Người dân khu 6, thị trấn Cao Phong (Cao Phong) chăm sóc cam non niên vụ 2016 - 2017.

Người dân khu 6, thị trấn Cao Phong (Cao Phong) chăm sóc cam non niên vụ 2016 - 2017.

(HBĐT) - Thông tin về việc cam Cao Phong bày bán nhiều nơi tại Hà Nội với số lượng lớn trên một số báo, đài T.ư trong khi đã hết mùa đang làm cho người sản xuất, kinh doanh cam chân chính và cả chính quyền huyện Cao Phong lo lắng.

 

Đây là sản phẩm đặc trưng nổi tiếng của Hòa Bình đã khẳng định chất lượng, uy tín, thương hiệu trên thị trường và được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Lợi dụng điều này, một số hộ kinh doanh trong và ngoài tỉnh đã trà trộn cam Cao Phong với loại cam khác hoặc bán cam khác nhưng gắn mác cam Cao Phong để lừa người tiêu dùng. Điều này nếu không được ngăn chặn sẽ ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu, danh tiếng cam  Cao Phong. Vụ sản xuất năm 2015 – 2016, toàn huyện Cao Phong có gần 1.700 ha cây có múi, trong đó trên 750 ha cam, quýt đang trong thời kỳ kinh doanh, sản lượng đạt trên 20.000 tấn, giá trị bình quân đạt từ 650 - 700 triệu đồng/ha. Những năm gần đây, nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đưa các giống cam mới vào trồng, thời vụ thu hoạch cam Cao Phong kéo dài hơn, rải vụ từ tháng 9 đến hết tháng 5 năm sau. Như vậy, vào thời điểm tháng 6, gần như nhân dân đã thu hoạch xong diện tích cam, quýt. Chỉ còn một số ít hộ giữ lại cam với số lượng không nhiều. ông Bùi Văn Hiến, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cao Phong cho biết: Đến nay, có thể khẳng định vụ sản xuất cam năm 2015 – 2016 đã hết. Nhân dân đang tập trung chăm sóc cây, quả non để đón vụ sản xuất năm 2016 – 2017 thắng lợi. Nếu ở nơi nào đó bán cam thương hiệu Cao Phong với số lượng lớn mà giá rẻ là không đúng.  

Theo ghi nhận của phóng viên vào trung tuần tháng 6, các vườn cam trên địa bàn huyện Cao Phong trải dài một màu xanh. Những cây cam sau vụ thu hoạch năm 2015 – 2016 đang ra những chùm quả non. Không còn cảnh người dân, thương lái hối hả thu hoạch cam để tỏa đi tiêu thụ các nơi, thay vào đó nhân dân tích cực làm cỏ, tưới nước, chăm sóc cam. Dọc hai bên QL6 đoạn qua thị trấn Cao Phong cũng không còn cảnh tấp nập mua bán cam, những kệ hàng đều trống không. Chúng tôi chỉ gặp duy nhất một hàng bán cam tại khu 6, thị trấn Cao Phong của gia đình chị Trịnh Thị Nhạn nhưng cũng chỉ còn lại khoảng 70 kg. Chị Nhạn cho biết: Đây là số cam cuối cùng gia đình còn giữ được, giá 60.000 đồng/kg. Tuy nhiên, thời điểm này cam không còn mọng nước mà đã bị khô đầu. Bán hết số cam này, tôi sẽ nghỉ chờ vụ cam mới. Thông tin tại Hà Nội cam Cao Phong được bán với số lượng lớn nhưng giá chỉ 25.000 đồng/kg làm chúng tôi lo lắng, không thể là cam Cao Phong “xịn”. Bởi thời điểm này đã hết vụ, bán tại gốc cũng đã 50.000 – 55.000 đồng/kg.  

Thời điểm cuối vụ, hộ kinh doanh thường trà trộn cam Trung Quốc với cam Cao Phong để bán vì giá cam Cao Phong cao gấp 2 – 3 lần. Còn thời điểm hết vụ, thường bán cam Trung Quốc nhưng nói là cam Cao Phong. Thấy rõ vấn đề trên, nhằm bảo vệ thương hiệu và quản lý, phát triển Chỉ dẫn địa lý cam Cao Phong, trong tháng 5, UBND huyện Cao Phong đã ban hành văn bản về tăng cường công tác quản lý và sử dụng Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam. Trong đó, yêu cầu các xã, thị trấn, Công ty TNHH MTV Cao Phong, Hội Những người trồng cam rà soát chủng loại cam, nêu rõ thời điểm thu hoạch, kết thúc. Thông báo các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng Chỉ dẫn địa lý cam Cao Phong trong sản xuất, kinh doanh cam để xem xét đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận theo quy định. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến quy định về hoạt động quản lý và sử dụng Chỉ dẫn địa lý theo Quyết định số 27 của UBND tỉnh tới các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cam trong vùng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý Cao Phong.

Ông Nguyễn Văn Chính, Trưởng Ban Kiểm soát cam Cao Phong cho biết: Với trách nhiệm được giao, Ban đã tổ chức cho trên 100 hộ kinh doanh cam, quýt trên địa bàn ký cam kết không kinh doanh cam không rõ nguồn gốc. Chuẩn bị cắm biển công bố hết vụ cam năm 2015 – 2016 tại đầu huyện và cuối huyện; công bố trên cổng thông tin điện tử của huyện. Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng thông báo rõ để khách hàng trong và ngoài tỉnh biết để không mua phải cam khác gắn mác cam Cao Phong.  

Đến nay, cam Cao Phong vẫn là sản phẩm đầu tiên và duy nhất của tỉnh được cấp giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý. Cùng với các biện pháp chỉ đạo, quản lý nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, các biện pháp chống gian lận thương mại để bảo vệ thương hiệu, danh tiếng cam cũng được huyện Cao Phong triển khai. Người tiêu dùng cần tìm hiểu thông tin để tránh mua phải cam Cao Phong “rởm”.

 

 

                                                               Cẩm Lệ

 

 

Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Huyện Lạc Sơn: Tổng đàn vật nuôi có trên 1,3 triệu con

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đạt trên 1,3 triệu con.

Đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn thành lập thị xã Lương Sơn

Ngày 26/4, Ban chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn của tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Cựu chiến binh huyện Lạc Thủy thi đua làm kinh tế giỏi

Những năm qua, phong trào "Cựu chiến binh (CCB) thi đua làm kinh tế giỏi" trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có sức lan tỏa sâu rộng, được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Từ phong trào xuất hiện nhiều CCB điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương trong lao động sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục