(HBĐT) - Trong những năm qua, huyện Lương Sơn đã có nhiều nỗ lực để đổi mới và phát triển kinh tế tập thể (KTTT). Tuy nhiên, để tăng cường hiệu quả của KTTT, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho các hộ nông dân, góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xoá đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, Lương Sơn cần thêm "cú huých” mạnh mẽ hơn.
Những năm qua, KTTT của huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các HTX, tổ hợp tác phát triển ổn định và nhân rộng mô hình làm ăn kiểu mới hiệu quả để người dân chung tay phát triển kinh tế. Trong các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm về phát triển KTTT, huyện đã kiện toàn BCĐ KTTT huyện và chỉ đạo các xã, thị trấn thành lập BCĐ cấp xã, chỉ đạo, vận động, tuyên truyền và phát triển KTTT tại địa phương. Nhờ có BCĐ hoạt động hiệu quả, đến nay, KTTT của huyện có bước chuyển biến tốt. Tính từ đầu năm đến nay, huyện phát triển mới 5 HTX, nâng tổng số toàn huyện lên 16 HTX hoạt động theo Luật HTX năm 2012, gồm 12 HTX nông, lâm nghiệp, thuỷ sản; 3 HTX dịch vụ điện năng và 1 HTX thương mại dịch vụ. Ngoài ra, huyện cũng duy trì hoạt động 35 tổ hợp tác trong các ngành nghề như trồng rau hữu cơ, nuôi hươu, trồng cây dược liệu, chăn nuôi lợn, thu gom rác... Các HTX và tổ hợp tác đều có bước chuyển nhằm hoạt động hiệu quả hơn và giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.
HTX
nông nghiệp hữu cơ xã Hợp Hoà (Lương Sơn) tạo việc làm cho nhiều lao động nông
nhàn với các sản phẩm nông nghiệp sạch được người tiêu dùng đón nhận.
Đánh giá kết quả hoạt động đổi mới và phát triển KTTT địa phương trong thời gian qua, đồng chí Nguyễn Văn Danh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn cho biết: Xác định phát triển KTTT là rất quan trọng, trong những năm qua, huyện đã đẩy mạnh công tác chỉ đạo, tuyên truyền, vận động người dân tham gia. Tuy nhiên, người dân vẫn ít quan tâm đến lĩnh vực này nên KTTT huyện phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, kỳ vọng của lãnh đạo huyện. Khu vực HTX phát triển chậm, chất lượng chưa cao, chưa đạt được chuyển biến mang tính đột phá. Đa số HTX hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp, dịch vụ điện có quy mô nhỏ, mức độ tăng trưởng và hiệu quả kinh doanh chưa cao nên tích luỹ nội bộ để tái đầu tư phát triển còn hạn chế. Số lượng HTX có lãi tăng nhưng mức lãi còn ít. Lợi ích HTX mang lại cho thành viên chưa nhiều. Trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý, nghiệp vụ, chuyên môn còn nhiều bất cập, thiếu ổn định. Hoạt động của các HTX chưa có sự liên kết hệ thống cả về kinh tế, xã hội và tổ chức. Các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX chưa nhiều...
Để thúc đẩy HTX phát triển, theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện, mấu chốt vấn đề là phải tháo được một các "nút thắt” đang cản trở HTX như: nhân lực, vốn, chính sách, liên kết hỗ trợ nông dân về giống, vật tư đến đầu ra nông sản; làm tốt công tác xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý về các nông sản, đặc sản mang tính thế mạnh…
Theo lãnh đạo UBND huyện, trong thời gian tới, để tiếp tục đổi mới và phát triển KTTT, huyện Lương Sơn sẽ củng cố và tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX hoạt động hiệu quả, hạn chế thấp nhất HTX làm ăn kém hiệu quả phải giải thể. Ngoài ra, huyện cũng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, củng cố và phát triển HTX và tổ hợp tác. Hiện đang có 3 HTX đăng ký thành lập mới. Một nhiệm vụ quan trọng nữa là huyện tiếp tục chỉ đạo kiện toàn BCĐ KTTT ở các xã, thị trấn đủ mạnh để có khả năng tuyên truyền, vận động phát triển KTTT địa phương. Huyện phấn đấu giai đoạn 2016 - 2020, 100% xã đạt chuẩn NTM có HTX hoặc tổ hợp tác hoạt động hiệu quả; xây dựng 1 mô hình HTX điển hình tiên tiến. Ngoài ra, huyện cập nhật các chế độ, chính sách mới về KTTT, tăng cường tuyên truyền để nhân dân nắm các thông tin mới về KTTT. Tuy vậy, muốn KTTT của huyện phát triển mạnh mẽ hơn, không chỉ trông cậy vào sự nỗ lực vận động của địa phương mà rất cần những "cú huých” mạnh mẽ từ cơ chế, chính sách của các cấp, các ngành trong tỉnh. BCĐ KTTT huyện cần nhận được sự hỗ trợ, định hướng, giới thiệu thị trường tiêu thụ hàng hóa nhằm tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm của các HTX, tổ hợp tác. Bên cạnh đó, cần tăng cường các chính sách hỗ trợ, đối với KTTT của huyện hoặc đơn giản hóa thủ tục trong việc báo cáo, thành lập, tiếp cận vốn sản xuất, kinh doanh của các HTX, tổ hợp tác…
Đinh Thắng
(HBĐT) - Ngày 25/5, Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh đã làm việc với UBND thành phố Hòa Bình về công tác tăng cường bảo vệ quyền lợi NTD.
(HBĐT) - Từ năm 2015-2016, ChildFund Việt Nam đã phối hợp với UBND huyện Kim Bôi triển khai dự án dân sinh giai đoạn I "Xây dựng nguồn lực để cải thiện sinh kế tại huyện Kim Bôi”. Dự án góp phần khắc phục những khó khăn, tồn tại trong phát triển sinh kế, đồng thời giúp người dân tăng thu nhập và nâng cao hiệu quả kinh tế hộ gia đình thông qua các hoạt động nông nghiệp và phi nông nghiệp.
HBĐT) - Với hộ nghèo vùng sâu, vùng xa, không dễ có được cơ hội để kinh tế đi lên. 400 con bê cái sinh sản mà Quỹ Thiện tâm - Tập đoàn Vingroup vừa phối hợp với Hội Nông dân tỉnh trao tặng cho hộ nghèo 2 huyện Kim Bôi, Lạc Sơn mới đây đã nhen nhóm lên hy vọng thay đổi cuộc sống của bà con.
(HBĐT) - Thực hiện Công văn số 597/TTg-NN ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp ổn định phát triển chăn nuôi, Công văn số 3091/NHNN-TD ngày 28/4/2017 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc tháo gỡ khó khăn của ngành chăn nuôi lợn.
(HBĐT) - Cùng các đồng chí trong Hội CCB xã Piềng Vế (Mai Châu), chúng tôi đến thăm gia đình thương binh Hà Văn Phương, trú tại xóm Vế. Là thương binh hạng 4/4 nhưng vượt lên những khó khăn về sức khỏe, hoàn cảnh gia đình, ông Phương đã nhạy bén phát triển mô hình buôn bán tổng hợp, là một trong những hộ có kinh tế tiêu biểu của xã Piềng Vế.
(HBĐT) - Những năm gần đây, hoạt động hỗ trợ viên phụ nữ phát triển kinh tế được các cấp Hội LHPN huyện Kỳ Sơn triển khai tích cực. Bằng những hoạt động tích cực của Hội, nhiều phụ nữ đã vươn lên làm giàu và thoát nghèo bền vững.