(HBĐT) - Khai thác lợi thế đặc thù, trồng su su lấy ngọn và các loại rau ôn đới đang mang lại hiệu quả khả quan trong phát triển sản xuất, cải thiện đời sống người dân các xã vùng cao huyện Tân Lạc.
Thành viên HTX Quyết Chiến, xã Quyết Chiến (Tân Lạc) trồng
các loại rau ôn đới theo tiêu chuẩn an toàn.
Chị Đinh Thị Quyết, Chủ nhiệm HTX Quyết Chiến
cho biết: Khí hậu, đất đai những xã vùng cao phù hợp với phát triển các loại
cây ưa lạnh. Cây su su đã có mặt trên đồng đất Quyết Chiến được 10 năm nay,
trồng tập trung tại cánh đồng Bưa Má, Đồng Lim, Bưa Lìm, hiệu quả kinh tế hơn
hẳn các loại cây trồng khác. Su su có thể thu hoạch 7 tháng (từ tháng 4-12 hàng
năm). Mỗi hộ trồng từ 1.000 - 3.000 m2. Cứ 1.000 m2, thu 30 kg/ngày với giá bán
hiện tại khoảng 5.000 đồng /kg cũng thu được gần 1 triệu đồng. Chất lượng su su
Quyết Chiến khá tốt, tuy nhiên mẫu mã không đẹp bằng su su Tam Đảo. Hiệu quả
khá cao, nhưng lo nhất vẫn là đầu ra cho sản phẩm. HTX mong được hỗ trợ để sản
xuất theo tiêu chuẩn VietGap, kết nối và tiêu thụ sản phẩm ổn định, mở ra cơ
hội bền vững nâng cao đời sống người dân.
Theo thống kê của UBND huyện Tân Lạc: Đến nay, tổng
diện tích rau su su đạt 64 ha (Quyết Chiến 60 ha, Lũng Vân 4 ha). Trong đó diện
tích su su của các hợp tác xã 12,3 ha, các hộ dân 39,7 ha; năng suất bình quân
63 tấn /năm, sản lượng đạt 3.200 tấn /năm; giá bán bình quân 4.000 đồng, thu
nhập đạt 250 triệu đồng / ha/năm. Cây su su trồng 1 lần, thu hoạch từ 2-3 năm,
năm thứ nhất đạt 80 triệu đồng /ha, năm thứ 2 từ 100-120 triệu đồng /ha. Từ năm
2016, được hỗ trợ của tổ chức GNI Hàn Quốc, huyện đã trồng thử nghiệm các loại
rau ôn đới như củ cải, hành, cải thảo, cà chua, xà lách, cải bắp để cung cấp
nguồn rau trái vụ cho thị trường. Đến nay đã phát triển được 3,5 ha.
ông Bùi Văn Nhỏ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc cho
biết: Su su là loại cây bản địa, dễ trồng, sớm cho thu hoạch, giá bán tương đối
ổn định đã đăng ký nhãn hiệu tập thể "Su su Tân Lạc”. Thời điểm hiện tại, hàng ngày bà con thu 15
tấn, trong đó 10 tấn tiêu thụ tại Hà Nội, còn lại ở Vĩnh Phúc. Đối với rau ôn
đới đang trong quá trình trồng thử nghiệm, nhưng năng suất, sản lượng đạt yêu
cầu. Rau su su lấy ngọn hầu hết do các tiểu thương thu mua để bán tại một số
siêu thị và cửa hàng ở Hà Nội. Các loại rau, củ cải chủ yếu bán cho người Hàn
Quốc đang sinh sống ở Hà Nội.
Dù vậy, khó khăn nhất vẫn là đầu ra cho sản phẩm su
su. Việc tiêu thụ chủ yếu do tư thương thu mua. Nhãn hiệu "Su su Tân Lạc” chưa
được quảng bá rộng rãi, chất lượng chưa đồng nhất. Có thực tế, su su Tân Lạc
phải "núp bóng” su su địa phương khác để dễ tiêu thụ hơn. Tính bền vững trong
liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm chưa có. Đã từng xảy ra tình
trạng người dân tự ý phá bỏ hợp đồng ký kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm (Công
ty Phương Huyền) khi giá su su lên cao. Năng lực cũng như điều kiện để HTX hoạt
động chưa thuận lợi cũng ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ su su ở Tân Lạc...
"Huyện Tân Lạc
thực hiện quy hoạch lại vùng sản xuất rau su su với diện tích khoảng 100 ha tại
các xừ: Quyết Chiến, Lũng Vân, Ngổ Luông và Nam Sơn. Huyện cũng mở rộng diện
tích trồng rau ôn đới với sự tài trợ của tổ chức GNI và dự án phát triển nông
thôn huyện gắn với phát triển rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, đồng thời sẽ
đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất; chú trọng thu hút
các doanh nghiệp tham gia liên kết trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm rau su su
và các loại rau ôn đới” - ông Bùi Văn Nhỏ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc cho
biết.
L.C