(HBĐT) - Vài vụ mía tím gần đây, người trồng mía tím trên địa bàn tỉnh đã phải chịu những mùa mía “đắng”. Năm nay, nông dân trồng mía đón niềm vui được giá. Hiện tại, mía tím đang sốt, gần như cháy hàng. Thương lái vất vả trong việc tìm mua với giá mía tím bán tại vườn lên tới 8.000 đồng/cây, cao gấp 3 lần so với năm 2015.
Sụt giảm mạnh diện tích mía tím
Còn nhớ vụ mía tím năm 2015, người dân trồng mía tại các huyện: Lạc Sơn, Tân Lạc, Cao Phong, Kim Bôi… phải chịu thua lỗ nặng. Một số hộ trắng tay vì giá mía quá rẻ, chỉ từ 2.000 - 3.000 đồng/ cây, thậm chí có lúc xuống tới 1.500 đồng/ cây mà vẫn không có người mua. Người dân ngồi cả ngày tại chợ mía Vụ Bản, Hàng Trạm, Cúc Phương hoặc dọc tuyến quốc lộ 6 vẫn không bán được vài ba bó mía để thu hồi vốn. Tiền bán mía không đủ thuê thợ dọn vườn là hoàn cảnh chung của rất nhiều hộ trồng mía. Đâu đâu cũng thấy hình ảnh người dân dọn vườn, mang những cây mía to chất đầy đầu bờ mà xót xa. Không thu hồi được vốn đầu tư do giá mía xuống quá thấp, bán muộn hay không bán được mía đã làm ảnh hưởng đến vụ mía tiếp theo. Nhiều hộ không kịp trồng đúng thời vụ hoặc chán nản, lo lắng sợ tái diễn tình trạng mía tím không bán được nên không còn thiết tha với cây mía tím chuyển sang trồng những loại cây khác.
Nông dân xã
Theo số liệu của ngành nông nghiệp, năm 2016, tổng diện tích trồng mía tím toàn tỉnh chỉ còn khoảng hơn 2.000 ha, giảm hơn 50% so với năm 2015. Tại huyện Tân Lạc, một trong những vựa mía lớn của tỉnh diện tích trồng mía tím năm nay chỉ đạt 900 ha, diện tích năm 2015 là 1.466,6 ha.
Đồng chí Vũ Quang Hùng, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tân Lạc cho biết: Năm 2016, diện tích mía tím trên địa bàn huyện sụt giảm mạnh bởi nhiều lí do. Trước tiên là do giá mía năm 2015 quá thấp, người dân bị thiệt hại nặng về kinh tế. Ngoài ra, gần đây trên địa bàn huyện xuất hiện ngày càng nhiều mô hình trồng trọt hiệu quả như trồng bưởi đỏ, bưởi da xanh, cam, chanh đào…cho hiệu quả kinh tế 700 – 800 triệu đồng/ha. Do đó, người dân đã chuyển diện tích trồng mía tím sang trồng các loại rau màu hoặc trồng cây ăn quả khiến cho diện tích trồng mía tím sụt giảm mạnh.
Thực tế ở Tân Lạc cũng là thực tế chung tại các địa phương khác. Người dân các huyện: Lạc Sơn, Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Thuỷ đã mạnh dạn đầu tư chuyển diện tích trồng mía sang trồng rau, màu ngắn ngày hoặc trồng cam, bưởi, nhãn, thanh long….
Ngoài ra, theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện chưa có cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ cho cây mía phát triển, trong khi UBND tỉnh đã có chính sách hỗ trợ cây trồng có múi, nên người dân không còn mặn mà với cây mía.
“Sốt” giá mía tím
Diện tích sụt giảm trong khi nhu cầu thị trường lớn đã làm nên cơn “sốt” mía tím. Chị Nguyễn Thị Thoa, một thương lái có thâm niên cho biết: Chưa năm nào tôi mua mía tím khó như năm nay. Diện tích giảm, số lượng mía ít nên người dân đòi giá cao. Đầu mùa cây to, cao, gióng dài giá dao động từ 5.000 -6.000 đồng/ cây. Hiện tại, giá mía tại vườn tăng cao. Chúng tôi phải tranh giành để mua được mía. Nhiều vườn tôi đã đặt tiền chưa kịp chặt nhưng người khác vào hỏi mua với giá cao hơn chủ vườn sẵn sàng đánh tháo, trả lại tiền thương lái đặt cọc. Những vườn mía đẹp, chúng tôi đã đặt tiền để bán dịp Tết đều có giá khoảng 8.000 đồng/cây. Hiện nay, để tìm mua được những vườn mía ưng ý rất khó khăn.
