(HBĐT) - Ngày 6/2, Đoàn công tác của Sở NN&PTNT do đồng chí Vương Đắc Hùng, Phó giám đốc Sở làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra tình hình sản xuất vụ đông xuân năm 2017 tại huyện Lạc Sơn và Yên Thủy.

 

Đoàn công tác của Sở NN&PTNT kiểm tra mô hình trồng mướp đắng lấy hạt tại xóm Vó, xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn).

* Vụ đông xuân năm 2017, huyện Lạc Sơn có kế hoạch gieo cấy 3.500 ha lúa; trên 7.000 ha cây rau, màu các loại. Đến thời điểm này,  huyện đã làm đất được trên 50% diện tích, mạ đã gieo 231 tấn, trong đó, chủ yếu là giống lúa lai và lúa thuần; diện tích lúa đã cấy được trên 175 ha. Hiện nay, bà con nông dân  đang tập trung xuống đồng làm đất, đẩy nhanh tiến độ gieo cấy, đảm bảo khung thời vụ kết thúc gieo cấy vụ chiêm xuân năm 2017 trong tháng 2. Huyện đã chuyển đổi 200 ha diện tích đất lúa, không đảm bảo nước sang trồng các loại cây màu khác. Theo dự kiến, vụ chiêm xuân năm 2017, huyện Lạc Sơn  có khoảng 700 ha lúa bị hạn. Huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn, các đơn vị chức năng, tăng cường kiểm tra hồ, đập, đảm bảo điều tiết nước hợp lý, tránh lãng phí nguồn nước tưới; chuẩn bị mọi điều kiện cho công tác chống hạn. Nhìn chung, vụ đông xuân năm 2017, Lạc Sơn cơ bản thuận lợi. Khó khăn hiện nay là 1 số xã trên địa bàn huyện không có các công trình hồ, đập, không chủ động được nguồn nước, nên vấn đề chuyển đổi cây trồng gặp không ít khó khăn. Huyện đã đề xuất, kiến nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí cho công tác chống hạn; đầu tư các công trình hồ đập, kiên cố hóa kênh mương phục vụ sản xuất; hỗ trợ kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất và phê duyệt mô hình theo chuỗi giá trị thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM...

*Tại Yên Thủy, Đoàn đã tiến hành kiểm tra thực tế tại các xã Phú Lai, Yên Trị, Bảo Hiệu, Đa Phúc. 

 Theo kế hoạch, vụ đông xuân năm 2017, huyện Yên Thủy gieo trồng 7.660 ha. Trong đó, 420 ha lúa; 4.790 ha cây màu và cây công nghiệp; 657 ha rau đậu các loại; 264 ha cây dược liệu. Tính đến nay, toàn huyện đã gieo trồng được 1.252 ha. Trong đó, lúa là 350 ha, đạt 83% kế hoạch; mía 350 ha, 23% kế hoạch. Theo dự kiến, huyện hoàn thành gieo cấy lúa trong tháng 2. Phấn đấu sớm hoàn thành các loại cây màu vụ đông xuân năm 2017 bảo đảm khung thời vụ. Trong vụ đông xuân, huyện đã chuyển đổi trên 200 ha diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng các giống cây màu đem lại hiệu quả kinh tế cao, bước đầu hình thành vùng sản xuất tập trung chuyên canh như bầu, bí tại các xã Bảo Hiệu, Lạc Lương, Đoàn Kết; rau các loại tại Yên Lạc,…Hiện nay, huyện đang tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp, triển khai một số mô hình liên danh, tập trung dồn điền đổi thửa, liên kết với doanh nghiệp, đưa một số cây trồng có giá trị cao hình hành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tăng cường quản lý nông lâm thủy sản, quản lý tốt nguồn nước phục vụ sản xuất.

Đoàn công tác kiểm tra thực tế tình hình sản xuất nông nghiệp tại  xóm Lòng, xã Yên Trị (Yên Thủy).

