(HBĐT) - Có lẽ ai đã từng lên xã Tự Do (Lạc Sơn) đều chung cảm nhận về vùng đất, cuộc sống của đồng bào nơi đây còn lắm vất vả, nhọc nhằn. Thế nhưng, từ trong khó khăn, gian khổ, bà con đã và đang tìm thấy con đường sáng để đi. Con đường sáng đó có Dự án Giảm nghèo đồng hành, tiếp sức.
Giao thông vốn là trở ngại vô cùng lớn đối với
sản xuất hàng hóa ở xã vùng nghèo này. Theo lời kể của người dân các xóm thì từ
những năm 2015 trở về trước, đường ở đây chẳng ra đường, tất cả đều sình lầy,
lồi lõm, đá chồng đá mấp mô. Việc đi lại vốn đã gian truân, vấn đề giao thương,
tiêu thụ hàng hóa càng khó khăn gấp bội. Nhưng giờ đây, đường về các xóm: Mu,
Sát Thượng, Tren… được bê tông hóa rộng rãi, ngày nắng, ngày mưa đều êm thuận.
Sản xuất nông nghiệp cũng khởi sắc đáng kể khi có Dự án Giảm nghèo hỗ trợ xây
dựng các công trình thủy lợi, tập trung vào hệ thống mương bai. Một số công
trình nước sinh hoạt sử dụng hệ thống cung ứng nước tự chảy cũng được thực
hiện, dẫn nguồn từ rừng tự nhiên về các khu dân cư.
Với sự hỗ trợ của Dự án Giảm nghèo, phụ nữ xóm
Sát Thượng, xã Tự Do (Lạc Sơn) đã lưu giữ được nghề dệt thổ cẩm truyền thống,
mở mang du lịch để cải thiện thu nhập gia đình.
Theo bà Bùi Thị Nghệ, Trưởng ban Phát triển xã, Dự án
Giảm nghèo giai đoạn 2 được triển khai trên địa bàn xã từ năm 2011. Các hoạt
động của dự án đã bao phủ 10/10 xóm. Đồng thời, mọi người dân được tham gia
hưởng lợi nhờ việc cải thiện cơ sở hạ tầng thông qua đầu tư xây dựng các công
trình giao thông, thủy lợi nhỏ thuộc các tiểu hợp phần 1.1 và 2.1, hỗ trợ phát
triển sinh kế thông qua thành lập các nhóm cùng sở thích về chăn nuôi, trồng
trọt thuộc các tiểu hợp phần 2.2, 2.3, các hoạt động vận hành, bảo trì thuộc
nguồn vốn của dự án ở tiểu hợp phần 2.4.
Hộ ông Bùi Văn Nhuần ở xóm Chen là một trong 17 hộ
nghèo tham gia hoạt động nuôi ong lấy mật thuộc tiểu dự án 2.1 từ năm 2016. Từ
chỗ được dự án hỗ trợ 4 triệu đồng mua ong giống, ông Nhuần có 4 thùng ong. Với
phương thức nuôi thả rừng, chất lượng mật đặc biệt thơm ngon, gia đình ông đang
khai thác vụ mật đầu tiên, giá bán tại chỗ 200.000 đồng/lít. Hiện tại, ông đã
khai thác được 30 lít, tương đương 6 triệu đồng. Một ví dụ khác về thực hiện
tiểu dự án sinh kế thành công là nhóm dệt thổ cẩm xóm Sát Thượng được hỗ trợ 42
triệu đồng mua khung dệt và hướng dẫn kỹ thuật kể từ năm 2012. Đến nay, nhóm đã
có thị trường tiêu thụ, thu nhập từ nghề dệt của thành viên chiếm khoảng 50%
tổng thu nhập gia đình. Bình quân mỗi tháng doanh thu bán ra của cả nhóm đạt từ
9 - 10 triệu đồng.
Qua thống kê, toàn xã có 40 nhóm sinh kế với 558/559
hộ tham gia hưởng lợi. 100% hộ nghèo
được tham gia hưởng lợi với ít nhất 1 tiểu dự án sinh kế. Các loại hình sinh kế
thực hiện đa dạng như: nuôi ong lấy mật, nuôi lợn thịt, lợn bản địa, bò sinh
sản, sản xuất vải thổ cẩm… Việc sử dụng thu nhập từ hoạt động của các nhóm tập
trung vào tái đầu tư và trang trải cuộc sống gia đình. Bên cạnh đó, điều kiện
sinh hoạt, sản xuất của người dân trong xã cải thiện đáng kể nhờ dự án này. Đến
nay, xã đã triển khai thực hiện 33 công trình/tiểu dự án lớn, nhỏ, bao gồm 19
công trình giao thông, 12 công trình thủy lợi, 2 công trình nước sinh
hoạt.
Sản xuất nông nghiệp của xã nghèo Tự Do đang thuận lợi
hơn nhiều nhờ công trình giao thông ra các khu sản xuất được bê tông hóa. Thay
vì dùng sức người gánh, vác, người dân vận chuyển giống, vật tư, sản phẩm bằng
xe máy, xe công nông. Việc thu mua nông sản của tư thương tiến hành tại ruộng,
góp phần giảm đáng kể công lao động, nâng cao giá trị sản phẩm. Với các công
trình mương, bai lớn, nhỏ đã ổn định, cung cấp nước tưới cho trên 150ha lúa và
hoa màu, chuyển 62ha lúa 1 vụ thành 2 vụ, sản lượng lúa, ngô và cây màu khác
tăng lên 30%. Việc hỗ trợ vật liệu đầu vào đối với các hoạt động sinh kế đã tạo
ra thu nhập bình quân từ 1 - 2 triệu đồng/ hộ/chu kỳ sản xuất.
Đồng chí Bùi Ngọc Thiện, Chủ tịch UBND xã cho biết:
Cùng với các chương trình MTQG xây dựng NTM, Chương trình 135, Dự án Giảm nghèo
đã góp phần thúc đẩy công cuộc giảm nghèo ở địa phương với 118 hoạt động lớn,
nhỏ, tổng mức đầu tư trên 16 tỷ đồng. Năm 2010, thu nhập bình quân đầu người
của xã mới đạt 5,8 triệu đồng, đến năm 2016 đạt 13,7 triệu đồng, tăng 136%.
Bùi Minh