Tại thời điểm này, mía tím được tiêu thụ gần hết, đó là tín hiệu đáng mừng cho bà con trồng mía. ở các huyện Lạc Sơn, Tân Lạc, Cao Phong…diện tích mía tím còn lại số lượng ít. Hầu hết lượng mía còn lại thương lái đã đặt tiền để bán dịp Tết và các lễ hội đầu năm. Người dân được mùa mía tím “ngọt”. Anh Bùi Văn Chin, xóm Khuận, xã Nam Phong tươi cười: Phải đến 3 năm rồi, năm nay cây mía mới mang lại cho chúng tôi niềm vui đến vậy. Nhiều gia đình đã bỏ mía tím trồng cam, quýt, rau, màu. Gia đình tôi phải vay ngân hàng, quyết tâm lắm mới trồng tiếp mía, may sao năm nay lại được mùa, được giá, cho thu nhập cao. Với diện tích 3.000 m2, giá bán 6.500 đồng/ cây, gia đình tôi thu về khoảng 70 triệu đồng.
Sản phẩm mía tím Hòa Bình từ lâu đã được thị trường Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nam…ưa chuộng. Đặc biệt, thời tiết năm nay nắng nhiều, hanh khô đã khiến nhu cầu tiêu thụ mía tăng nên mía dễ bán và được giá.
Tuy nhiên, bài toán “được mùa - mất giá”, “mất mùa - được giá” của nông sản nói chung, cây mía nói riêng đã diễn ra từ nhiều năm nay. Do đó, việc “sốt” giá mía năm nay vẫn chỉ được đánh giá là nhất thời. Đồng chí Vũ Quang Hùng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Lạc chia sẻ: Huyện đã tuyên truyền cho người dân thực hiện việc quy hoạch vùng trồng mía của địa phuơng. Tuy nhiên người dân thực hiện chưa nghiêm túc. Do đó, người nông dân cứ loay hoay với việc trồng - chặt mía.
Vấn đề đặt ra hiện nay là cần quy hoạch vùng trồng mía tím trên toàn tỉnh, đảm bảo đầu ra ổn định. Có như vậy cây mía mới thực sự là cây giúp người nông dân thoát nghèo, làm giàu. Còn nếu để việc trồng mía tự phát như hiện nay, rất có thể năm nay được giá, sang năm trồng ồ ạt lại mất giá, người nông dân lại thua lỗ. Do đó, việc định hướng, quy hoạch, hướng dẫn cho nông dân là rất cần thiết, cần được các địa phương hết sức quan tâm. Ngoài ra, một vấn đề cần quan tâm nữa là tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ để nâng cao chất luợng, mẫu mã sản phẩm. Từng bước hình thành nên thương hiệu mía tím Hoà Bình để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Đây chính là những điều kiện đảm bảo cho cây mía tím phát triển ổn định.
Thu Thủy
(HBĐT) - Năm 2016, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn huyện Lương Sơn ước đạt 183,2 tỷ đồng, đạt 132% so với dự toán tỉnh giao, đạt 121,5% dự toán huyện giao, bằng 140,8% so với cùng kỳ năm 2015.
(HBĐT) - Sáng 9/1, Liên minh HTX tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết tình hình hinh tế tập thể và hoạt động của Liên minh HTX tỉnh năm 2016, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2017. Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam; Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và hơn 100 HTX thành viên.
(HBĐT) - Nhằm tạo bước chuyển mạnh mẽ cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, năm 2016 huyện Kim Bôi đã tích cực triển khai các Đề án: “Sản xuất rau an toàn”; “trồng cỏ vỗ béo đàn bò”; “Cải tạo vườn tạp” và Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp”.
(HBĐT) - Chúng tôi đến xóm Mớ Đồi, xã Hạ Bì (Kim Bôi) đúng thời điểm bà con chăm sóc cây màu vụ đông. Các loại rau vụ đông như su hào, súp lơ, bắp cải phát triển tốt. Riêng cây khoai tây đang là mối lo của nhiều hộ dân.
(HBĐT) - Sau gần 6 năm triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Tuân Lộ (Tân Lạc)?mới hoàn thành được 10/19 tiêu chí. Đời sống nhân dân cơ bản được cải thiện với mức thu nhập bình quân đạt 21 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo 17,2% (giảm 14,8% so với năm 2011). Tuy nhiên, xã đang gặp nhiều khó khăn trong huy động các nguồn lực để xây dựng hệ thống hạ tầng cũng như hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng NTM.
(HBĐT) - Những năm qua, phong trào thi đua tuổi cao, gương sáng đã được phát động rộng ở huyện Mai Châu. Qua đó xuất hiện nhiều tấm gương NCT tích cực tham gia phát triển kinh tế gia đình góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp. ông Ngần Văn Thoan - xóm Nà Sài, xã Chiềng Châu là một trong những tấm gương tiêu biểu như vậy.