(HBĐT) - Đó là khẳng định của đồng chí Trần Văn Tiệp, Giám đốc Sở NN &PTNT khi nhìn nhận những diễn biến tích cực trong sự phát triển của ngành nông nghiệp năm 2016 - năm bản lề có ý nghĩa quan trọng trong lộ trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020.

 

Theo đồng chí, tỉnh ta thuộc nhóm đầu trong cả nước đã sớm khởi động đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Từ năm 2014 đến nay, 5 chương trình hành động trên 5 lĩnh vực quan trọng của ngành (gồm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, thủy lợi) đã tiếp thêm động lực để kinh tế nông nghiệp có thể thực hiện những “bước nhảy dài” về chất, từ đó tự tin hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

 

Mía tím trở thành cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế của người dân xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn).

 

Theo thống kê của Sở NN &PTNT, năm 2016 tiếp tục ghi nhận sự phát triển khá toàn diện của ngành nông nghiệp, nhất là trên 5 lĩnh vực trọng yếu đã có lộ trình tái cơ cấu là trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp và thủy lợi… Năm nay, tốc độ tăng trưởng của ngành đạt 4,7%, vượt 0,2% so với kế hoạch và cùng kỳ; giá trị sản xuất toàn ngành ước đạt 12, 37 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm 2015, vượt 1,17% kế hoạch đề ra. Đóng góp vào bức tranh chung đầy sức sống của toàn ngành, các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp và xây dựng NTM đều tạo được những điểm nhấn quan trọng: Về trồng trọt, giá trị sản xuất tăng 7,9% so với năm 2015, giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng trọt đạt khoảng 118 triệu đồng, tăng 14 triệu đồng so với năm 2015. Riêng nhóm cây ăn quả có múi tiếp tục cho thu nhập bình quân trên 400 triệu đồng /ha/năm.

 

Về chăn nuôi, giá trị sản xuất tăng 13,12% so với năm 2015, vượt 3,76% kế hoạch. Các địa phương thực hiện khá tốt quy hoạch vùng chăn nuôi lợn và gia cầm tập trung, đồng thời chú trọng phát triển chăn nuôi trang trại, công nghiệp hiệu quả cao và an toàn dịch bệnh.

 

Về thủy sản, giá trị sản xuất tăng 14,24% so với năm 2015. Song song với nỗ lực tăng diện tích và sản lượng nuôi trồng thủy sản, giá trị sản phẩm thu được trên 1ha mặt nước nuôi trồng thủy sản cũng tăng lên mức 150 triệu đồng /ha/ năm cho thấy tiềm năng phát triển thủy sản đang được khai thác đúng hướng.

 

Về lâm nghiệp, giá trị sản xuất hiện hành tăng 10,1% so với năm 2015, độ che phủ rừng đạt 51,2%. Các địa phương thực hiện tốt công tác bảo vệ gắn với nâng cao hiệu quả kinh tế rừng.

 

Đặc biệt, trong lĩnh vực xây dựng NTM, năm 2016 đã có thêm 6 xã về đích, nâng số xã đạt chuẩn NTM toàn tỉnh lên 37 xã, chiếm 19,37% tổng số xã, tăng 3,14% so với năm 2015. Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 88%; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 68%... Những kết quả này đang tạo đà khá thuận lợi cho tỉnh ta tiếp tục thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM giai đoạn 2016 – 2020.

 

Đồng chí Trần Văn Tiệp, Giám đốc Sở NN &PTNT cho biết: So với năm 2014 là năm khởi đầu xây dựng đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, những kết quả đạt được trong năm 2016 cho thấy kinh tế nông nghiệp tỉnh ta đang đi vào chiều sâu của tái cơ cấu trên cơ sở xác định rõ hướng đi của mình gắn với sản phẩm đặc thù trong từng lĩnh vực. Cụ thể, trong lĩnh vực trồng trọt là định hướng chuyên canh phát triển mạnh các loại cây đặc sản có giá trị kinh tế cao như cây ăn quả có múi, nhãn, mía tím, rau an toàn… Trong lĩnh vực chăn nuôi là định hướng phát triển trang trại, gia trại, các cơ sở chăn nuôi sản xuất hàng hóa với quy mô phù hợp, tập trung vào 5 vật nuôi chủ lực của tỉnh là lợn, trâu, bò, dê, gia cầm. Trong lĩnh vực thủy sản, định hướng xuyên suốt là mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản kết hợp khai thác lợi thế cạnh tranh của đặc sản cá lòng hồ… Bám sát định hướng chung của tỉnh, các địa phương đã xây dựng kế hoạch tái cơ cấu phù hợp với điều kiện của từng vùng và bước đầu tạo được những chuyển biến đáng ghi nhận. 

