các vấn đề quốc tế quan trọng, trong đó có vấn đề đô thị hóa.

* Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thăm Nhà Việt Nam tại Triển lãm Thế giới 2010, dự Lễ khai trương đường bay TP Hồ Chí Minh/ Hà Nội - Thượng Hải, thăm Ngân hàng Giao thông, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Thượng Hải của Tập đoàn Viễn thông Hoa Vi.

* Nhân chuyến thăm và dự Triển lãm Thế giới Thượng Hải 2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời phỏng vấn Ðài Phát thanh quốc tế Trung Quốc. Về ý nghĩa của Triển lãm Thế giới Thượng Hải 2010, Thủ tướng nêu rõ: Triển lãm Thế giới Thượng Hải 2010 là sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa của thế giới trong năm nay. Ðược tổ chức trong bối cảnh thế giới đang nỗ lực khắc phục hậu quả của khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu, Triển lãm sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác, giao lưu thương mại, đầu tư giữa các quốc gia, giúp các quốc gia và doanh nghiệp nhanh chóng vượt qua khủng hoảng, từng bước phục hồi và tăng trưởng. Về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, Thủ tướng nhấn mạnh: Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng có truyền thống hữu nghị lâu đời. Việc lãnh đạo cấp cao hai nước thường xuyên thăm lẫn nhau là động lực chính trị quan trọng, góp phần tăng cường tình hữu nghị và thúc đẩy hợp tác cùng có lợi giữa hai nước. Thời gian qua, trên cơ sở phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục phát triển tốt đẹp; hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước có nhiều tiến triển. Với quyết tâm và nỗ lực của cả hai bên, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước sẽ ngày càng phát triển, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

                                                                                     Theo ND

Các tin khác


Toàn văn phát biểu của Thủ tướng tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng 7/5, tại thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Điện Biên tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đọc Diễn văn kỷ niệm. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn Diễn văn: 

Huyện Lạc Sơn áp dụng sáng kiến, giải pháp thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính (CCHC) trong việc quản lý, điều hành, phát triển KT-XH trên mọi lĩnh vực, huyện Lạc Sơn đã chú trọng xây dựng các sáng kiến, giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ CCHC. Đồng thời đẩy mạnh áp dụng sáng kiến, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ CCHC trên địa bàn huyện.

Thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII

Chiều 6/5, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị liên tịch thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri huyện Cao Phong

Chiều 6/5, tại xã Tây Phong, huyện Cao Phong, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tiếp tục tiếp xúc cử tri (TXCT) trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục