Cán bộ Hội CCB huyện Lạc Sơn thăm mô hình trồng cây có múi của hội viên CCB Bùi Văn Dùng, chi hội Xuất Hóa.
Chúng tôi đến thăm trang trại của CCB Nguyễn Ngọc Bắc ở xóm Cỏ, xã Mỹ Thành, hội viên CCB tiêu biểu trong phát triển kinh tế trên địa bàn huyện. Khoảng 3 năm trở lại đây, CCB Nguyễn Ngọc Bắc đã chuyển đổi hướng kinh doanh sang trồng cây ăn quả có múi. Đưa chúng tôi dạo thăm vườn, ông Bắc chia sẻ về lý do lựa chọn cây có múi là hướng đi mũi nhọn: "Trong một lần tôi dự hội nghị trên tỉnh, được nghe chia sẻ về hướng phát triển bền vững của doanh nghiệp là phát triển song song giữa công nghiệp và nông nghiệp. Xuất phát từ đó, đầu năm 2016, tôi đã đầu tư phát triển mô hình trồng cây ăn quả có múi. Đến nay, diện tích vườn đã được mở rộng lên 20 ha, trong đó có 4.000 gốc bưởi da xanh và 1.500 gốc bưởi đỏ Tân Lạc. Để có sản phẩm năng suất, chất lượng cao nhất, tôi đã mời các chuyên gia giàu kinh nghiệm về tư vấn, hỗ trợ kinh nghiệm và kỹ thuật. Dự kiến cuối năm 2018, vườn của gia đình tôi sẽ cho thu sản phẩm. Hiện tại, tôi tham gia Hội Doanh nhân CCB tỉnh, các sản phẩm của gia đình tôi khi thu hoạch sẽ được Hội liên kết với các doanh nghiệp ở Hà Nội tiêu thụ sản phẩm”.
Bên cạnh phát triển kinh tế gia đình, CCB Nguyễn Ngọc Bắc còn tạo việc làm thường xuyên cho 12 công nhân lao động với mức lương trung bình 4, 5 triệu đồng/tháng.
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Lạc Sơn hiện có 35 hộ hội viên phát triển mô hình trồng cây có múi, tiêu biểu có CCB Nguyễn Ngọc Bắc ở chi hội CCB Mỹ Thành 20 ha, CCB Bùi Văn Tú 12 ha, CCB Bùi Văn Dùng chi hội Xuất Hóa 5 ha… Hầu hết diện tích vườn của các hội viên được trồng từ năm 2015 và chuẩn bị cho thu bói. Tính đến thời điểm hiện tại, một số hộ gia đình trồng trước đó đã có thu nhập từ 150- 250 triệu đồng /ha.
Nhằm khích lệ, tạo động lực cho hội viên mạnh dạn phát triển mô hình trồng cây có múi, Hội CCB huyện Lạc Sơn đã phối hợp với Hội Nông dân tổ chức các lớp học chuyên đề về cây ăn quả có múi. Ngoài ra, Hội CCB các xã, thị trấn phối hợp với Trạm KN -KL huyện tổ chức trung bình từ 1- 2 buổi /năm nhằm tập huấn, chuyển giao KH -KT cho hội viên áp dụng vào sản xuất. Ngoài ra, các chi hội thường xuyên tổ chức đi thăm quan các trang trại tiêu biểu nhằm học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội hợp tác phát triển.
Khó khăn lớn nhất đối với hội viên CCB khi khởi nghiệp đó là nguồn vốn. Trong khi đó, để đầu tư, mở rộng mô hình trồng cây có múi đòi hòi kinh phí rất lớn. Hiện nay, Ngân hàng CSXH chỉ áp dụng mức vay tối đa 20 triệu đồng /hội viên. Do đó, nhiều hội viên muốn phát triển mạnh phải vay vốn các kênh khác. Chia sẻ với chúng tôi, CCB Bùi Văn Dùng ở chi hội Xuất Hóa cho biết: "Bắt tay vào phát triển mô hình trồng cây có múi từ năm 2015, gia đình tôi được tạo điều kiện vay vốn tại Ngân hàng CSXH huyện với số tiền 20 triệu đồng và Ngân hàng NN &PTNT 180 triệu đồng. Hiện nay, vườn của gia đình tôi đang trong quá trình thu bói và cần kinh phí để tái đầu tư. Nếu không kịp thời chăm bón cây theo đúng phương pháp, tôi lo sẽ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm”.
Đồng chí Bùi Tiến Lực, Chủ tịch Hội CCB huyện Lạc Sơn cho biết: Để tạo điều kiện tốt nhất cho cán bộ, hội viên CCB mở rộng và phát triển mô hình trồng cây ăn quả có múi, Hội mong muốn nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ các ban, ngành, đoàn thể giúp đỡ về kinh nghiệm, kỹ thuật. Ngoài ra, tạo điều kiện cho hội viên CCB được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Thông qua đó tiếp tục nhân rộng diện tích cây có múi, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống hội viên.
Đức Anh