(HBĐT) - Là xã vùng hồ, địa hình trải dài, độ dốc lớn và điều kiện khí hậu khắc nghiệt nên đời sống của bà con xã Tân Mai (Mai Châu) gặp không ít khó khăn. Những năm qua, cùng với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, xã Tân Mai nỗ lực tìm hướng đi để khai thác những tiềm năng, thế mạnh.
Đồng chí Triệu Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Tân Mai có 7 xóm, chia làm 2 vùng gồm: 4 xóm ở khu vực lòng hồ và 3 xóm ở vùng cao. Các xóm ở vùng cao thu nhập chủ yếu từ trồng sắn, ngô và luồng. Tuy nhiên, điều kiện thời tiết diễn biến khó lường, mùa đông xuất hiện rét đậm, rét hại nên sản xuất gặp nhiều khó khăn. Bà con ở các xóm vùng hồ vốn gắn với nghề đánh bắt thủy sản, một số hộ nuôi cá lồng. Năm vừa qua, được sự quan tâm, hỗ trợ kinh phí đóng lồng cá mới và giống cá từ Ban Dân tộc tỉnh đã tạo ra bước phát triển cho nghề nuôi cá lồng ở xã”.
Gia đình bà Đinh Thị Nguyệt, xóm Đoi, xã Tân Mai (Mai Châu) được Ban Dân tộc tỉnh hỗ trợ làm lồng cá, đến nay, cá phát triển khá tốt.
Theo đó, trong năm 2016, cùng với 2 xã Tân Dân và Phúc Sạn, bà con xã Tân Mai được hỗ trợ đóng mới 23 lồng cá, nâng số lượng lồng cá của xã lên 157 lồng. Gia đình bà Đinh Thị Nguyệt là một trong những hộ đầu tiên ở xóm Đoi làm lồng nuôi cá trên lòng hồ sông Đà. “Nhiều năm nay, ngoài đánh bắt, gia đình tôi là một trong những hộ đầu tiên làm lồng để nuôi cá. Cá mình nuôi hầu hết là cá đánh bắt trên lòng hồ nên việc nuôi nhốt khá thuận lợi. Tuy nhiên, lồng cá làm bằng tre, luồng độ bền không cao. Khi được cấp trên hỗ trợ làm lồng sắt và cá giống, gia đình phấn khởi lắm. Đến thời điểm này, cá phát triển tốt, lớn nhanh hơn trước”.
Theo bà Nguyệt, hiện ở xóm Đoi có khoảng 75% hộ đã làm lồng nuôi cá. Ngoài ra, ở các xóm vùng lòng hồ khác như: xóm Khoang, Suối Lốn và Mó Rút bà con cũng đang tích cực làm lồng nuôi cá. “Chúng tôi nuôi cá chiên, trắm đen, trắm trắng bằng ngô và lá trên rừng nên chất lượng thịt thơm ngon, dễ tiêu thụ. Dù rất muốn mở rộng quy mô, làm lồng cá mới nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn nên trước mắt, gia đình tập trung chăm sóc cá nuôi thật tốt. Rất mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền”, bà Nguyệt bày tỏ.
Còn đối với các xóm vùng cao như: Nánh, Nhân và Nà Bó thu nhập của bà con gắn liền với cây ngô, cây sắn. Anh Lý Văn Tâm, chi hội trưởng chi hội nông dân xóm Nánh chia sẻ: “Từ khi đưa giống mới vào canh tác, năng suất tăng lên đáng kể. Trong khi giá mua giống và phân bón ngày một tăng, giá bán nông sản không tăng, nhiều năm còn rớt giá. Những năm qua, được Đảng và Nhà nước quan tâm, hỗ trợ nông dân cây quýt giống. Đến nay, cây phát triển tốt, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng. Hy vọng sau này sẽ cho thu hoạch với chất lượng cao để trở thành hướng đi giúp chúng tôi xóa đói, giảm nghèo”.
Qua ghi nhận thực tế có thể thấy, với sự quan tâm, định hướng từ các cấp chính quyền, xã Tân Mai đã có được những định hướng nhất định trong phát triển kinh tế. Thế nhưng, với thu nhập bình quân đến hết năm 2016 mới đạt 9, 5 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo cao (57,2%), để hiện thực hóa những tiềm năng xã Tân Mai xác định cần nhiều nỗ lực hơn nữa. “Chúng tôi sẽ tập trung thúc đẩy nông dân sử dụng hiệu quả những sự hỗ trợ từ cấp trên. Trong đó, khuyến khích bà con phát triển nuôi cá lồng, tìm những cây trồng, vật nuôi phù hợp để chuyển đổi cơ cấu, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân”, đồng chí Triệu Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Mai bày tỏ.
Viết Đào
Ngày 6-2, tại Cà Mau, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam. Dự hội nghị còn có nhiều lãnh đạo bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành ven biển và đông đảo cộng đồng doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản. Hội nghị nhằm tìm những giải pháp để phát triển ngành tôm, hướng đến mục tiêu xuất khẩu đạt 10 tỷ USD...
(HBĐT) - Trong tháng đầu năm 2017, giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán éinh Dậu trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng nhẹ, tuy nhiên không có biến động lớn.
(HBĐT) - Ngày 6/2, Đoàn công tác của Sở NN&PTNT do đồng chí Vương Đắc Hùng, Phó giám đốc Sở làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra tình hình sản xuất vụ đông xuân năm 2017 tại huyện Lạc Sơn và Yên Thủy.
(HBĐT) - Toàn tỉnh hiện có 3 siêu thị kinh doanh mặt hàng nông sản thực phẩm, còn lại tập trung tại các chợ truyền thống rất khó kiểm soát về chất lượng và mức độ an toàn thực phẩm. Do vậy, việc xây dựng các cửa hàng cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn cung cấp cho thị trường để đảm bảo chất lượng cuộc sống người dân là hết sức cần thiết.
(HBĐT) - Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Nghị quyết đề ra mục tiêu tổng quát: Đến năm 2020, du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Có kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đồng bộ; sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng, chất lượng, thân thiện với môi trường, đậm bản sắc văn hóa các dân tộc, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao.
(HBĐT) - Năm 2016, tổng nguồn vốn hoạt động của NHCSXH TP Hòa Bình đạt trên 116 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn T.ư trên 111 tỷ đồng; nguồn vốn huy động tại địa phương trên 7,6 tỷ đồng; nguồn vốn uỷ thác tại địa phương 2,5 tỷ đồng. Thành phố thực hiện 12 chương trình tín dụng ưu đãi.