Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu thăm quan mô hình trình diễn một số giống lúa mới tại xóm Khang Đình, xã Yên Mông, TPHB.
Hội nghị đã đánh giá thực trạng sử dụng giống lúa và cây ăn quả có múi trên địa bàn tỉnh hiện nay. Qua đó cho thấy: Trong giai đoạn 2015 - 2017, cơ cấu giống lúa trên địa bàn tỉnh đã có sự thay đổi đáng kể, chuyển dịch theo hướng tăng tỷ lệ các giống lúa thuần, giống lúa chất lượng cao. Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng giống lúa lai và lúa thuần có sự khác biệt lớn giữa các huyện. Một số huyện, tỷ lệ gieo cấy lúa thuần chiếm tới 94%, Cao Phong chiếm tới 90%, thành phố Hoà Bình chiếm tới 81%, Kỳ Sơn chiếm tới 84%, Yên Thuỷ chiếm tới 82%. Bên cạnh đó, cũng có địa phương diện tích gieo cấy lúa lai chiếm tỷ lệ cao như huyện Lạc Thuỷ. Có thể thấy bộ giống lúa đa dạng, phù hợp với tính đa dạng về địa hình, khí hậu và tính chất đất của tỉnh. Cơ cấu giống theo hướng xuân muộn - mùa sớm hoặc mùa trung, bám sát theo sự chỉ đạo chung của Bộ NN&PTNT với các tỉnh đồng bằng trung du phía Bắc. Xu hướng sử dụng những giống năng suất cao, chất lượng khá, ngắn ngày đang ngày càng mở rộng, tạo thuận lợi cho việc đầu tư thâm canh, tăng năng suất và tăng hệ số sử dụng đất. Trong lĩnh vực trồng cây ăn quả, tỉnh cũng đã đầu tư, xây dựng được bộ giống phong phú, đáp ứng khá tốt yêu cầu rải vụ và hạn chế mất giá do dư thừa sản lượng. Hầu hết các giống cây có múi đều đã được khảo nghiệm, đánh giá diện hẹp trước khi mở rộng nên có tính thích nghi khá tốt với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương.
Sau khi dành nhiều thời gian phân tích những hạn chế cần khắc phục, các đại biểu tham dự hội nghị đã thống nhất định hướng bố trí cơ cấu giống lúa và giống cây ăn quả có múi trong thời gian tới như sau:
Về giống lúa, cần phải quyết liệt hơn trong việc bố trí cơ cấu giống xuân muộn - mùa sớm hay xuân muộn - mùa trung. Ở mỗi vùng lúa trọng điểm chỉ nên bố trí từ 2 - 3 giống lúa chủ lực, có thời gian sinh trưởng tương đương nhau để thuận lợi cho công tác chỉ đạo sản xuất. Ở một khu vực nhất định không nên sử dụng chỉ một giống lúa trong nhiều vụ để tránh hình thành các ổ dịch của một hay nhiều loài sâu bệnh. Ở những nơi có ưu thế khí hậu nên tập trung phát triển các giống lúa chất lượng cao, lúa nếp để sản xuất hàng hoá đặc sản. Chú trọng phát triển canh tác lúa hữu cơ.
Về định hướng giống cây ăn quả, cần bố trí giống mới, trồng tái canh các loại giống cũ có chất lượng cao để tránh hiện tượng thiếu hụt sản lượng vào chính vụ. Đồng thời cần nghiên cứu, có định hướng đưa các loại giống cây ăn quả chín sớm vào sản xuất. Trong đó, tập trung chú ý tới việc khai thác yếu tố chín sớm để rải vụ; căn cứ thị hiếu của người tiêu dùng để xác định vùng trồng chiến lược đối với mỗi loại cây ăn quả phù hợp./.