(HBĐT) - Phát huy vai trò nòng cốt trong phát triển KT-XH, quan tâm, giúp đỡ hội viên xóa đói, giảm nghèo bền vững, trong những năm qua, Hội Phụ nữ xã Hợp Châu (Lương Sơn) đã thành lập nhiều mô hình phát triển kinh tế đem lại thu nhập khá cho hội viên, tiêu biểu nhất phải kể đến tổ hợp tác chăn nuôi gà thả vườn. Hiện tổ hợp tác không ngừng phát triển và mở rộng, cung cấp số lượng sản phẩm lớn cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Mô hình chăn nuôi gà thả vườn của gia đình chị Lê Thị Hà ở thôn Nghĩa Kếp, xã Hợp Châu (Lương Sơn) cho hiệu quả kinh tế cao.
Được thành lập vào tháng 8/2014, tổ hợp tác chăn nuôi gà thả vườn nuôi thí điểm tại thôn Nghĩa Kếp với 16 hội viên tham gia. Với hình thức nuôi tại vườn, các hội viên khi tham gia được hướng dẫn, chia sẻ kỹ thuật nuôi gà để có hiệu quả cao nhất. ưu tiên tham gia các buổi tập huấn do xã tổ chức để trau dồi kỹ năng, áp dụng tiến bộ KH-KT vào chăn nuôi nhằm đạt năng suất cao. Ngoài ra, các hội viên có hoàn cảnh khó khăn sẽ được tiếp cận nguồn vốn của Ngân hàng CSXH, các hội viên thuộc diện hộ nghèo được vay nguồn quỹ Hội Phụ nữ không lãi suất. Đặc biệt, Hội Phụ nữ xã chủ động liên kết với các cơ sở úm gà, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y để hội viên mua hàng với giá ưu đãi. Tuy nhiên, các hội viên khi tham gia tổ hợp tác phải tuân thủ theo các quy định đã đề ra, đảm bảo đúng quy trình, kỹ thuật để sản phẩm đạt năng suất và hiệu quả cao.
Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, tổng đàn gia cầm của tổ hợp tác được nhân rộng lên 20.000 con với sự tham gia của 20 hội viên. Năm 2015, tổ hợp tác xuất bán ra thị trường 20.000 con với giá dao động ở mức 110.000 - 115.000 đồng/kg, thu về 3,9 tỷ đồng. Trung bình, mỗi hội viên có thu nhập từ 40- 50 triệu đồng tiền lãi mỗi năm. Thị trường tiêu thụ chủ yếu tại chợ Hữu Văn (huyện Chương Mỹ - Hà Nội) và các địa phương lân cận.
Cùng cán bộ Hội Phụ nữ xã, chúng tôi đến thăm gia đình chị Lê Thị Hà ở thôn Nghĩa Kếp, một trong những hội viên tiêu biểu của tổ hợp tác. Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại, ngắm nhìn những đàn gà chắc, khỏe với số lượng hàng nghìn con, chị Hà cho biết: “Trước đây, gia đình tôi phát triển mô hình gà thả vườn, tuy nhiên, hiệu quả kinh tế đem lại chưa cao. Từ khi tham gia tổ hợp tác, chị em trong nhóm chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật để gà lớn nhanh, khỏe mạnh và phòng được các loại dịch bệnh. Đến nay, tổng đàn gia cầm của gia đình tôi có hơn 3.000 con, trung bình mỗi con nặng từ 1,8 - 2 kg, giá thu mua dao động ở mức 110.000 đồng/ kg. Năm 2015, gia đình tôi xuất bán ra thị trường 5,4 tấn thịt gà, thu về gần 600 triệu đồng, trừ chi phí gia đình tôi lãi khoảng 200 triệu đồng”.
Đồng chí Nguyễn Thị Mẫn, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hợp Châu chia sẻ: “Tổ hợp tác chăn nuôi gà thả vườn bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt, hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống. Đến nay, nhiều tổ chức, cơ sở kinh doanh lựa chọn tổ hợp tác là điểm cung cấp sản phẩm có uy tín và chất lượng. Trong thời gian tới, mong muốn Nhà nước đầu tư xây dựng các trục đường giao thông liên thôn, xóm để thuận tiện trong lưu thông, vận chuyển hàng hóa. Ngoài ra, chính quyền xã tổ chức các buổi tập huấn nâng cao kỹ thuật, chuyển giao KH-KT. Đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu phục vụ chăn nuôi, phát triển sản xuất.
Đức Anh
Ngày 30-11, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang gặp mặt Đoàn đại biểu 88 doanh nghiệp (DN) đạt Thương hiệu quốc gia năm 2016. Dự buổi gặp mặt có Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu quốc gia.
(HBĐT) - Vốn đầu tư ít, quay vòng đồng vốn nhanh là những ưu điểm vượt trội mà mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học do Trạm KN-KL huyện Cao Phong triển khai thực hiện trong năm 2016. Mô hình đã khuyến khích người dân phát triển nuôi gà theo hướng an toàn, hiệu quả, vươn lên thoát nghèo bền vững. Đó là khẳng định của đồng chí Hồ Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Phong.
(HBĐT) - Thực hiện công tác quản lý Nhà nước về đất đai, năm 2016, tỉnh đã thẩm định nhu cầu sử dụng đất của 124 dự án; thu hồi, giao đất, cho thuê đất, điều chỉnh diện tích thuê đất, thu hồi đất để giải phóng mặt bằng thực hiện dự án cho 75 tổ chức với diện tích 352,19 ha; thu hồi 35,81 ha đất do vi phạm pháp luật của 3 tổ chức; cấp mới, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chứng nhận bổ sung tài sản cho 134 tổ chức với diện tích 296,02 ha; ký hợp đồng thuê đất mới cho 32 tổ chức với diện tích 458,87 ha; xác định đơn giá thuê đất cho 177 tổ chức để làm căn cứ hợp đồng thuê đất theo quy định.
(HBĐT) - Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định trích 115 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách T.ư năm 2016 để hỗ trợ 10 địa phương thực hiện hỗ trợ dân sinh và khắc phục cấp bách cơ sở hạ tầng thiết yếu như: công trình thủy lợi, giao thông nông thôn, đê điều… thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ sau bão năm 2016. Trong đó, tỉnh ta được hỗ trợ 10 tỷ đồng.
(HBĐT) - Thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM năm 2016, tỉnh ta được ngân sách T.ư hỗ trợ trực tiếp cho chương trình 185,4 tỷ đồng.
(HBĐT) - Đà Bắc thuộc diện huyện nghèo theo Quyết định số 293/QĐ-TTg của Chính phủ. Toàn huyện có 19 xã và 1 thị trấn, trong đó có tới 14 xã thuộc khu vực III, 5 xã khu vực II. Cơ cấu ngành nông nghiệp chiếm 46,14% tỷ trọng; hơn 80% dân số sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo năm 2015 chiếm 66,68%. Cùng đó, việc áp dụng tiêu chí nghèo đa chiều dẫn đến số lượng hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện tăng lên đáng kể.