 

Đơn cử tại huyện Lạc Sơn - nơi quyết tâm tái cơ cấu ngành nông nghiệp được bắt đầu từ lĩnh vực trồng trọt, vốn là lĩnh vực chiếm tỷ trọng trên 70% cơ cấu nội ngành. Đồng chí Bùi Văn Khánh, Trưởng phòng NN &PTNT huyện cho biết: Xác định tầm quan trọng của chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, từ đầu năm 2013 đến nay, huyện Lạc Sơn đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất trồng trọt. Theo Quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng giai đoạn 2013 – 2015 và định hướng đến năm 2020, huyện xác định ổn định diện tích cây lương thực có hạt (lúa, ngô); đẩy mạnh chuyển đổi diện tích sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như mía, sắn, cam, các loại cây thực phẩm, cây làm thức ăn cho chăn nuôi như cỏ voi, cỏ VA06…

 

Để thực hiện tốt nội dung này, huyện Lạc Sơn đã tích cực triển khai công tác dồn điền, đổi thửa, đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, đưa các giống mới và áp dụng tiến bộ KH -KT vào sản xuất. Khuyến khích nông dân mạnh dạn chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng cho năng suất cao. Thống kê sơ bộ trong 3 năm gần đây, toàn huyện đã chuyển đổi khoảng 870 ha /năm. Cùng với nỗ lực chuyển đổi cơ cấu diện tích, huyện đã bước đầu lựa chọn một số loại cây lợi thế hứa hẹn phát triển thành cây trồng chủ lực như mía tím (bình quân trồng mới khoảng 560 ha /năm), bí xanh (bình quân trồng mới khoảng 140 ha /năm), cây có múi (trong 3 năm phát triển gần 300 ha cam, quýt, bưởi…), bí đỏ, mướp đắng lấy hạt, củ đậu, dưa chuột…

 

Nhìn ra phạm vi toàn tỉnh, có thể thấy thành quả quan trọng sau 3 năm (2014 – 2016) thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp là các địa phương trong tỉnh đã xác định đúng hướng đi và tìm kiếm được cây trồng, vật nuôi phù hợp để phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Đây chính là giá trị cốt lõi để ngành nông nghiệp đảm bảo được chất lượng tăng trưởng. Với sự xuất hiện đầy thuyết phục của giống cây trồng, vật nuôi mới, các địa phương đã chú trọng nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa, tăng cường xúc tiến thương mại, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị, hình thành sản phẩm mang thương hiệu của từng địa phương, nhân rộng các mô hình tổ chức sản xuất mới có hiệu quả đã được kiểm chứng… Đó cũng chính là những giải pháp hữu hiệu giúp ngành nông nghiệp tiếp tục phát triển theo chiều sâu để nâng cao hiệu quả tái cơ cấu, từ đó hình thành các giá trị tốt đẹp và bền vững góp phần xây dựng NTM thành công.

 

 

                                                                       Thu Trang

 

 

Các tin khác


Kim ngạch xuất khẩu tăng tốc ngoạn mục

(HBĐT) - Kể từ năm 2013 đến nay, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của tỉnh luôn giữ tốc độ tăng trưởng cao, bền vững. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu vượt ngưỡng 100 triệu USD, năm 2014 đạt 150 triệu USD, năm 2015 đạt 282 triệu USD và năm 2016 ước đạt 370,8 triệu USD.

Tình hình an ninh trật tự tại trạm thu phí Lương Sơn cơ bản ổn định

(HBĐT) - Từ 0 giờ ngày 1/1/2017, Công ty TNHH BOT Quốc lộ 6 – Hòa Lạc – Hòa Bình chính thực hiện điều chỉnh mức phí tại trạm thu phí tại Km42+730 - QL 6, Lương Sơn, Hòa Bình. Theo đó mức phí áp dụng cụ thể là: Xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng 35.000 đồng/lượt. Xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn 55.000đồng/lượt. Xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn 75.000 đồng/lượt. Xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn và xe chở hàng bằng Container 20 fit 140.000 đồng/lượt. Xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng Container 40 fit 200.000 đồng/lượt.

Kiểm tra tình hình thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM tại xã Nam Phong, Cao Phong

(HBĐT) - Đoàn công tác của Sở NN&PTNT vừa đã đi kiểm tra tình hình thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM tại xã Nam Phong, Cao Phong.

 Tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

(HBĐT) - Ngày 30/12, Sở NNN&PTNT đã tổ chức hội nghị tổng kết năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017, sơ kết 3 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tới dự có đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, tổ chức, các huyện, thành phố trong tỉnh.

 Trao giải nhì trị giá 20 triệu đồng cho khách hàng trúng thưởng khuyến mại đăng ký mở thẻ ATM

(HBĐT) - Sáng ngày 30/12, tại Agribank Sông Đà (TP Hoà Bình) diễn ra lễ trao giải nhì chương trình “Mở thẻ liền tay, cơ may trúng lớn”. Đây là chương trình do Agribank Việt Nam tổ chức triển khai trong toàn hệ thống kể từ ngày 1/11/2016 đến hết ngày 30/11/2016 trong toàn quốc.

Các chỉ tiêu KT-XH chủ yếu năm 2017

(HBĐT) - * Các chỉ tiêu kinh tế: 1- Tăng trưởng kinh tế 8,5%, trong đó: nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng 4,5%; công nghiệp - xây dựng tăng 11,5%; dịch vụ tăng 7,9%; 2- Cơ cấu kinh tế: Khu vực nông nghiệp chiếm 21,52%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 46,8%; khu vực dịch vụ chiếm 31,68%; 3- GRDP bình quân đầu người 39,95 triệu đồng (tương đương 1.816 USD ).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục