(HBĐT) - “Có hội hè, chúc tụng nhưng hơi hướng của Tết chỉ kéo đến hết ngày 4/2 (tức ngày 8 tháng giêng), ngay sau đó, người dân đã đồng loạt xuống đồng gieo cấy vụ chiêm - xuân. Làm cho kịp thời vụ, có năng suất, hiệu quả, đời sống được nâng cao thì mới lại có... hội hè”. Đó là lời bộc bạch của một người dân xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) vừa cấy xong nhánh mạ cuối cùng trên thửa ruộng màu mỡ ven QL 12B.

 

Năng động, sáng tạo, đó là cụm từ mà tôi nghĩ tới đầu tiên khi  nhắc tới người dân xã Vĩnh Đồng. Tiếp xúc với các anh, chị công tác ở Ban Dân vận Huyện ủy và các đoàn thể huyện Kim Bôi được biết, Vĩnh Đồng là một trong những xã luôn đi đầu trong mọi phong trào. Bởi vậy, trong mấy năm gần đây, xã  được biết đến là một trong những đơn vị có nhiều cái nhất như: đường làng rộng nhất, sáng nhất, ruộng đồng được dồn điền, đổi thửa sớm nhất, cấy nhanh nhất, gặt nhanh nhất, trồng màu thu nhập cao nhất…

 

Thật vậy, mấy năm gần đây, khi đi qua địa phận xã Vĩnh Đồng, nếu tiện, người  qua đường thường chọn mua các mặt hàng nông sản tươi ngon được bày bán ngay rìa  QL 12B.  Những mặt hàng được bày bán chủ yếu là rau, đậu, ngô, củ đậu, khoai tây, dưa chuột, lạc, với các loại quả … mùa nào, thức ấy. Không chỉ có vậy, hàng hóa nông sản gồm rau, củ, quả, lợn, gà, trứng, mật ong… của Vĩnh Đồng đã có mặt hàng ngày ở chợ Nghĩa Phương - TP Hòa Bình. Có như vậy là bởi xã Vĩnh Đồng sớm tạo được cuộc “cách mạng” trong sản xuất nông nghiệp. Dấu mốc tạo sức bật cho ngành nông nghiệp của Vĩnh Đồng là “dồn điền, đổi thửa”. Xã đã thành công  khi huy động được 100% hộ của 12 xóm tham gia. Trước đây, trung bình mỗi hộ có từ 6 - 9 mảnh ruộng, có mảnh cách nhau đến 3 km, diện tích mỗi mảnh khoảng 100- 200 m2. Đến nay, dồn đổi mỗi hộ còn 3 - 4 mảnh. Ruộng đất tập trung, nông dân đầu tư tốt hơn cho cấy trồng.

 

Trên cơ sở định hướng của cấp ủy, chính quyền xã, nhân dân đã lựa chọn cây trồng phù hợp để  thâm canh tăng vụ, nâng cao nguồn thu nhập. Diện tích lúa và hoa màu lên xuống theo từng năm nhưng nhờ ứng dụng KH-KT trong trồng và chăm sóc nên năng suất năm sau cao hơn năm trước. Năm 2016, năng suất ngô của xã đạt bình quân 44 tạ/ha; lúa vụ chiêm- xuân đạt 75 tạ/ha, vụ hè - thu đạt 61,9 tạ/ha. Bình quân lương thực đạt 439,8 kg/người, bằng 108% so với cùng kỳ năm trước.

 

Xác định chăn nuôi đem lại nguồn thu nhập cao, xã đã duy trì đàn trâu, bò 770 con; đàn dê 265 con; đàn lợn 9.013 con; đàn gia cầm khoảng 44.800 con. Nhìn vào bảng số liệu thống kê của xã cho thấy, người dân đã nhạy bén trong việc nắm bắt thị trường để phát triển chăn nuôi. Theo đó, tổng đàn trâu, bò, dê và gia cầm đều tăng so với năm trước, trong đó, đàn gia cầm tăng 4.100 so với cùng kỳ nhưng riêng đàn lợn giảm 680 con so với cùng kỳ (trong điều kiện hàng trăm hộ dân của huyện Kim Bôi lao đao vì lợn mất giá dịp cận Tết Đinh Dậu, đàn lợn giảm là điều đáng mừng).

 

Nói rằng xã Vĩnh Đồng  nhanh nhạy trong tư duy, cách làm, anh Bùi Văn Bôi, Phó Chủ tịch UBND xã không phủ nhận nhưng khiêm tốn: Cũng ở mức độ thôi và thực sự chưa đồng đều. Thực tế có những hộ và nhóm hộ thực sự năng động trong phát triển kinh tế nhưng ngược lại còn nhiều hộ quẩn quanh với nếp nghĩ cũ, cách làm cũ nên hiệu quả không cao. Xác định rõ điều này, cấp ủy, chính quyền xã đã tăng cường  lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng, giao cho các đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân tập trung cao độ cho sản xuất, chăn nuôi. Trước kỳ nghỉ Tết Đinh Dậu, xã đã triển khai kế hoạch sản xuất đến KDC, từng hộ gia đình, trong đó, nhấn mạnh về yếu tố thời vụ. Phải làm tốt việc này vì trên địa bàn xã có di tích, có lễ hội và có người vẫn còn tâm thức “Tháng giêng là tháng ăn chơi”- anh Bôi khẳng định. Nhờ làm tốt khâu chuẩn bị nên mọi hoạt động vui xuân, đón Tết diễn ra suôn sẻ, người dân xuống đồng đúng lịch. Năm nay thuận nước nên xã Vĩnh Đồng cấy hết diện tích vụ chiêm - xuân. Cấy xong, người dân tập trung trồng màu, phát triển chăn nuôi, nhịp sống hối hả trở lại. Với người dân xã Vĩnh Đồng, tháng giêng không chỉ là tháng… ăn chơi.

           

 

                                                                          Thúy Hằng

 

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế

(HBĐT) - Hội LHPN huyện Mai Châu hiện có 23 cơ sở Hội với trên 10.788 hội viên tham gia sinh hoạt. Xác định vận động, hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế gia đình là nhiệm vụ quan trọng, thời gian qua, các cấp Hội trên địa bàn đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, chỉ đạo các chi, tổ hội duy trì hoạt động giúp nhau xóa đói, giảm nghèo với nhiều cách làm thiết thực, hiệu quả.

Doanh nghiệp khu công nghiệp thực hiện doanh thu gần 1.598 tỷ đồng

(HBĐT) - Với 44 dự án đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các KCN trong tỉnh, trong tháng 2, các doanh nghiệp đã trở lại hoạt động ổn định, thực hiện doanh thu 700 tỷ đồng, lũy kế từ đầu năm đạt 1.597,73 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu đạt 37 triệu USD, lũy kế đạt 77 triệu USD; nộp ngân sách Nhà nước 15,13 tỷ đồng, lũy kế đạt 25,13 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 14.500 lao động.

Xã Nhuận Trạch xây dựng đời sống văn hóa đi vào thực chất

(HBĐT) - Cùng cán bộ xã Nhuận Trạch đến thăm làng văn hóa cấp tỉnh thôn Đồng Bưng, xã Nhuận Trạch (Lương Sơn), sải bước trên những con đường bê tông phong quang sạch đẹp, đồng chí Hoàng Văn Thành, Trưởng thôn Đồng Bưng chia sẻ với chúng tôi: Nhân dân trong thôn luôn đồng thuận trong các phong trào thi đua mà xã phát động.

Tập trung chăm sóc lúa và trồng cây màu vụ xuân

(HBĐT) - Theo Sở NN&PTNT, hiện tình hình thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành gieo cấy, đảm bảo khung thời vụ kết thúc gieo cấy trong tháng 2. Tuy nhiên, thời tiết trong thời gian tới tiếp tục diễn biến phức tạp, nền nhiệt độ tăng cao hơn trung bình nhiều năm 0,5 - 10C; lượng mưa thiếu hụt từ 10 - 15% so với trung bình nhiều năm. Tình trạng hạn hán, thiếu nước tưới có thể xảy ra trên diện rộng, đặc biệt với những chân ruộng không chủ động nước tưới. Ngoài ra, đây cũng là vụ được dự báo rất khó khăn đối với công tác BVTV.

Đầu tư trên 1.200 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng

(HBĐT) - Năm 2016, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, nhất là ở thôn, xã trong tỉnh được đầu tư xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt của người dân và từng bước hiện đại hoá nông thôn.

Huyện Kỳ Sơn: Dành trên 1,2 tỷ đồng phát triển sản xuất

(HBĐT) - Thực hiện đề án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, huyện Kỳ Sơn chú trọng phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân. Năm 2016, từ nguồn vốn của các chương trình, dự án, huyện đã xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục