(HBĐT) - Tận dụng tiềm năng, lợi thế về khí hậu và thổ nhưỡng, nhiều hộ dân ở thôn Đồng Bong, xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) đã cải tạo vườn tạp để trồng na. Hiện tại, diện tích trồng na của thôn mở rộng lên 20 ha với trên 30 hộ trồng. Từ hiệu quả kinh tế đem lại đã giúp nhiều hộ có thu nhập khá.
Đến thăm mô hình trồng na của gia đình bà Nguyễn
Thị Hương, một trong những hộ tiên phong
trồng na ở thôn Đồng Bong, chúng tôi bất ngờ nhìn đồi na đang trong thời điểm
ra quả, sai trĩu trịt, hứa hẹn một mùa bội thu. Đưa chúng tôi dạo quanh vườn,
bà Hương cho biết: "Trước năm 1994, gia đình tôi trồng keo, tuy nhiên, do khó
khăn bởi đầu ra và giá cả bấp bênh nên không đem lại hiệu quả kinh tế cao. Do
đó, gia đình quyết định chuyển đổi toàn bộ diện tích trồng keo sang trồng na
với hy vọng có được thu nhập ổn định hơn. Thời điểm bắt tay vào phát triển mô
hình, tôi tham khảo sách, báo, học hỏi kinh nghiệm của những người đã từng
trồng na để trau dồi kỹ năng. Qua đó, vườn na của gia đình đã được trồng đúng
kỹ thuật về hàng, lối để tiện chăm sóc và bón phân. Đến năm 2012, vườn na mở
rộng lên hơn 1 ha với 1.000 gốc, hiện đang trong thời kỳ thu hoạch. Tính trung
bình mỗi năm gia đình tôi xuất bán trên 10 tấn quả. Năm 2016, giá thu mua trung
bình 25.000 đồng/kg, có những lúc cao điểm lên đến 40.000 đồng/kg. Lợi nhuận từ
2 vụ na đã giúp gia đình tôi thu về trên 200 triệu đồng. Thương lái thu mua sản
phẩm chủ yếu đến từ Hà Nội, Hà Nam,
Ninh Bình và các vùng lân cận.
Nhận thấy mô hình trồng na đem lại hiệu quả kinh tế
cao, nhiều hộ dân xã Đồng Tâm đã học hỏi, cải tạo diện tích vườn tạp, chuyển
đổi đất trồng rừng kém hiệu quả sang trồng na. Hiện nay, diện tích trồng na
toàn xã được mở rộng lên 35 ha với khoảng 50 hộ trồng. Qua học hỏi kinh nghiệm
của những người đi trước và áp dụng tiến bộ KH-KT vào quá trình phát triển mô
hình, nhiều gia đình trên địa bàn xã đã có thu nhập ổn định từ 150- 200 triệu
đồng/năm.
Tuy nhiên để phát triển và nhân rộng mô hình trồng na
cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Người dân chủ yếu trồng theo hướng
tự phát, quy mô nhỏ lẻ. Ngoài ra, trên thị trường hiện trái cây đa dạng, phong
phú, vì vậy, để cạnh tranh với các loại hoa quả khác, na cần khẳng định được
chất lượng sản phẩm và giữ giá thành ổn định. Bên cạnh đó, một trong những khó
khăn chính là thị trường tiêu thụ. Các gia đình tự vận chuyển sản phẩm ra các
chợ đầu mối để tiêu thụ, tình trạng bị
thương lái ép giá vẫn thường xuyên xảy ra.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Đức Hân, Phó
Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm cho biết: "Mô hình trồng na tại thôn Đồng Bong đã đem
lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ dân đã có thu nhập khá, góp phần tăng trưởng kinh tế của xã. Trong
thời gian tới, chính quyền khuyến khích các thôn trên địa bàn xã phát triển mô
hình nhằm cải thiện thu nhập. Ngoài ra cũng mong muốn các ban, ngành, đoàn thể
quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ nhân dân
những giống cây tốt, tổ chức các buổi tập huấn, chuyển giao KH-KT để nâng cao
năng suất và chất lượng sản phẩm.
Đức Anh