Ngày 23.12, ngày làm việc thứ hai của Chính phủ với các địa phương, các bộ ngành đã làm rõ thêm những chính sách điều hành của Chính phủ trong năm 2012 để các địa phương thực hiện.

 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các địa phương ngay từ đầu năm phải thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ KT-XH đã đề ra, đồng thời bám sát diễn biến của tình hình, cập nhật những phát sinh để có những chính sách phù hợp cho từng địa phương.

Năm 2012 sẽ khoanh nợ cho một số DN

Giải bài toán phát triển sản xuất, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho rằng trong năm 2012 sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu, giảm nhập siêu, tăng sử dụng máy móc, hàng hóa Việt; đồng thời, tăng cường hoạt động quản lý thị trường để bảo vệ sản xuất hàng hóa trong nước. Đối với nguồn năng lượng cho sản xuất, ông Hoàng cam kết sẽ cung ứng đủ điện và không để xảy ra cắt điện, thiếu điện cho sản xuất và tiêu dùng.

Sau khi nghe những ý kiến về việc lãi suất ngân hàng quá cao khiến các doanh nghiệp không tiếp cận được vốn gây khó khăn, thậm chí đình trệ sản xuất, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình lý giải: “Trong 10 năm qua tăng trưởng tín dụng trung bình là 29%/năm; 5 năm gần đây là 33%/năm. Đầu năm 2011, lạm phát ở mức cao, ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội nên Chính phủ đã có nghị quyết về việc kiềm chế lạm phát, trong đó có giải pháp hạ lãi suất, hạ mức tăng trưởng tín dụng ngân hàng xuống dưới 20%. Với mức tăng trưởng tín dụng dưới 20% thì đương nhiên ít nhất 10% doanh nghiệp không tiếp cận được tín dụng ngân hàng. Năm 2011, tăng trưởng tín dụng ngân hàng chỉ là 12%, thì các doanh nghiệp khó tiếp cận vốn ngân hàng là dễ hiểu. Chúng ta làm chặt vậy mà lạm phát vẫn là 18%; nếu tăng trưởng tín dụng ngân hàng 20% thì lạm phát phải lên tới 23%; nếu tăng như các năm trước thì lạm phát phải 30%, lúc đó Việt Nam sẽ lạm phát cao nhất thế giới”. Vì lẽ đó ông Bình bày tỏ: “Chính sách nào cũng có 2 mặt, có những hệ lụy.

Chúng ta kiềm chế được lạm phát, ổn định được kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội nhưng một số doanh nghiệp lại khó tiếp xúc vốn ngân hàng là có thực. Nhưng doanh nghiệp phải chia sẻ với tình hình khó khăn chung của đất nước. Bất cứ một chính sách nào đưa ra cũng sẽ có một bộ phận doanh nghiệp hoặc người dân chịu hệ quả”. Để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, ông Bình cho rằng sang năm 2012, sẽ có những chính sách phù hợp như dãn, hoãn, khoanh nợ cho một số đối tượng doanh nghiệp để giảm bớt khó khăn, thúc đẩy sản xuất.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)

Kiềm chế lạm phát là ưu tiên số 1

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những ý kiến thảo luận thẳng thắn, đầy tâm huyết và trách nhiệm đối với đất nước của các đại biểu đại diện cho các bộ, ngành, địa phương, đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng tiếp thu ý kiến tại hội nghị để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện dự thảo nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012 để nghị quyết sớm được ban hành.

Về nhiệm vụ cho năm 2012, Thủ tướng cho rằng khó khăn, thách thức vẫn rất lớn vì vậy các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, thỏa mãn mà phải luôn luôn chuẩn bị tinh thần ứng phó. Thủ tướng nói, trong những tháng cuối năm 2011, lạm phát đã giảm nhưng vẫn còn cao và giảm chưa vững chắc. Nếu không quyết liệt, nghiêm túc, kiên trì thì lạm phát cao còn có thể quay trở lại bất kỳ lúc nào, lúc đó ổn định kinh tế vĩ mô sẽ bị đe dọa, đảo lộn hết các mục tiêu mà chúng ta đã đề ra. “Nếu không kiểm soát được lạm phát sẽ không thể giữ được ổn định kinh tế vĩ mô vì vậy mục tiêu của năm 2012 là tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; hạ lạm phát xuống mức 9%, duy trì tăng trưởng ở mức 6% và nếu điều kiện thuận lợi là 6,5% gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế. Đó là nhiệm vụ khó khăn nhưng Chính phủ phải kiên trì thực hiện”- Thủ tướng phát biểu.

Để thực hiện được mục tiêu này, Thủ tướng cho rằng giải pháp hàng đầu là điều hành tiền tệ phải chặt chẽ nhưng linh động. Điều hành tiền tệ phải bám sát mục tiêu kiềm chế lạm phát. Đồng thời, phải tăng cường quản lý giá, bình ổn thị trường, trước mắt là trong dịp tết này phải kiểm soát hàng hóa, không để tăng giá ảnh hưởng đến chỉ tiêu lạm phát 2012. “Ngân hàng kiểm soát tiền tệ, Bộ Tài chính bảo đảm giảm bội chi ngân sách xuống 4,8%; Bộ Công thương kiểm soát hàng hóa, ổn định giá cả, kiểm soát nhập siêu ở mức khoảng 10%. Muốn kiểm soát nhập siêu thì phải đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập những mặt hàng xa xỉ, không thiết yếu, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa nội địa có chất lượng, cạnh tranh về giá để nâng cao tỉ lệ sử dụng hàng Việt” - Thủ tướng chỉ rõ.

Thủ tướng cũng yêu cầu phải giảm đầu tư công đồng thời nâng cao hiệu quả chất lượng đầu tư công, tập trung cho các công trình quan trọng, cấp bách cả kinh tế và xã hội và đã hoàn thành mà chưa thanh toán; các công trình sẽ hoàn thành trong 2012 đồng thời kiên quyết cắt giảm những công trình chưa cấp bách hoặc chậm tiến độ. Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương phải rà soát lại chất lượng các công trình vì thực tế hiện nay có nhiều công trình chi phí cao nhưng chất lượng thấp. Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương cần quan tâm an sinh xã hội, đặc biệt là giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới, không để giảm sút về giáo dục, y tế. Bảo đảm trật tự an toàn xã hội, giảm 5-10% số vụ tai nạn giao thông, ngăn chặn sự phát triển tội phạm.

Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, địa phương dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn sắp tới, cần hết sức chú trọng tới công tác kiểm soát giá cả, thị trường; chống hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, tình trạng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, bất hợp pháp; thực hiện chính sách bình ổn giá; chăm lo tết chu đáo cho nhân dân, nhất là các đối tượng chính sách, người nghèo... đảm bảo cho nhân dân đón xuân mới an toàn, lành mạnh, vui tươi và đầm ấm.   

Về vấn đề tín dụng đen đang có chiều hướng bùng phát hiện nay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho rằng khi khó tiếp cận vốn ngân hàng thì tín dụng đen sẽ phát triển. Vừa qua, có một số cán bộ ngân hàng thương mại câu kết với đối tượng bên ngoài để làm tín dụng đen, điều này cần phải xử lý nghiêm. Không thể để tín dụng đen phát triển nhất là trong bối cảnh kiềm chế lạm phát. Tới đây NHNN sẽ rà soát chặt chẽ để giảm tín dụng đen.  
 
 
                                                                                  Theo Báo LĐ
 
 

Các tin khác


Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công đoàn cơ sở

LTS: Hòa chung khí thế cả nước hân hoan kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024); 138 năm ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 - 1/5/2024) và hướng đến kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024); 73 năm thành lập Công đoàn tỉnh Hòa Bình (1951 - 2024), phóng viên Báo Hòa Bình có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Mạnh Cương, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh về sự lớn mạnh của đội ngũ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) tỉnh trong phát triển KT - XH địa phương.

Lễ Thượng cờ ''Thống nhất non sông'' tại Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải

Sáng 30/4, tại Kỳ đài ở khu Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Trị long trọng tổ chức Lễ Thượng cờ "Thống nhất non sông” nhân dịp Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), 52 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (1/5/1972-1/5/2024).

Tuổi trẻ huyện Tân Lạc thắp sáng truyền thống quê hương anh hùng

Tân Lạc là huyện có bề dày lịch sử. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân huyện Tân Lạc đã phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lập nhiều chiến công xuất sắc trong chiến đấu, lao động, sản xuất. Với khẩu hiệu "Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” và tinh thần "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, huyện Tân Lạc đã đóng góp trên 45.000 tấn lương thực, thực phẩm; trên 2.900 thanh niên lên đường nhập ngũ, trong đó có 190 gia đình có từ 2 - 4 con đi bộ đội.

Chuyển động trong công tác xây dựng Đảng

Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Trong đó đặc biệt quan tâm công tác cán bộ, lấy sản phẩm để đánh giá năng lực cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhờ vậy đã tạo nên sự chuyển động của bộ máy cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục