(HBĐT) - Theo lời giới thiệu của các đồng chí lãnh đạo UBND xã Hợp Thành (Kỳ Sơn), chúng tôi đến thăm vườn thanh long của gia đình ông Vũ Tuấn Khích (xóm Giếng). Trên địa bàn xã Hợp Thành có nhiều hộ gia đình trồng thanh long ruột đỏ, tuy nhiên, ông Khích là một trong những người đầu tiên thành công với mô hình này.
Ông Vũ Tuấn Khích, xóm Giếng, xã Hợp Thành (Kỳ Sơn) chăm sóc vườn thanh long.
Sau khi nghỉ hưu theo chế độ, ông Khích tiếp tục “thú vui điền viên” trên khu vườn của mình. Trồng cây thanh long đã lâu nhưng những năm gần đây, thanh long mới thực sự là một trong những nguồn thu nhập chính cho gia đình. Với niềm đam mê, trong quá trình trồng, ông chăm chú nghiên cứu, tham khảo tài liệu liên quan đến đặc tính, kỹ thuật trồng, chăm sóc sao cho cây thanh long phát triển tốt nhất. Hiện giờ, trong khu vườn rộng 3.000 m2 của gia đình ông có trên 350 trụ thanh long. Chúng tôi ấn tượng khi vườn thanh long của ông được trồng khá quy mô, trụ thành hàng lối đều tăm tắp, có vòi phun nước dưới mỗi trụ.
Ông Khích cho biết: Những quả thanh long ruột đỏ do gia đình trồng là sản phẩm sạch, không phun thuốc trừ sâu hay sử dụng bất cứ chế phẩm hóa học nào. Bên cạnh đó, nhờ kinh nghiệm lâu năm cùng với chăm sóc tỉ mỉ nên vườn thanh long rất sai quả. Quả nào, quả nấy đều to, trông bắt mắt, vì vậy, không khó khăn tìm đầu ra cho sản phẩm. Mỗi vụ thanh long, gia đình ông thu từ 5 - 6 tấn quả, giá bán từ 20.000 - 25.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí thu lời cả trăm triệu đồng. Thành công ấy không chỉ giúp ông mà còn giúp nhiều hộ dân khác của xã Hợp Thành tìm được hướng phát triển kinh tế mới, cải thiện đời sống và nâng cao thu nhập.
Cách nhà ông Khích chưa đầy 100 mét, chúng tôi đến thăm vườn thanh long của gia đình bà Bùi Minh Thức (xóm Giếng). Bà Thức trồng thử 70 trụ thanh long và cũng cho kết quả ngoài mong đợi. Mùa thanh long vừa rồi, gia đình bà thu về hơn 30 triệu đồng. Bà Thức cho biết: “Thanh long thuộc họ xương rồng, ưa nắng và chịu hạn tốt, ít bệnh, phù hợp với thổ nhưỡng địa phương nên tôi không gặp khó khăn khi trồng. Mùa thanh long vừa rồi mang lại cho gia đình tôi nguồn thu nhập đáng kể. Tôi dự định sẽ mở rộng khu vườn để tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình”.
Trước những hiệu quả cây thanh long ruột đỏ mang lại, đồng chí Nguyễn Văn Mậu, Chủ tịch UBND xã Hợp Thành nhận định: Cây thanh long cho hiệu quả kinh tế cao, là loại cây mới, ít cạnh tranh nên đầu ra khá ổn định, hứa hẹn là một trong những cây trồng chủ lực của xã. Tuy nhiên, tâm lý ngại thay đổi của người dân, ruộng đất manh mún dẫn đến việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng chậm, mô hình khó được nhân rộng. Xã mong muốn các cấp, ngành quan tâm hơn nữa, nhất là vấn đề cải cách ruộng đất và chuyển dịch cơ cấu cây trồng để quả thanh long trở thành những “trái ngọt” cho đời sống vật chất, tinh thần của người dân nơi đây.
Hoàng Anh
(HBĐT) - Huyện Kỳ Sơn nằm trong quy hoạch vùng động lực kinh tế của tỉnh đang có nhiều dự án được triển khai. Huyện đã tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) các dự án.
(HBĐT) - Thời gian qua, hoạt động tuyên truyền, tư vấn học nghề, đào tạo nghề cho lao động nông thôn tiếp tục được huyện Lạc Thuỷ quan tâm chỉ đạo thực hiện.
(HBĐT) - Thực hiện thành công dồn điền, đổi thửa tạo thuận lợi cho nông dân áp dụng KH-KT vào sản xuất, giảm chi phí và công lao động. ảnh: Nông dân xóm Ao Hay, xã Yên Trị (Yên Thuỷ) chăm sóc ngô vụ xuân trên những mảnh ruộng liền khoảnh.
(HBĐT) - Nhờ có doanh nghiệp lo đầu vào, bao tiêu đầu ra sản phẩm, đồng thời hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và kỹ thuật… nhiều hộ nông dân ở xã An Lạc (Lạc Thủy) đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích cấy lúa, trồng ngô kém hiệu quả sang trồng ớt xuất khẩu.
(HBĐT) - Theo đánh giá của ngành chức năng, trong 2 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu có xu hướng tăng nhẹ, tuy nhiên không có biến động lớn. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 2 ước đạt 1.835 tỷ đồng, tăng 0,27% so với tháng trước, lũy kế 2 tháng ước đạt 3.665 tỷ đồng, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước.
(HBĐT) - Đến thời điểm này, nông dân huyện Cao Phong đã thu hoạch khoảng 780ha cam, đạt 86,6% tổng diện tích cam các loại, giá bán ổn định từ 25.000 - 30.000 đồng/kg.