Hiện nay, Công ty Cổ phần may Lạc Thuỷ đã thu hút hơn 700 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân đạt hơn 4 triệu đồng/người/tháng.
Trên - dưới đồng lòng…
Có một điều đặc biệt ở Lạc Thủy đó là sự đoàn kết, đồng lòng, nhất trí cao trong toàn Đảng bộ huyện luôn được thể hiện rõ trong tất cả các vấn đề liên quan đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo tìm ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển KT-XH địa phương. Điều này lại càng thể hiện rõ trong việc triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/HU về thu hút đầu tư trong những năm qua.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Bùi Văn Trường, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lạc Thủy chia sẻ: Ngay sau khi xây dựng, ban hành Nghị quyết số 14-NQ/HU về thu hút đầu tư mặc dù có sự thống nhất cao, tuy nhiên khi triển khai tổ chức thực hiện còn gặp nhiều khó khăn như: sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền cơ sở hạn chế; công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án. Cùng với đó, chất lượng nguồn nhân lực của địa phương vẫn còn yếu, lao động có chất lượng cao thiếu gây ra những khó khăn cho việc thu hút đầu tư cũng như cản trở tiến độ thực hiện dự án.
Trước những khó khăn đó, một lần nữa BCH Đảng bộ huyện bàn bạc các biện pháp, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên tinh thần vướng ở đâu, tháo gỡ ở đó. Để nắm chắc tình hình cũng như trực tiếp lắng nghe ý kiến từ cơ sở, Huyện ủy Lạc Thủy đã phân công các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy phụ trách địa bàn trực tiếp về cơ sở nắm bắt tình hình và lắng nghe ý kiến, kiến nghị, phản ánh của nhân dân, từ đó tham mưu, đề xuất với Huyện ủy biện pháp xử lý phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Với cách làm đó, những kiến nghị, bức xúc của nhân dân về công tác đền bù, GPMB cho các cụm công nghiệp tại các thôn: Đồng Bíp, Sóc Bai (Yên Bồng), Phú Thành, Thanh Hà, An Bình, Thanh Nông, Đồng Tâm... đã cơ bản được giải quyết phù hợp với nguyện vọng của nhân dân.
Cùng với đó, để giúp các nhà đầu tư thuận lợi trong quá trình thỏa thuận, đền bù, GPMB, Huyện ủy Lạc Thủy đã giao UBND huyện chỉ đạo Trung tâm phát triển quỹ đất phối hợp với các phòng, ban, cơ quan chuyên môn tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiểu, nắm rõ các quy định của pháp luật trong công tác bồi thường, GPMB.
Với cách làm đó, thời gian qua, huyện Lạc Thủy đã giúp các nhà đầu tư thực hiện tốt việc thỏa thuận, đền bù GPMB cho 16 dự án với tổng diện tích 1.514.569 m2 của 396 hộ ảnh hưởng, tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ trên 68,5 tỷ đồng. Công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB được triển khai thực hiện đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, chế độ, chính sách. Phát huy những kết quả đó, huyện Lạc Thủy tiếp tục đẩy nhanh việc thu hồi, hỗ trợ nhà đầu tư thỏa thuận đền bù tại các hạng mục Nhà máy sản xuất vôi và bột nhẹ Xuân Thiện, cảng Xuân Thiện; dự án Khu du lịch tâm linh xã Phú Lão...
… Xây dựng niềm tin cho nhân dân và nhà đầu tư
Có được những kết quả trên, theo đồng chí Quách Thế Ngọc, Bí thư Huyện ủy Lạc Thủy là do: Cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã xây dựng, củng cố niềm tin cho nhân dân. Từ đó tạo sự đồng lòng, nhất trí cao từ cấp ủy Đảng đến các tầng lớp xã hội.
Có thể nói, chính từ việc coi trọng xây dựng, củng cố niềm tin cho nhân dân trong thực hiện thu hút đầu tư đã giúp Lạc Thủy giải được nhiều "bài toán khó” khi có các dự án đầu tư vào địa bàn. Điển hình như dự án đầu tư xây dựng khu tổ hợp thể thao - văn hóa, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch sinh thái kết hợp nuôi trồng thủy sản tại xã Đồng Tâm do Công ty CP TH làm chủ đầu tư. Đáng nói, năm 2004 dự án này đã được UBND tỉnh cấp phép đầu tư. Khi đó quá trình triển khai không nhận được sự đồng thuận, nhất trí của người dân, nhất là khi Công ty triển khai xây dựng hạng mục sân golf đã phá diện tích lớn rừng phòng hộ hồ Đồng Tâm, gây bức xúc trong nhân dân. Do vậy, dự án đã bị cấp có thẩm quyền ra quyết định dừng không tiếp tục triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, thấy rõ được tiềm năng, lợi thế để đầu tư Dự án xây dựng khu tổ hợp vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp, mới đây chính quyền huyện Lạc Thủy đã chủ động gặp gỡ, đối thoại và kêu gọi Công ty CP TH tiếp tục đầu tư và phát triển dự án. Theo đó, dự án đã được tái khởi động với tổng mức đầu tư hơn 800 tỷ đồng. Trò chuyện với chúng tôi, đồng chí Tạ Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm chia sẻ: Khi Công ty CP TH tái khởi động dự án chúng tôi rất lo bởi vì trước đây cũng dự án này, cũng các hạng mục này người dân đã kịch liệt phản đối. Tuy nhiên, khi được tuyên truyền, vận động, nói rõ chủ trương, mục đích và công khai việc triển khai dự án với sự giám sát của nhân dân thì cán bộ, nhân dân trong xã nói chung và vùng dự án nói riêng đã có sự đồng tình, nhất trí cao.
Từ sự đồng thuận đó, Đồng Tâm đã trở thành một trong những xã được nhiều doanh nghiệp lựa chọn thực hiện dự án nhất huyện. Tính đến tháng 8/2018, Đồng Tâm có 16 doanh nghiệp đăng ký đầu tư thực hiện dự án với tổng số vốn lên tới hơn 1.000 tỷ đồng. Ngoài dự án xây dựng khu tổ hợp vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp của Công ty CP TH, ở Đồng Tâm cũng đang triển khai dự án Nhà máy xử lý rác với tổng mức đầu tư khoảng 100 tỷ đồng cùng nhiều dự án có mức đầu tư quy mô lớn đang chuẩn bị đi vào hoạt động như dự án Nhà máy chế biến lâm sản, ép gỗ...
Không chỉ tạo niềm tin cho nhân dân, cấp ủy, chính quyền huyện Lạc Thủy cũng chú trọng xây dựng môi trường đầu tư tốt cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào huyện. ông Trần Thanh Hùng, Giám đốc Công ty CP may Lạc Thủy thuộc Tổng Công ty may Đức Giang cho biết: Quá trình triển khai dự án "Trung tâm may mặc xuất khẩu” tại Lạc Thủy, chúng tôi luôn nhận được sự hỗ trợ tích cực về thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai, GPMB, đẩy nhanh thủ tục cấp phép đầu tư và công tác quảng bá, tuyển dụng công nhân... Nhờ môi trường đầu tư thuận lợi cộng với sự quan tâm, giúp đỡ kịp thời, nhiệt tình của cấp ủy, chính quyền địa phương nên quá trình triển khai thực hiện dự án đã được rút ngắn đáng kể. Tính từ khi lập dự án trình cấp có thẩm quyền cấp phép đầu tư, hoàn thiện thủ tục thuê đất đến khi xây dựng nhà xưởng, lắp đặt máy móc và đi vào hoạt động ổn định, Công ty CP may Lạc Thủy chỉ mất khoảng 3 tháng. Do vậy, đây là một trong những dự án được triển khai thực hiện nhanh nhất của Tổng Công ty khi mở rộng cơ sở sản xuất ra các địa phương khác. Đáng nói hơn, trong quá trình hoạt động từ đầu năm 2015 đến nay, Công ty tiếp tục nhận được sự quan tâm hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác đảm bảo an ninh, tạo sự gắn kết giữa đơn vị với thôn xóm, cộng đồng dân cư xung quanh nhà máy để đi vào hoạt động ổn định. Nhờ đó, Công ty đã mở rộng dây chuyền sản xuất, thu hút và tạo việc làm ổn định cho trên 700 công nhân là người địa phương với mức thu nhập đạt từ 3,5 - 7 triệu đồng/ người/tháng.
Có thể nói, từ việc đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH, tạo tiền đề chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực ở huyện Lạc Thủy thời gian qua.
(Còn nữa)
Vũ Phong
Bài 3 - Nền tảng trở thành vùng kinh tế động lực