(HBĐT) - Hải Sơn là một xóm của bà con ở tỉnh Nam Định lên khai hoang, lập nghiệp từ đầu những năm 1960 ở xã Mai Hịch (Mai Châu). Sau những tháng ngày đầu tiên gặp nhiều khó khăn ở quê hương thứ 2, với sự cần cù, đời sống của bà con xóm Hải Sơn đã có nhiều đổi khác. Mô hình phát triển khu chuyên canh rau sạch của họ đang đem lại giá trị kinh tế cao.
Xóm Hải Sơn có 93 hộ, nằm dọc theo đường Tỉnh lộ 439, cách trung tâm UBND xã Mai Hịch hơn 1 km. “Nhiều năm nay, xóm Hải Sơn duy trì luân canh trồng rau sạch, mùa nào rau đấy. So với trồng lúa và trồng màu thì hiệu quả kinh tế cao hơn, mô hình này đang được một số hộ dân ở xóm Ngõa, xóm Dến làm theo”, đồng chí Vì Văn Uổi, Chủ tịch UBND xã Mai Hịch cho biết.
“Mùa nào rau đấy”, quả đúng như vậy, những ngày này trên cánh đồng rộng hơn 6 ha của bà con xóm Hải Sơn đang phủ màu xanh mướt của rau cải, cà chua, tầm bóp, súp lơ và nhiều loại rau ưa lạnh khác. Bà Nguyễn Thị Kim đang tỉ mẩn kiểm tra từng cây cải Đông Dư hơn 1 tháng tuổi của gia đình cho biết: “Giống cải này dùng chủ yếu để muối dưa, từ lúc trồng đến khi thu hoạch từ 30 – 40 ngày. Hiện, giá bán tại vườn là 7.000 đồng/kg, so với trồng lúa, ngô thì hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn”. Theo chia sẻ của bà Kim, nhiều năm qua, ngoài một số diện tích trồng lúa, phần lớn gia đình bà chuyển sang trồng rau, đậu và các loại củ, quả. “Trồng lúa đầu tư phân bón nhiều, lại hay bị sâu, bệnh nên năng suất không cao. Do đó, chúng tôi chú trọng chuyển sang trồng các loại rau theo nhu cầu của thị trường nên đem lại hiệu quả kinh tế khá”, bà Kim cho biết thêm.
Bà Nguyễn Thị Kim, xóm Hải Sơn, xã Mai Hịch (Mai Châu) đang chăm sóc vườn cải Đông Dư của gia đình.
Kế bên ruộng cải của gia đình bà Kim, chị Bùi Thị Hồng cùng đứa con trai đang căng dây dù làm giàn cho ruộng dưa chuột Nhật. “Hằng năm, gia đình đều duy trì trồng các loại rau, củ trên 1.800m2 đất ruộng. Vụ đông này, có công ty cung cấp giống và nhận bao tiêu sản phẩm nên gia đình chuyển một phần diện tích trồng dưa chuột Nhật. Ngoài ra, tôi còn trồng cà chua, su hào, cải bắp và rau tầm bóp”, chị Hồng cho biết.
Đi tham quan khắp các ruộng, có thể thấy được sự phong phú của các loại rau, củ mà bà con trồng. Thêm nữa, trên các ruộng đều có các hố chứa phân hoai mục để bón cho rau. Ông Đoàn Quang Thường, Trưởng xóm Hải Sơn cho biết: “Vì sản phẩm hiện chủ yếu tiêu thụ trên địa bàn huyện nên bà con đưa vào canh tác nhiều loại rau, củ khác nhau để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hiện nay, vấn đề ATVSTP đang rất nhức nhối, chúng tôi luôn ý thức phải sản xuất được sản phẩm rau sạch, vừa an toàn cho người sử dụng, vừa tạo ra thương hiệu cho chính mình. Ngoài việc sử dụng các loại thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học, chúng tôi đang tích cực ủ phân vi sinh để bón cho rau”.
Theo chia sẻ của ông Thường, để “chất lượng tạo thành thương hiệu”, HTX rau an toàn Hải Sơn đã được thành lập, với 60 thành viên là 60 hộ duy trì trồng rau nhiều năm qua. Thông qua HTX, các thành viên sẽ giúp đỡ nhau về kỹ thuật trồng, chăm sóc, cũng như định hướng sản xuất để sản phẩm làm ra được tiêu thụ thuận lợi. Được biết, Trung tâm KN-KL của huyện Mai Châu cũng thường xuyên hướng dẫn cho bà con về kỹ thuật, cũng như cung cấp các loại giống mới có năng suất, chất lượng cao hơn. Tuy nhiên, bà con xóm Hải Sơn vẫn chưa thực sự yên tâm về vấn đề đầu ra, giá cả và mong muốn cơ quan chức năng hỗ trợ kết nối với các đầu mối.
Viết Đào
(HBĐT) - Lạc Hưng là xã vùng sâu còn nhiều khó khăn của huyện Yên Thủy. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã trên 49%, thu nhập bình quân đầu người đạt 18 triệu đồng/năm. Do đó, nguồn vốn chính sách đến tay bà con có thể coi là tiền đề xóa đói - giảm nghèo cho mảnh đất còn nhiều khó khăn này. Vốn của NHCSXH có tác động rất lớn đến phát triển KT-XH của xã, đặc biệt là đối với những hộ nghèo và cận nghèo.
(HBĐT) - Theo NHCSXH huyện Đà Bắc, hiện toàn huyện thực hiện 13 chương trình tín dụng chính sách. Đến hết tháng 10, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng 246.242 triệu đồng, hoàn thành 98,8% kế hoạch được giao, tăng 27.987 triệu đồng (13%) so với thời điểm đầu năm.
(HBĐT) - Hiện trên địa bàn huyện Lương Sơn thực hiện 14 chương trình tín dụng chính sách chủ yếu ủy thác qua 4 tổ chức Hội. Đến hết tháng 10, tổng dư nợ các chương trình tín dụng của huyện đạt 208.589 triệu đồng, trong đó dư nợ ủy thác qua Hội, đoàn thể 207.693 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 99,7%/tổng dư nợ.
(HBĐT) -Theo NHCSXH huyện Mai Châu, năm 2016, nguồn vốn được giao của đơn vị là 222.016 triệu đồng, tăng 24.143 triệu đồng so với cuối năm 2015.
(HBĐT) - Là 1 trong 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác vốn vay ưu đãi, hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách giữa NHCSXH với Hội LHPN đã giúp hàng nghìn lượt phụ nữ có nhu cầu vay vốn được tiếp cận nhanh nhất với nguồn vốn ưu đãi. Hiện nay, Hội phụ nữ quản lý 761 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) với 28.131 hộ còn dư nợ, tổng dư nợ ủy thác 625.235 triệu đồng, chiếm 26,6% dư nợ/tổng dư nợ của 4 tổ chức chính trị - xã hội.
(HBĐT) - Theo thống kê của Phòng LĐ-TB&XH huyện Kỳ Sơn, triển khai các chương trình dạy nghề năm 2016, huyện đã mở được 7 lớp với 165 học viên tham gia. Trong đó, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp Kỳ Sơn mở 1 lớp dạy nghề trồng cỏ cho 18 học viên tại xã Dân Hòa; 1 lớp nuôi gà thả vườn cho 21 học viên xã Phúc Tiến. Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh mở 1 lớp trồng cây có múi cho 35 học viên xã Dân Hạ; 2 lớp may công nghiệp cho 56 học viên xã Dân Hòa; 2 lớp nuôi lợn cho 35 học viên xã Mông Hóa.