Cán bộ xã Cao Sơn (Đà Bắc) chia sẻ kinh nghiệm trồng cây có múi với gia đình chị Đinh Thị Gương ở xóm Nà Chiếu.
Đồng chí Đinh Văn Thụ, Chủ tịch UBND xã Cao Sơn cho biết: "Xác định tiêu chí thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo là những tiêu chí quan trọng góp phần tạo động lực để hoàn thành các tiêu chí khác. Chính vì vậy, từ khi thực hiện chương trình xây dựng NTM, cấp ủy, chính quyền xã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tận dụng tiềm năng, lợi thế sẵn có để xây dựng các mô hình kinh tế mới. Theo thống kê, xã mở rộng diện tích các cây trồng chủ lực như ngô 550 ha/năm, dong riềng 350 ha. Diện tích cây có múi 130 ha, trong đó diện tích kinh doanh trên 40 ha. Tổng đàn gia súc, gia cầm duy trì trên 17.000 con. Bên cạnh đó, sản xuất CN - TTCN được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm. Toàn xã xây dựng được 100 cơ sở sản xuất, kinh doanh, tập trung chủ yếu ở các ngành nghề: chế biến dong riềng, sản xuất vật liệu xây dựng, đồ mộc dân dụng”.
Chúng tôi đến thăm gia đình chị Đinh Thị Gương ở xóm Nà Chiếu, một trong những hộ tiên phong trồng cây có múi tại xã. Đến nay, diện tích vườn cây có múi của gia đình chị Gương mở rộng lên trên 6.000 m2, trong đó có 400 gốc cam Canh. Năm 2017, gia đình chị xuất ra thị trường khoảng 10 tấn quả. Với giá từ 27.000- 30.000 đồng/kg, chị Gương thu về gần 300 triệu đồng. Thương lái thu mua sản phẩm chủ yếu đến từ Hà Nội và các khu vực lân cận.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Gương cho biết: "Ngay từ khi thực hiện chương trình xây dựng NTM, xã đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân năng động, sáng tạo phát triển các mô hình kinh tế nhằm nâng cao thu nhập. Nhận thấy hiệu quả từ cây ăn quả có múi, gia đình tôi đã mạnh dạn sử dụng nguồn vốn tích lũy trồng thí điểm. Để có được sản phẩm chất lượng, tôi thường xuyên tham gia các lớp tập huấn chuyên đề, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất.
Nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, xã nhận ủy thác với các Ngân hàng CSXH, NN&PTNT với tổng dư nợ 57 tỷ đồng. Hàng năm, Trung tâm học tập cộng đồng xã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức từ 3- 4 buổi tập huấn chuyên đề về chăn nuôi, trồng trọt. Chủ động sử dụng các biện pháp phòng trừ dịch bệnh cho cây, con giống, đàn gia súc, gia cầm.
Tuy nhiên hiện nay, chính quyền xã trăn trở vấn đề giống cây trồng chủ lực như ngô, dong riềng không tiêu thụ được, giá thành không ổn định. Nguyên nhân là do nguồn cung cao hơn cầu, tư thương thu mua ép giá sản phẩm vì đường giao thông khó khăn.
Đồng chí Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: Trong thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền người dân phát huy hiệu quả các mô hình kinh tế đem lại thu nhập cao. Tận dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất từ chương trình, dự án lồng ghép để mở rộng 40 ha chè shan tuyết. Ngoài ra, xã mong muốn các ban, ngành, đoàn thể tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn, cây, con giống chất lượng cao, qua đó nâng cao thu nhập của người dân, cải thiện tỷ lệ hộ nghèo và thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.
Đức Anh