* Tại huyện Lương Sơn: Sáng ngày 6/2, Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do đồng chí Nguyễn Anh Quân, Phó giám đốc Sở làm trưởng đoàn cùng với các đơn vị trực thuộc Sở đã có buổi làm việc với UBND huyện Lương Sơn, nghe báo cáo và đi kiểm tra thực tế tình hình sản xuất nông nghiệp đầu năm. 

 

Đoàn công tác kiểm tra tình hình sản xuất tại xã huyện Lương Sơn.

 

Theo kế hoạch, diện tích gieo trồng vụ Đông- xuân 2016- 2017 của huyện là 4.560 ha, tính đến ngày 3/2 diện tích mạ đã gieo là 80 tấn, đạt 100% kế hoạch; diện tích đã làm đất gieo cấy lúa 1.709 ha, đạt 85,5% kế hoạch; diện tích lúa đã cấy 845 ha, đạt 42,3% kế hoạch. Diện tích cây màu đã trồng 32ha. Cơ cấu giống lúa gồm lai chiếm 42%, lúa thuần chiếm 58%. Tình hình cung ứng giống, vật tư phân bón phục vụ sản xuất đảm bảo, giá cả ổn định, chất lượng tốt kịp thời phục vụ cho sản xuất. Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, màu đã được quan tâm chỉ đạo. Huyện đã chuyển trên 700 ha diện tích đất lúa, màu kém hiệu quả chuyển sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao. Chăn nuôi phát triển khá, hiện đàn trâu, bò trên 15.766 con, đàn lợn gần 8.1275 con, gia cầm trên 1,4 triệu con. Không có dịch lớn xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm, công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm được đặc biệt chú trọng. Không có trâu bò chết do đói, rét. Tổng diện tích nuôi thả cá là 365 ha, chủ yếu là nuôi thả trên các hồ, đập kết hợp với thủy lợi phục vụ sản xuất.

 

Ra xuân, các xã, thị trấn đã đồng loạt tổ chức Tết trồng cây, toàn huyện trồng được 11.550 cây các loại. Công tác quản lý và bảo vệ rừng được thực hiện tốt, không có vụ cháy rừng nào xảy ra. Hiện, nước ở các hồ chứa, công trình thủy lợi cơ bản đảm bảo đủ nước phục vụ làm đất và gieo cấy vụ Đông- Xuân 2016- 2017.

 

 Tại buổi làm việc, huyện đã đưa ra những đề xuất với đoàn công tác như: UBND tỉnh sớm phân bổ kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM năm 2017; hỗ trợ kinh phí đầu tư phát triển các HTX; hỗ trợ vacxin thuốc khử trùng tiêu độc phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm năm 2017. Đồng thời hỗ trợ sửa chữa các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do mưa bão gây ra năm 2016.

 

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Trưởng đoàn ghi nhận tiến độ sản xuất của huyện. Với những đề xuất của huyện, đoàn công tác sẽ tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

 

* Ngày 6/2, đoàn kiểm tra tiến độ sản xuất vụ Đông Xuân trong và sau Tết nguyên đán Đinh Dậu do đồng chí Trần Văn Tiệp, Giám đốc Sở NN & PTNT làm trưởng đoàn đã kiểm tra sản xuất tại huyện Lạc Thuỷ.

 

Đến thời điểm này, các loại cây trồng cơ bản đã làm đất xong, tổng diện tích gieo trồng đạt 28,3% kế hoạch, khung thời vụ gieo trồng cơ bản theo đúng quy trình kỹ thuật, lúa đã cấy đạt 53,9%, ngô trồng đạt 24,9%, rau các loại đạt 32,6%. Thời tiết từ đầu vụ đến nay cơ bản thuận lợi, huyện phấn đấu cấy lúa xong trước tháng 2, cây ngô và cây màu khác gieo trồng xong trước ngày 15/3. Đặc biệt, các địa phương đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, theo hướng sản xuất hàng hoá. Chăn nuôi các con đặc sản phát triển ổn định và có chiều hướng tăng với số lượng nuôi ước tính trên 500 con nhím, 2.700 lợn rừng, 120 dúi... Đàn gia cầm tiếp tục tăng với gần 600.000 con gà, trên 53.000 con lợn, khoảng 11.000 trâu, bò.

