(HBĐT) - Chúng tôi đến thăm mô hình kinh tế gia đình của bà Lê Thị Tâm, xóm Trường Sơn, xã Trường Sơn (Lương Sơn) vào một buổi trưa nắng. Từ dưới đường nhìn lên là cả một đồi cam, bưởi xanh bát ngát. Nhìn thì gần nhưng phải đi gần 30 phút chúng tôi mới lên được đồi nhà bà Tâm. Khu đồi bưởi xen cam của gia đình bà Tâm trước đây là đồi chè cằn cỗi. Nhanh nhẹn, tháo vát, miệng nói, tay làm, bà Tâm gây ấn tượng với người đối diện ngay từ lần gặp đầu tiên. Nhìn cách bà leo đồi thoăn thoắt và cuốc vườn không ai nghĩ bà đã gần 60 tuổi.
Với tay hái quả bưởi đỏ bổ và tách múi mời chúng tôi, bà Tâm
chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp của mình. Bà Tâm sinh năm 1959, quê ở Hưng Yên,
chồng quê ở Thái Bình. Hai vợ chồng trước đây là công nhân nông trường ở Tu Lý
(Đà Bắc), đến năm 1981 chuyển về Lương Sơn tham gia trồng chè cho đội Trường
Sơn thuộc Lâm trường Lương Sơn. Năm 1993, cả 2 ông bà nghỉ mất sức, chủ yếu làm
chè của nhà với diện tích 5.000 m2. Thời điểm đó cây chè giống cũ đã cỗi, năng
suất thấp nên chỉ đủ ăn. Cây chè 1 năm cho thu 8 tháng, bình quân 1 tháng thu 2
lứa được khoảng 40 kg chè khô, 1 năm thu trên 3 tạ chè với giá bán bình quân
60.000 đồng/kg cho thu nhập chưa đến 20 triệu đồng.
Năm 2014, Trạm KN-KL huyện tổ chức cho các hộ trong xóm đi
thăm quan mô hình trồng bưởi ở huyện Tân Lạc. Nhận thấy mô hình mới có hiệu quả
kinh tế cao, thổ nhưỡng ở đây giống với đất tại vườn nhà nên bà đã quyết tâm
học hỏi kỹ thuật canh tác.
Sau chuyến thăm quan đầy ý nghĩa đó, cả xóm Trường Sơn, Lâm
Trường đều chuyển đổi sang trồng bưởi. Bà Tâm về bàn với chồng phá bỏ vườn chè
chuyển sang trồng bưởi và cam. Theo chủ trương chuyển đổi sang trồng cây có múi
của huyện, cán bộ KN-KL huyện đã về xóm tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ một phần
giống, phân bón cho các hộ ở xóm.
Thời gian đầu, gia đình bà vẫn trồng xen bưởi với chè. Do tự
mày mò, không có kỹ thuật nên cây bị sâu bệnh phải cắt bỏ cành. Nhớ lại những
ngày đầu kiến thiết vườn cam và bưởi, bà Tâm tâm sự: "Làm nông nghiệp vất vả
lắm nhưng quen lao động rồi, mình còn sức khoẻ thì làm. Vừa có thêm thu nhập,
vừa là tài sản sau này để lại cho con cháu. Có được thành quả như ngày hôm nay
hoàn toàn do công sức của 2 vợ chồng bỏ ra. Lúc ấy không có tiền thuê nhân công
vì chè trên đồi cao lại lâu năm nên người ta đòi công khoán 600.000 đồng/m2”. Vợ chồng bà trồng cam đến
đâu đốn chè và cuốc hố đến đó. Từng cây chè đốn đi lại phải kéo xuống đường.
Vất vả nhất là đào đường ống dẫn nước từ dưới ao lên đồi khoảng 100 m. Trên diện tích đó gia đình bà
trồng 120 cây bưởi, chủ yếu là bưởi đỏ, bưởi da xanh, bưởi Diễn và 160 cây cam
chủ yếu là cam lòng vàng. Chi phí đầu tư cho vườn cam và bưởi hết khoảng hơn 100
triệu đồng. Gia đình bà được vay 30 triệu đồng từ chương trình SX-KD của NHCSXH
huyện. Bên cạnh chăm lo cho vườn cây, vợ chồng bà không ngừng mày mò tích lũy
kinh nghiệm và chia sẻ với các hộ trong vùng bằng việc tham gia các lớp hướng
dẫn kỹ thuật chăm sóc. Để phòng trừ sâu bệnh, bà thường xuyên kiểm tra vườn
cây, phát hiện sâu bệnh kịp thời, sử dụng các biện pháp canh tác như xén, tỉa
cành lá sâu bệnh... và đặc biệt không phun hoá chất trước khi thu hoạch.
Năm nay, vườn bưởi và cam bắt đầu cho thu bói, riêng bưởi
tính sơ sơ khoảng 800 quả. Hiện nay đã có thương lái đến tận vườn hỏi thu mua.
Từ sang năm, vườn cam và bưởi cho thu hoạch ổn định sẽ có thể đem lại thu nhập
trên trăm triệu đồng. Niềm tin vào mùa quả ngọt đối với gia đình bà không còn
xa.
Hải Linh
(HBĐT) - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Địch Giáo (Tân Lạc) đã về đích năm 2015. Từ đó, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, rõ nét nhất ở xóm Sung 2 - xóm được chọn làm điểm của xã từ khi bắt đầu thực hiện chương trình.
Tại Phiên khai mạc Cuộc họp lần thứ 57 Đại hội đồng Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) ngày 2-10 tại Geneva (Thụy Sĩ), Đại sứ Dương Chí Dũng, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các Tổ chức quốc tế khác tại Geneva đã được bầu làm Chủ tịch Đại hội đồng WIPO năm nhiệm kỳ 2018-2019.
(HBĐT) - UBND tỉnh đã ban hành quyết định 1804/QĐ-UBND ngày 20/9/2017 về việc hỗ trợ khác khi thu hồi đất thực hiện dự án KCN Mông Hóa, huyện Kỳ Sơn.
Sáng 30-9, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi Toạ đàm đối thoại chính sách với một số tập đoàn kinh tế tư nhân (TĐKTTN). Cùng dự có lãnh đạo một số bộ, ngành T.Ư, Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo 14 TĐKTTN.
(HBĐT) - Ngày 29/9, tại Trung tâm hội nghị Hoà Bình, Sở NN&PTNT phối hợp với Trung tâm giống cây trồng Trung ương, Tổng Công ty giống cây trồng Thái Bình đã tổ chức Hội nghị "Định hướng sử dụng giống và giải pháp quản lý sâu bệnh mới nổi trên cây lúa, cây ăn quả có múi trên địa bàn tỉnh”.
(HBĐT) - "Hồ Hòa Bình là một trong những hồ nhân tạo lớn nhất, với diện tích ở tỉnh ta khoảng 8.900 ha, trải dài trên địa bàn 19 xã thuộc 5 huyện, thành phố, có điều kiện và môi trường thuận lợi để nuôi các loại cá nước ngọt. Với tiềm năng, lợi thế, mấy năm nay đã có nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô, liên doanh sản xuất nuôi cá lồng bè trên vùng hồ Hòa Bình” - đồng chí Hoàng Văn Son, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết.