Chia sẻ về những thuận lợi để phát triển mô hình chăn nuôi gà, đồng chí Dương Quốc Vương, Phó Chủ tịch UBND xã Lạc Thịnh cho biết: "Địa phương hội tụ đầy đủ các yếu tố, tiềm năng để phát triển hiệu quả mô hình chăn nuôi gà. Địa hình tự nhiên rộng rãi, bằng phẳng, đáp ứng nhu cầu xây dựng hệ thống chuồng trại kiên cố và chăn thả tự do. Phát huy lợi thé có trục đường Hồ Chí Minh chạy qua địa bàn xã, hộ dân sinh sống ven đường đã phát triển 25 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, qua đó giải quyết được nguồn cung cho các hộ chăn nuôi gà. Ngoài ra, vị trí địa lý của xã nằm ở khu vực trung tâm, tiếp giáp với các tỉnh như Thanh Hóa, Ninh Bình… nên có thị trường tiêu thụ rộng lớn”.
Tận dụng tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương, theo thống kê, toàn xã hiện có trên 30 hộ phát triển mô hình chăn nuôi gà với tổng đàn trên 40.000 con. Trong đó có khoảng 10 hộ phát triển quy mô, dao động từ 2.000- 4.000 con/năm, tập trung tại các xóm: Đình A, Nhòn, Cọ, Phố Sấu, Thịnh Phú… Hiện nay, các hộ chăn nuôi lựa chọn phát triển đa dạng giống gà đã xây dựng được thương hiệu như gà Lạc Thủy, gà Lạc Sơn, gà Hòa Phát (Đông Anh- Hà Nội)… Thời gian chăn nuôi cho đến khi thu hoạch từ 75- 180 ngày tùy theo từng loại giống. Do đó, một số hộ có nguồn vốn và thị trường tiêu thụ ổn định có thể suất từ 3- 4 lứa/năm.
Mô hình chăn nuôi gà của ông Dương Văn Kỳ ở xóm Đình A, xã Lạc Thịnh (Yên Thủy) cho thu nhập khoảng 800 triệu đồng/năm chưa trừ chi phí.
Chúng tôi đến thăm gia đình ông Dương Văn Kỳ ở xóm Đình A, một trong những hộ chăn nuôi tiêu biểu trên địa bàn xã. Trước đây kinh tế của gia đình ông Kỳ chủ yếu dựa vào trồng mía, lợi nhuận hàng năm chỉ đạt từ 30- 40 triệu đồng. Nhận thấy một số hộ gia đình trong xã phát triển hiệu quả mô hình nuôi gà, ông Kỳ đã sử dụng nguồn vốn tích lũy đầu tư chăn nuôi thí điểm. Ngay trong năm đầu tiên, ông Kỳ đã suất ra thị trường 2 lứa với 4.000 con gà, trung bình mỗi con nặng khoảng 2 kg. Với mức giá dao động từ 80.000- 85.000 đồng/kg, đỉnh điểm có thể lên đến 100.000 đồng/kg, gia đình ông Kỳ thu về gần 800 triệu đồng. Thương lái thu mua sản phẩm của gia đình ông chủ yếu đến từHà Nội, Ninh Bình…
Phấn khởi chia sẻ với chúng tôi, ông Kỳ cho biết: "Yếu tố quan trọng dẫn đến thành công khi phát triển mô hình chăn nuôi gà đó là phải tích cực học hỏi kinh nghiệm, áp dụng hiệu quả KHKT vào chăn nuôi để phòng, ngừa dịch bệnh thì mới có được sản phẩm chất lượng cao, giá thành ổn định. Hiện nay, gia đình tôi tiếp tục xây dựng thêm 2 chuồng với diện tích 100 m2/chuồng. Đầu tư hệ thống chuồng úm để phát triển đàn gia cầm.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Lạc Thịnh cho biết thêm: "Nhờ phát huy hiệu quả các mô hình kinh tế, đặc biệt là mô hình chăn nuôi gà, theo thống kê năm 2017, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 32 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6%. Trong thời gian tới, xã tiếp tục khuyến khích các hộ dân tận dụng tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển hiệu quả mô hình chăn nuôi gà. Mong muốn các ban, ngành, đoàn thể hỗ trợ giống, nguồn vốn và kỹ thuật. Liên kết với các công ty để tiêu thụ sản phẩm với giá thành ổn định, qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Đức Anh