 

Đoàn kiểm tra Sở NN & PTNT kiểm tra mô hình sản xuất lúa gạo chất lượng cao tại thôn Hoàng Đồng, xã Khoan Dụ (Lạc Thuỷ).

 

Sau khi thăm một số mô hình điểm về chăn nuôi, trồng trọt phát triển theo chuỗi giá trị tại các xã Yên Bồng, Khoan Dụ, Đồng Tâm, Lạc Long, đoàn kiểm tra yêu cầu các cơ quan chuyên môn của huyện tập trung chỉ đạo, đôn đốc hướng dẫn các địa phương đảm bảo việc gieo trồng đầu vụ theo tiến độ, kế hoạch đề ra. Năm 2017 là năm triển khai mạnh mẽ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, theo đó, địa phương cần ưu tiên cho các chương trình thúc đẩy như phát triển vùng sản xuất trồng rau an toàn tập trung, phát triển đàn gà Lạc Thuỷ, phát triển cây ăn quả có múi, nhãn chín muộn và cây na... Đối với chương trình xây dựng NTM, toàn huyện giữ vững 4 xã đạt chuẩn và có thêm 1 xã Lạc Long về đích NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM của huyện đạt 38,46%.

                                      

* Tại huyện Đà Bắc, Đoàn công tác Sở NN&PTNT đã tổ chức kiểm tra sản xuất nông – lâm nghiệp, thủy lợi tại một số địa phương trọng điểm tại huyện

 

Vụ Chiêm xuân năm 2017, huyện Đà Bắc có kế hoạch gieo trồng các loại cây với tổng diện tích 7.950ha, trong đó, câu lúa nước đạt 920 ha. Tính đến nay, các địa phương đã làm xong đất, mạ đã ngâm, ủ, gieo 48 tấn, đạt 100% kế hoạch. Trong đó, lúa thuần chiếm 80% tổng lượng gieo. Người dân đã chuẩn vị đủ lượng giống, phân bón và một số vật tư khác phục vụ sản xuất. Tính đến hiện tại, toàn huyện đã cấy được trên 30% diện tích lúa, tương đương với 250ha.

 

Đối với tỉnh hình phòng chống rét cho mạ, huyện Đà Bắc đã chỉ đạo các cơ quan chuyện môn tăng cường kiểm tra, hướng dẫn bà con nông dân không gieo mạ và cấy khi nhiệt độ xuống dưới 150C, áp dụng biện pháp che phủ nilon  cho toàn bộ diện tích mạ khi nhiệt độ xuống thấp. Tính đến thời đảêm hiện tại, trên địa bàn toàn huyện cây mạ cho sinh trưởng, phát triển tốt, không xảy ra hiện tượng mạ chết do rét và sâu bệnh.

 

Huyện cũng đã chỉ đạo các xã đảm bảo nước tưới cho cây trồng. Đối với công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, UBND huyện chỉ đạo vận động nhân dân chuyển đổi đất trồng lúa, cây mầu kém giá trị sang cây trồng có giá trị cao. Một số địa bàn làm tốt công tác chuyển đổi như xã Hào lý, Tu Lý, Cao Sơn, Toàn Sơn...Các xã trên đã mạnh dạn chuyển đổi từ đất lúa có giá trị kinh té thấp sang trồng các loại cấy giá trị kinh tế cao như: bưởi da xanh, bưởi diễn, cam...

 

Đối với chăn nuôi, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, do thời tiết diễn biến phức tạp, để đè phòng rét đậm, rét hại có thể xảy ra, huyện Đà Bắc đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn bà con áp dụng các biện pháp phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi, chủ động nguồn thức ăn. Đồng thời, hướng dẫn bà con nhân dân xây dựng, tu sửa, che chắn chuồng trại đảm bảo kín gió, luôn giữ nền chuồng khô ráo, đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, chủ động các nguồn nhiệt như than, trấu củi...

 

Trong nuôi trồng thủy sản, toàn huyện có trên 6.000ha mặt nước, tập trung tại các xã ven hồ sông Đà. Người dân hiện đã phát triển được trên 1.130 lồng cá, đạt 174% kế hoạch, so cùng kỳ đạt 137%. Tổng sản lượng thuỷ sạn ước đến nay đạt khoảng 1.389 tấn, tập trung các loại cá như: trắm cỏ, rô phi dương tính, trê lai, chiên, ngạnh, dầm xanh, xá tầm, cá bỗng... Người dân cũng đã tập trung triển khai trồng rừng với kế hoạch năm 2017, huyện Đà Bắc phấn đấu đảm bảo bằng và vượt kế hoạch 800 ha rừng trồng mới, trong đó có khoảng 100 ha rừng phòng hộ.

 

Huyện cũng kiến nghị đoàn công tác đề nghị Sở NN&PTNT tỉnh tiếp tục triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp; hỗ trợ kinh phí chống hạn, thực hiện việc tu sửa, xây mới hệ thống các công trình thủy lợi đã bị hư hỏng; đầu tư nguồn vốn thực hiện Chương trình kiên cố hoá kênh mương; đề xuất UBND tỉnh chỉnh sửa, bổ sung, tiếp tục hỗ trợ kinh phí hỗ trợ sản xuất; bố trí kinh phí hỗ trợ cán bộ đi triển khai thực hiện.

 

 Đoàn công tác kiểm tra tình hình trồng cây nông nghiệp tại địa bàn xã Tu Lý (Đà Bắc). 

 

Tại huyện Cao Phong: Để đáp ứng nhu cầu về giống, vật tư, phân bón và các điều kiện khác phục vụ sản xuất, các đơn vị, cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp đã cung ứng đầy đủ, kịp thời giống lúa, ngô, phân bón, thuốc BVTV....đáp ứng cho sản xuất vụ chiêm xuân 2017.

 

Theo kế hoạch năm 2017, huyện Cao Phong lên kế hoạch triển khai gieo cấy 450 ha lúa. Tính đến nay, toàn huyện đã trồng được 430 ha lúa nước. Ngoài ra, huyện còn dự kiến trồng 2.500 ha mía tím và 2.500 ha mía nguyên liệu, đồng thời, trồng hàng nghìn ha cây màu.

 

Cơ cấu trồng cây lương thực có hạt của huyện, bao gồm: cây lúa thuần chiếm 52,3% diện tích; giống lai chiếm 34,9%; 12,8% diệnt ích còn lại là giống nếp và địa phương. Đối với cây ngô, giống lai chiếm trên 98% diện tích còn lại là các giống nếp như: nếp trắng TH, VN2, MX2.

 

Đối với cây có múi, theo đánh giá, tình hình dịch hại xuất hiện bệnh thối quả, rệp xanh, nhện đỏ gây hại cục bộ trên một số diện tích cam, quýt thời kỳ kinh doanh...Đối với cây mía có hiện tượng rệp sáp, rệp sơ trắng hại rải rác; cây rau xuất hiện sâu xanh, sâu tơ, bệnh lở cổ rễ, thán thư xuất hiện trên cây rau họ bí.

 

Tình hình thú y, thuỷ sản, huyện Cao Phong đã phân công cán bộ chuyên môn bám sát cơ sở, đôn đốc hướng dẫn nông dân chủ động chống rét, dịch bệnh cho thuỷ sản, đến nay chưa có hiện tượng thuỷ sản chết do dịch bệnh. Toàn huyện hiện có trên 850 lồng cá, chủ yếu tập trung khu vực lòng hồ sông Đà đang cho phát triển tốt.

 

Đối với cây lâm nghiệp, huyện Cao Phong đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, các chủ rừng thực hiện trồng, quản lý, bảo vệ rừng nghiêm ngặt. Đồng thời, chuẩn bị tốt nguồn cây giống  thực hiện trồng hoàn thành và vượt kế hoạch toàn huyện là 150 ha rừng trồng mới.

 

Công tác thuỷ lợi cũng được huyện cao Phong đặc biệt quan tâm. Huyện đã đã thực hiện tốt việc phân cấp quản lý các công trình thuỷ lợi, vận hành công trình, phân phối nước tưới, tăng cường kiểm tra hồ đập...Tuy vậy, với tình hình hiện nay, do thời tiết diễn biến khó lường, Cao Phong dự kiến khả năng hạn trên lúa và cây mầu là 150 ha, trong đó có 50 ha là cây lúa; diện tích khó đảm bảo về nước tưới chủ động chuyển sang cây khác có giá trị kinh tế cao khoảng 130 ha.

