(HBĐT) - Những năm gần đây, cứ sau Tết Nguyên đán, lao động nông thôn lại rủ nhau rời quê hương đi tìm kiếm việc làm. Thực tế, đằng sau câu chuyện lao động ồ ạt xa xứ là những hệ lụy buồn đối với cả người ra đi và người ở lại. Vậy, đâu là giải pháp giữ chân người lao động tại địa phương?

 

Nhằm tạo việc làm cho lao động nông thôn, ngành LĐ-TB&XH tỉnh đã đổi mới hình thức các phiên giao dịch việc làm giúp người lao động trực tiếp được tư vấn từ các công ty tuyển dụng. ảnh: Tư vấn việc làm tại sàn giao dịch việc làm huyện Cao Phong năm 2016.

Ruộng hoang, nhà trống  

Tháng 3, thời tiết ấm áp, lúa chiêm đã phủ xanh cánh đồng, rau, màu cũng bén rễ, đâm chồi, nảy lộc. Tuy nhiên, đến Cuối Hạ, một trong những xã thuần nông của huyện Kim Bôi, từng thửa ruộng vẫn ngập cỏ hoang, đất đai khô cằn.  Đồng chí Bùi Văn Hiệu, Phó Chủ tịch UBND xã Cuối Hạ cho biết: Người dân  bỏ ruộng là vì không có nước tưới. Bên cạnh đó cũng có nhiều hộ tự bỏ ruộng vì mải lên thành phố tìm kiếm việc làm, chỉ có người già và trẻ nhỏ ở nhà nên không thể cáng đáng được việc đồng áng. Thực trạng này đã diễn ra từ nhiều năm nay. Riêng năm 2017, cả xã có hơn 24 ha đất ruộng bỏ hoang. 

Ông bà Bùi Văn Chậu, xóm Thượng, xã Cuối Hạ (Kim Bôi) hơn 60 tuổi, nuôi 4 cháu cả nội và ngoại để các con đi làm ăn xa.

Theo những cán bộ xã Cuối Hạ, chúng tôi đến xóm Thượng, xóm trung tâm của xã. Đang mùa vụ nhưng ruộng đất ở đây khô nẻ, lác đác vài thửa ruộng gần đường là nơi tập kết của những túi rác thải. Có cảm giác, ruộng bị bỏ hoang đã lâu. Trong xóm, nhiều ngôi nhà khang trang cửa khóa im ỉm. ông Bùi Văn ơn, Trưởng xóm Thượng tâm sự: Qua rằm tháng giêng, thanh niên, phụ nữ kéo nhau lên thành phố tìm kiếm việc hết rồi. Giờ chỉ còn lại người già trông trẻ con, làm gì có sức mà làm ruộng”. Nhiều ngôi làng ở Kim Bôi cũng chung tình cảnh như ở xóm Thượng. Chị Bùi Thị Ngà, cán bộ LĐ-TB&XH xã Bình Sơn cho biết: Trong số 640 hộ với hơn 1.700 lao động ở xã này thì đến gần một nửa hiện nay đang đi làm ăn xa ở các thành phố lớn hoặc lao động chui ở nước ngoài. 

Còn tại xã Dân Hòa, huyện Kỳ Sơn, thời điểm sau Tết, vào xóm chỉ toàn thấy người già và trẻ nhỏ vì thanh niên, phụ nữ giờ đều đã đi làm thuê hết. Bà Nguyễn Thị Vân ở xóm Đồng Giang nhẩm tính sơ sơ cũng khoảng hơn 20  người làng hiện đang đi làm tại Trung Quốc, Thái Lan, Ma Cao và các tỉnh miền Nam, Thái Nguyên hoặc tại các KCN. Có người đi đã hơn chục năm cũng có những thanh niên vừa mới lớn nhưng đã bỏ học đi làm. 

Không chỉ ở xã Dân Hòa mà trào lưu bỏ xứ đi làm ăn xa cũng đang xảy ra tại nhiều xã Mông Hóa, Độc Lập, huyện Kỳ Sơn hay như ở các xã Cuối Hạ, Bình Sơn, Đông Bắc (Kim Bôi) và các xã vùng cao huyện Lạc Sơn, Đà Bắc, là những xã ít ruộng đất và nghề phụ không phát triển, đời sống người dân không đảm bảo.

Giải pháp nào giữ chân người lao động tại địa phương ? 

Sau nhiều ngày bán sức nơi xứ người, cuộc sống nơi làng quê cũng có nhiều cải thiện, xe máy được đưa về làng, nhà cao tầng dựng lên nhưng không phải ai cũng có được sự đổi đời như thế, ngược lại còn kéo theo biết bao hệ lụy, đặc biệt là với những người ở lại. Đó là những người ông, người bà vừa phải làm bố làm mẹ cho những đứa cháu, vừa phải lao động để cáng đáng việc nhà, việc đồng áng. Đó là những đứa trẻ thiếu vắng bàn tay chăm sóc của cha mẹ, nhỏ là những sang chấn về tâm lý, lớn hơn là hư hỏng, bỏ học. Nguy hiểm hơn, mỗi cuộc ra đi như vậy tiềm ẩn biết bao rủi ro cho chính bản thân người lao động bởi họ ra đi không báo cáo chính quyền địa phương, không có một hợp đồng lao động bảo lãnh, thậm chí, nhiều lao động chui tại nước ngoài, không có cả giấy tờ tùy thân. Chia sẻ về vấn đề này, đồng chí Bùi Văn Hiệu, Phó Chủ tịch UBND xã Cuối Hạ thừa nhận: Chỉ trong 5 năm trở lại đây, xã Cuối Hạ ghi nhận 27 trường hợp thanh niên mắc nghiện. Trong đó, toàn bộ là thanh niên đi làm ăn xa trở về. Hơn 10 người bị tai nạn lao động. Cũng chỉ trong một thời gian ngắn, tỷ lệ ly hôn ở xã Cuối Hạ cũng cao hơn so với các năm trước, nguyên nhân là nhiều gia đình khi người vợ hoặc chồng khi đi làm ăn về thì không còn muốn sống cùng nhau nữa. 

Đó cũng là thực tế tại rất nhiều địa phương có lượng người đi làm ăn xa lớn. Gia đình ly tán, con cái hư hỏng, bị quỵt tiền, bị đánh đập, nguy hiểm hơn là có thể mất mạng nơi đất khách, quê người là nguy cơ mà những lao động tự do, lao động chui đang phải đối mặt khi lựa chọn con đường xa quê. Song  tất cả những điều đó không làm làn sóng lao động di cư dừng lại, đặc biệt là lực lượng lao động tự do, lao động chui. Thực tế, nhiều gia đình vẫn biết, khi quyết định rời làng đi làm ăn xa là phải đánh đổi nhiều thứ nhưng vì do không có việc làm, sản xuất nông nghiệp không đảm bảo cuộc sống nên họ vẫn buộc phải ra đi.

Năm 2016, toàn tỉnh giải quyết việc làm  được khoảng hơn 16.000 lao động. Trong đó, ngành công nghiệp, xây dựng 5.450 lao động; nông, lâm, ngư nghiệp 7.310 lao động; thương mại, dịch vụ 3.490 lao động; xuất khẩu 400 lao động. Tỷ lệ lao động trong ngành nông, lâm, ngư nghiệp giảm còn 66,8%, đạt chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên vẫn còn đó tình trạng lao động nông thôn ly nông là ly hương. Điều đó, một lần nữa đặt ra thách thức đối với vấn đề việc làm cho lao động nông thôn.  

Để đồng bộ các giải pháp tạo việc làm cho giao động nông thôn, trước mắt và trong thời gian tới, ngành LĐ-TB&XH xác định trên cơ sở dữ liệu lao động của tỉnh, định hướng người lao động tìm việc làm, học nghề phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động. Bên cạnh đó đôn đốc, kiểm tra các huyện, thành phố thực hiện chỉ tiêu tạo việc làm gắn với chuyển dịch cơ cấu theo Nghị quyết HĐND tỉnh. Quan tâm giải quyết việc làm tại chỗ gắn với định hướng phát triển KT-XH của địa phương. Tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp đến các cụm xã có đông lao động để tuyên truyền, tư vấn đối thoại trực tiếp với người lao động về việc làm, học nghề, xuất khẩu lao động, giúp người lao động tìm được việc làm phù hợp, đảm bảo thu nhập để ổn định cuộc sống.

 

                                                   Đinh Hòa

 

Biến sản xuất nông nghiệp thành sản xuất hàng hóa để lao động có thể sống bằng nghề nông

 

Tại huyện Kim Bôi, nhiều năm trở lại đây xuất hiện tình trạng nông dân rời quê vào các thành phố lớn hoặc ra nước ngoài làm thuê. Sản xuất của người dân nhỏ lẻ, manh mún, mỗi gia đình được vài mảnh ruộng nên chủ yếu sản xuất nông nghiệp theo kiểu tự cung, tự cấp. Cuộc sống vất vả buộc người dân phải rời quê hương đi làm ăn.

 

Với đặc thù là huyện thuần nông, CN - TTCN hạn chế, nghề phụ không phát triển để người dân an tâm ở lại nhà, làm giàu trên quê hương. Theo tôi vẫn phải dựa vào lợi thế nông nghiệp nhưng rất cần áp dụng các mô hình tiên tiến vào sản xuất, biến sản xuất nông nghiệp thành sản xuất hàng hóa. Cần phân công lại lao động, ai làm nông nghiệp thì làm, ai chuyển nghề khác là chuyển để quy mô sản xuất của từng hộ dân lớn lên từ vài ba ha, như vậy mới dễ áp dụng các mô hình có hiệu quả vào sản xuất. Nếu không có diện tích đất sản xuất lớn, các hộ nông dân cần phải hợp tác với nhau trong sản xuất để biến từ việc sản xuất tự cung, tự cấp thành sản xuất hàng hóa. Khi đó, sản xuất nông nghiệp sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, người lao động sẽ gắn bó hơn với đồng ruộng.

 

                                            

                                                                                 Nguyễn Văn Long

                                                                 Phó Chủ tịch Hội Nông dân Kim Bôi

 

Làm sao để người lao động hiểu làm việc trong các doanh nghiệp an toàn hơn lao động tự do hoặc đi lao động chui

 

Tại huyện Kỳ Sơn, do diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, sản xuất nông nghiệp khó khăn nên việc người lao động phải kiếm việc làm thêm là vấn đề thiết yếu, không thể tránh khỏi.

Hàng năm, lực lượng thanh niên bước vào độ tuổi lao động rất lớn, chúng ta không thể bắt họ ở lại địa phương làm nông nếu như không có việc làm. Để giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn, huyện phối hợp với các doanh nghiệp mở các buổi tư vấn việc làm tại địa phương. Tuy nhiên, thực tế  mặc dù các doanh nghiệp tuyển dụng đã về tận địa phương nhưng lại không tuyển được lao động trong khi vẫn có một bộ phận lao động lại chạy ra tận nước ngoài để kiếm việc làm và chịu rất nhiều rủi ro như bị lừa tiền, bị bán, đánh đập...

Vì vậy, theo tôi nghĩ, vấn đề đặt ra ở đây là làm sao để người lao động gặp được doanh nghiệp, tìm được việc làm phù hợp. Quan trọng hơn để người lao động thấy rằng, làm việc cho các doanh nghiệp, KCN đảm bảo và an toàn hơn việc lao động tự do, lao động chui. Muốn vậy đòi hỏi không chỉ là nỗ lực của ngành LĐ – TB&XH mà còn phải có công tác tuyên truyền, vận động, định hướng của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các tổ chức CT – XH như Hội phụ nữ, tổ chức Đoàn và công tác thông tin, tuyên truyền để người lao động hiểu việc kiếm được đồng tiền nhưng phải gắn liền với đảm bảo cuộc sống và chăm lo cho gia đình.   

                                                   Nguyễn Thị Bằng

                      Phó Trưởng phòng LĐ – TBXH huyện Kỳ Sơn

Mong có nhiều chính sách thúc đẩy kinh tế nông thôn để người lao động không phải đi xa tìm kiếm việc làm

 

Cũng không ai muốn rời làng kiếm sống, đi là nhớ nhà, thương con, không đâu bằng sống trên quê hương, bản quán mà mỗi lần đi làm ra thành phố gặp biết bao rủi ro, nhiều lao động còn bị quỵt tiền.

Nơi đất khách, quê người, làm sao mà đòi được.  Nhưng tôi thấy, ở nhà không làm gì kiếm ra tiền. Hết việc đồng áng lại lên rừng, không thì nuôi con lợn, con gà nhưng ở vùng sâu, vùng xa, cả tuần một phiên chợ, bán cũng bị ép giá, đồng tiền kiếm chỉ đủ qua ngày, còn con cái học hành, những lúc ốm đau không biết làm sao. Đi làm thuê vất vả, một ngày may mắn cũng kiếm được vài chục nghìn, hơn mấy lần làm ruộng. 

Nếu ở quê có việc làm ổn định, người nông dân nhất định sẽ ở nhà chứ chả dại gì mà đi đâu xa. Vì vậy, tôi mong chính quyền địa phương, các cấp, các ngành có những giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy kinh tế nông thôn vùng sâu, vùng xa phát triển, để người nông dân, thanh niên lao động nông thôn không còn đi làm ăn xa nữa.

 

                                                                 Bùi Thị Diễn

                                                (Xã Ngọc Sơn, huyện Lạc Sơn)

 

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Thành phố Hòa Bình tăng cường các biện pháp phòng chống dịch H7N9

(HBĐT) - Với vị trí là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, thành phố Hòa Bình địa bàn tiếp giáp với các tỉnh Phú Thọ và các huyện Kỳ Sơn, Kim Bôi, Cao Phong, Đà Bắc. Trên địa bàn 12 chợ lớn nhỏ cùng mạng lưới giao thông đường bộ và đường thủy khá thuận lợi.

Huyện Lương Sơn đánh giá quá trình mở rộng vùng sản xuất rau hữu cơ

(HBĐT) - Ngày 9/3, phòng NN&PTNT huyện Lương Sơn phối hợp với dự án ADDA và hội Nông dân huyện tổ chức hội nghị đánh giá quá trình mở rộng vùng sản xuất rau hữu cơ năm 2016 và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp, tổ chức sản xuất trong năm 2017.

Để Nghị quyết số 35 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp thực sự đi vào cuộc sống

(HBĐT) - Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 được cộng đồng doanh nghiệp đặt nhiều kỳ vọng mang lại sinh khí mới cho sự phát triển của doanh nghiệp, bước đầu tạo ra sự chuyển động tích cực từ chính quyền tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển lành mạnh. Để Nghị quyết thực sự phát huy hiệu quả cao trong thực tiễn, hầu hết các doanh nghiệp cho rằng, cần có cơ chế giám sát trách nhiệm đối với các sở, ngành chức năng, nhất là cán bộ, công chức giải quyết các thủ tục liên quan đến hoạt động doanh nghiệp của người dân, xây dựng chính quyền từ quản lý sang phục vụ doanh nghiệp và người dân, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, phát triển.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp đoàn doanh nghiệp cấp cao Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN

Chiều 9-3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp đoàn doanh nghiệp (DN) cấp cao Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (US-ABC) do ông M.Mi-ha-lắc, Phó Chủ tịch cấp cao US-ABC dẫn đầu đến Việt Nam tìm cơ hội tăng cường hợp tác, đầu tư kinh doanh (ĐTKD).

Mô hình trồng thanh long ở xã Hợp Thành

(HBĐT) - Theo lời giới thiệu của các đồng chí lãnh đạo UBND xã Hợp Thành (Kỳ Sơn), chúng tôi đến thăm vườn thanh long của gia đình ông Vũ Tuấn Khích (xóm Giếng). Trên địa bàn xã Hợp Thành có nhiều hộ gia đình trồng thanh long ruột đỏ, tuy nhiên, ông Khích là một trong những người đầu tiên thành công với mô hình này.

Huyện Kỳ Sơn: Thu ngân sách Nhà nước đạt trên 8 tỷ đồng

(HBĐT) - 2 tháng đầu năm, huyện Kỳ Sơn tập trung làm tốt công tác quản lý về tài chính, đầu tư trên địa bàn; công tác thẩm định, phân bổ vốn đầu tư được thực hiện theo quy định.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục