Nhân dân khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong) thu hoạch cam niên vụ 2017-2018.
Chị Nguyễn Thị Loan ở khu 2, thị trấn Cao Phong (Cao Phong) cam kết trồng và bán cam Cao Phong đảm bảo chất lượng.
Theo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Phong, mặc dù đợt mưa lũ từ ngày 9 - 12/10 làm ngập một số diện tích cam, quýt ở ven suối, vùng trũng nhưng niên vụ 2017 – 2018 sản lượng tăng, giá ổn định. Toàn huyện hiện có 2.835,6 ha cây ăn quả có múi, trong đó cây cam 1.652,84 ha, cây quýt 814,86 ha. Diện tích cây trong thời kỳ kinh doanh 1.234,6 ha, năng suất bình quân đạt 25 – 30 tấn/ha, dự kiến sản lượng ước đạt trên 33.000 tấn. So với niên vụ 2016 – 2017, tăng cả diện tích cam, quýt thời kỳ kinh doanh và sản lượng, giá cả giữ ổn định. Tính đến đầu tháng 11/2017, nhân dân trong huyện đã thu hoạch khoảng 105 ha các loại quýt Ôn Châu, cam Marrs, cam CS1, quýt Cao Phong… với giá bình quân từ 20.000 – 22.000 đồng/kg tại vườn.
Để đảm bảo giữ vững thương hiệu, uy tín, chất lượng cam Cao Phong, huyện đã phối hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp. Đồng chí Bùi Văn Đồng, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Năm 2017, phòng đã tổ chức tập huấn về đảm bảo an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp cho lãnh đạo các xã, thị trấn. Phối hợp tổ chức 20 cuộc hội thảo về hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón an toàn, hiệu quả cho các nhà vườn. Cùng với tiếp tục duy trì quy trình sản xuất các loại cam, quýt, phòng đã tham mưu UBND huyện ban hành thêm quy trình sản xuất cam V2. Chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất thực hành nông nghiệp tốt. Cụ thể như tiếp tục duy trì, theo dõi, kiểm tra, giám sát và mở rộng việc sản xuất cam theo tiêu chuẩn Vietgap. Đến nay, toàn huyện đã có trên 40% diện tích cam, quýt được trồng theo tiêu chuẩn này.
Hợp vớiđiều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, người dân tuân thủ quy trình sản xuất, cam Cao Phong đảm bảo chất lượng thơm ngon đặc trưng, an toàn. Là người vừa trực tiếp trồng cam, vừa kinh doanh cam, chị Nguyễn Thị Loan ở khu 2, thị trấn Cao Phong chia sẻ: Chúng tôi ý thức được rằng chỉ có chất lượng ngon, sạch mới giữ được thương hiệu và uy tín cam Cao Phong. Điều này quan trọng hơn khi ngày càng có nhiều loại quả có múi ở các vùng khác trên thị trường. Vì vậy, để nâng cao chất lượng, chúng tôi áp dụng đúng quy trình sản xuất đã ban hành. Áp dụng cả cách chăm sóc cam hoàn toàn tự nhiên như ngâm ủ đậu nành, dùng viên ép cá con để tưới. Sản phẩm bán ra đúng loại cam được trồng chất lượng trên đất Cao Phong, kiên quyết nói không với việc kinh doanh gian dối. Cam, quýt Cao Phong đã được trồng rải vụ, mỗi loại chín vào thời điểm khác nhau, từ tháng 8 đến tháng 5 năm sau. Ngay tại cửa hàng, tôi niêm yết cụ thể 12 loại cam, quýt có vào thời điểm nào. Khách mua trực tiếp, đặt cam qua điện thoại khắp cả nước, tôi chuyển hàng đến cả TP Hồ Chí Minh.”
Để bảo vệ, phát huy chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam Cao Phong, huyện đã thành lập BCĐ quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý. BCĐ đã tham mưu UBND huyện thực hiện nhiều giải pháp. Đồng chí Phạm Văn Thụy, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng, Phó BCĐ cho biết: Huyện đã ban hành mẫu bao bì cam Cao Phong chuẩn áp dụng chung trong toàn huyện từ niên vụ 2017 - 2018. Các nhà vườn sử dụng và ghi tên để truy xuất nguồn gốc. Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho một số cá nhân và tập thể sản xuất cam trên địa bàn. Phát động thực hiện phương châm "Người Cao Phong chỉ bán cam Cao Phong”. BCĐ đã tổ chức tuyên truyền cho nhân dân về việc sử dụng bao bì sản phẩm, ý nghĩa của việc giữ vững, phát huy chỉ dẫn địa lý. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với các hộ kinh doanh cam, kiên quyết đấu tranh chống gian lận cam nơi khác trà trộn. Tổ chức cho các hộ sản xuất, kinh doanh cam ký cam kết sản xuất cam an toàn và kinh doanh đúng cam, quýt Cao Phong. Khi hết vụ, UBND huyện ban hành văn bản thông báo để nhân dân và người tiêu dùng nắm rõ. Huyện cũng tổ chức lễ hội cam Cao phong lần thứ 3 và Hội chợ thương mại huyện Cao Phong năm 2017 để tiếp tục quảng bá cho sản phẩm đặc trưng của huyện.
Cẩm Lệ