 

Huyện Cao Phong cũng kiến nghị tỉnh quan tâm sớm phân bổ kinh phí thực hiện chính sách theo Quyết định số: 10, 11/2015/QĐ-UBND đăng ký thực hiện năm 2015, 2016 để kịp thời hỗ trợ nhân dân phục vụ sản xuất.

 

* Chiều 6/2, Đoàn công tác của Sở NN&PTNT đã đi kiểm tra thực tế tình hình sản xuất nông nghiệp trong, sau Tết Nguyên đán tại huyện Kỳ Sơn.

 

Đoàn công tác kiểm tra mô hình nuôi cá lồng tại xã Hợp Thành.

 

Theo báo cáo, theo kế hoạch diện tích gieo trồng vụ Xuân 2017 của huyện trên 1.600 ha. Trong đó lúa là 1.000 ha. Các địa phương đã chuẩn bị đủ giống theo diện tích kế hoạch đề ra với lượng giống gieo là 38 tấn, chất lượng giống đảm bảo với cơ cấu giống lúa lai chiếm 40% diện tích, lúa thuần chiếm 60% diện tích. Đến ngày 6/2, toàn huyện đã cấy được 700 ha. Dự kiến đến 20/2 toàn huyện sẽ cấy xong trong khung thời vụ. UBND huyện chỉ đạo các địa phương chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, quản lý chặt chẽ các nguồn nước, không gieo cấy lúa ở những diện tích không chủ động được nước tưới. Toàn huyện đã chuyển đổi 70 ha sang trồng cây có giá trị kinh tế như dưa chuột, bí xanh, bí đỏ lấy hạt...Chăn nuôi của huyện phát triển khá, tới nay tổng đàn gia súc gia cầm trên 304.000 con. Các xã đã thực hiện tốt công tác phòng chống đói rét cho đàn gia súc gia cầm, phòng chống dịch bệnh và tăng cường kiểm dịch, kiểm soát giết mổ. Tổng diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản của huyện là 135,5 ha. Hiện trên địa bàn huyện có khoảng 80 lồng cá nuôi trên sông Đà với các loại cá nuôi như cá trắm cỏ, cá điêu hồng, cá lăng mang lại hiệu quả kinh tế. Từ ngày 6/2, các xã, thị trấn đã đồng loạt tổ chức Tết trồng cây. Năm 2017 huyện có kế hoạch trồng mới 488 ha rừng và chuẩn bị lượng giống cây cho kế hoạch trồng rừng trên 800.000 cây. Hiện các địa phương khẩn trương chuẩn bị địa bàn, gieo ươm cây giống và chuẩn bị hiện trường trồng rừng để khi thời tiết thuận lợi có thể trồng được ngay. Tuy nhiên do thời tiết ấm, dự báo tình hình sâu bệnh với các đối tượng chính là sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu và ốc bươu vàng có thể ảnh hưởng đến cây trồng. Mặt khác qua kiểm tra toàn diện các hồ chứa trên địa bàn, tổng diện tích hạn vụ xuân dự kiến là 350 ha trong đó cây lúa 70 ha và cây màu 280 ha. Huyện đã chỉ đạo các địa phương điều tiết nước hợp lý, huy động lực lượng và kinh phí hỗ trợ cho sửa chữa, nạo vét, khơi thông, bơm nước tưới phục vụ cho sản xuất. Đồng thời chủ động chuyển diện tích lúa bị hạn nặng sang cây trồng khác có hiệu quả như lạc, mía, đậu tương.

 

Tại buổi làm viêc, huyện đã đưa ra những đề xuất với đoàn công tác như: UBND tỉnh mở rộng phạm vi, đối tượng thực hiện nội dung quyết định số 10/2015/QĐ-UBND của UBND tỉnh hỗ trợ nuôi cá lồng vùng hạ lưu Sông Đà. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh sớm bố trí kinh phí sửa chữa hồ Dụ - Ao Mè xã Mông Hoá và cống dẫn nước ngòi Tôm xã Hợp Thịnh bị thiệt hại do thiên tai. Trong khuôn khổ buổi làm việc, đoàn đã đi kiểm tra mô hình nuôi cá lồng xã và tình hình sản xuất nông nghiệp tại xã Hợp Thành.

 

Kết luận buổi làm việc, đoàn công tác đánh giá cao công tác chỉ đạo phát triển sản xuất của huyện. Đồng thời, ghi nhận những khó khăn vướng mắc của huyện tổng hợp báo cáo UBND tỉnh để cùng huyện tháo gỡ.

 

* Ngày 6/2, Đoàn công tác của Sở NN&PTNT đã kiểm tra tình hình sản xuất vụ đông xuân năm 2017 tại huyện Mai Châu và Tân Lạc.

 

 Tại huyện Mai Châu: Để chuẩn bị tốt cho sản xuất vụ đông xuân, đến thời điểm này công tác làm đất, chuẩn bị giống, phân bón của huyện cơ bản hoàn tất. Các đơn vị cung ứng đã cung ứng trên 35.000 kg giống, 106 tấn phân bón, hầu hết diện tích mạ đều được che phủ nilon, một số xã đã bắt đầu triển khai gieo cấy lúa chiêm. Có khoảng 96ha đất lúa nguy cơ bị hạn được chuyển sang trồng các loại cây màu khác. Với công tác chăn nuôi thú y, tình hình dịch bệch trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát, duy trì tổng đàn trâu bò trên 20.000 con. Về tình hình hạn hán trên lúa, huyện đã chỉ đạo các xã, hộ gia đình chủ động chuyển đổi diện tích đất lúa bị hạn sang trồng cây màu cần ít nước tưới, đồng thời huy động các loại máy bơm để chủ động khắc phục khi có hạn hán xảy ra.

 

Đoàn công tác của Sở NN&PTNT kiểm tra tình hình sản xuất nông nghiệp tại xã Chiềng Châu (Mai Châu).

 

Đoàn đã kiểm tra tình hình sản xuất tại các xã Chiềng Châu, Cun Pheo, Mai Hịch. Một số vấn đề về lồng ghép các nguồn vốn thực hiện mô hình sản xuất nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp được đoàn lưu ý huyện cần đẩy nhanh tiến độ trong thời gian tới.

 

Tại huyện Tân Lạc: Hiện nay, bà con nhân dân các xã, thị trấn đã làm đất lúa đạt trên 90% kế hoạch, diện tích làm đất màu đạt gần 80% kế hoạch, diện tích gieo trồng ước đạt trên 1.350 ha. Có khoảng hơn 750 ha diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả được chuyển sang trồng ngô, các loại cây công nghiệp ngắn ngày và cây rau màu khác. Đàn trâu, bò trên 23.000 con phát triển ổn định, trên toàn địa bàn không có dịch bệnh xảy ra. Về công tác thủy lợi, mực nước ở các hồ chứa lớn đạt 80-90% dung tích đảm bảo lượng nước để phục vụ sản xuất. Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Tân Lạc tiếp tục phát triển trồng cây có múi ở các xã dọc đường 12B, trồng rau su su ở các xã vùng cao, xây dựng và nhân rộng mô hình mía tím nuôi cấy mô, thâm canh diện tích cây ăn quả đã trồng, không trồng mới cây ăn quả trên đất rừng sản xuất, đồng thời xây dựng Đề án cải tạo vườn tạp giai đoạn 2016-2020, đưa một số cây trồng chủ lực vào trồng trên đất vườn, nâng cao giá trị sản xuất từ đất vườn.  

 

Đoàn công tác của Sở NN&PTNT kiểm tra hệ thống thủy lợi ở xã Thanh Hối (Tân Lạc).

 

Huyện đã có đề xuất, kiến nghị cụ thể tới UBND tỉnh về việc tiếp tục hỗ trợ kinh phí cải tạo, nâng cấp các công trình thủy lợi, kinh phí để thực hiện chính sách chuyển đổi trồng lúa sang trồng ngô. Đồng thời, đề xuất với sở NN&PTNT tham mưu cho UBND tỉnh sớm có hướng dẫn cụ thể về việc lập hồ sơ công nhận đạt tiêu chí cho các xã về đích NTM năm 2016. Đề xuất Sở KH-CN tạo điều kiện để huyện đăng ký nhãn hiệu tập thể “Quýt Nam Sơn” và “Khoai loang Phú Cường” trong năm 2018.

 

Đoàn công tác đã ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của huyện và sẽ tổng hợp báo cáo trình UBND tỉnh để có hướng giải quyết. 

 

                                                                        Nhóm PV

 

 

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Sản xuất vẫn phụ thuộc “nước trời”

(HBĐT) - Là xã thuần nông, lúa nước là cây trồng chủ đạo trong sản xuất của bà con xã nghèo Tuân Đạo (Lạc Sơn). Thế nhưng đến nay, trên địa bàn xã vẫn chưa được xây dựng bất kỳ một công trình chứa nước nào. Một mùa vụ nữa lại đến, bà con nơi đây chỉ biết nhìn thửa ruộng cạn khô và cầu mong “mưa thuận, gió hòa”.

Tỷ lệ trở lại làm việc sau tết đạt 97,3%

(HBĐT) - Theo báo cáo từ CĐCS, tính tới ngày 3/2, có 24/28 doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại (4 doanh sản xuất lại ngày 10/2) với 97,3% người lao động đã trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán Đinh Dậu.

Tháng 1 đón hơn một triệu lượt khách quốc tế

Tổng cục Thống kê cho biết, khách quốc tế đến nước ta trong tháng 1- 2017 ước tính đạt hơn một triệu lượt người, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không tăng 26,6%; bằng đường bộ tăng 15,5%; bằng đường biển giảm 18,7%.

Lãnh đạo khai thác hiệu quả lợi thế trong phát triển kinh tế

(HBĐT) - Theo lời giới thiệu của các đồng chí trong Đảng uỷ xã Thu Phong (Cao Phong) chúng tôi đến thăm mô hình kinh tế của đồng chí Bùi Văn Phong, bí thư chi bộ xóm Đúng. Nằm ngay bên đường 12B, trên toàn bộ diện tích đất vườn của gia đình là các loại cây ăn quả đã cho thu hoạch. Đồng chí Bùi Văn Phong cho biết: Trước đây gia đình đầu tư trồng mía, nhận thấy hiệu quả kinh tế không cao đã chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả gồm cam lòng vàng, cam V2, quýt ôn châu, cam canh. Hiện vườn có trên 300 cây các loại, đến nay đã cho thu hoạch năm thứ hai, vụ thu hoạch năm 2016 cho thu khoảng 6 tấn quả.

Nuôi dê sinh sản - hướng phát triển triển vọng ở xã Quy Hậu

(HBĐT) - Được vay vốn ưu đãi từ quỹ hỗ trợ nông dân, nhiều hộ dân ở xã Quy Hậu (Tân Lạc) đầu tư vào nuôi dê. Sau hơn 3 năm, hiệu quả đem lại trông thấy, các hộ không những trả đủ cả gốc lẫn lãi mà còn tạo được đàn dê hàng chục con. Nuôi dê đang trở thành một trong những hướng phát triển kinh tế đầy triển vọng ở xã vùng 2 này.

Huyện Kỳ Sơn:46 hộ thoát nghèo từ vốn chính sách

(HBĐT) - Năm 2016, nguồn vốn hoạt động của NHCSXH huyện Kỳ Sơn có 125.859 triệu đồng; doanh số cho vay đạt 39.213 triệu đồng, doanh số thu nợ 32.389 triệu đồng. Đến hết năm 2016, dư nợ 15 chương trình tín dụng ưu đãi đạt 125.451 triệu đồng, nợ quá hạn trên địa bàn huyện 382 triệu đồng, chiếm 0,3% tổng dư nợ, giảm 199 triệu đồng so với cuối năm 2015.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục