Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Hội nghị.
Cùng dự, có các đồng chí: Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Vũ Khoan, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT); Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Công thương; Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ; Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội; đại diện cấp cao các bộ, ban, ngành, địa phương, Đại sứ quán, Hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ cảm ơn, đánh giá cao các nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đã tin tưởng Việt Nam, lựa chọn Việt Nam và đã đồng hành, lớn lên cùng Việt Nam, cùng vượt qua khó khăn, đóng góp thiết thực và hiệu quả cho sự phát triển của Việt Nam trong suốt chặng đường 30 năm qua.
Thủ tướng nhấn mạnh: Tổng kết 30 năm qua cho thấy, việc mở cửa thu hút vốn đầu trực tiếp nước ngoài (FDI) là một chủ trương đúng đắn, đã góp phần thực hiện nhiều mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội quan trọng của đất nước. Khu vực kinh tế FDI đã trở thành một bộ phận không tách rời của nền kinh tế Việt Nam. Nhưng bên cạnh những thành tựu to lớn của FDI, cũng cần nhìn thẳng vào những hạn chế tồn tại, những thua thiệt trong thu hút FDI ở Việt Nam. Các doanh nghiệp FDI về cơ bản đang sử dụng công nghệ trung bình hoặc trung bình tiên tiến so với khu vực, chưa có nhiều tập đoàn đa quốc gia trong các lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, công nghệ nguồn. Liên kết giữa khu vực FDI và khu vực trong nước, chuyển giao công nghệ chưa đạt như kỳ vọng, chủ yếu là gia công lắp ráp, tỷ lệ nội địa hóa trong một số ngành thấp, giá trị gia tăng trên một đơn vị sản phẩm không cao. Một số dự án FDI tiêu tốn năng lượng, tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường. Vẫn còn có biểu hiện báo lỗ - chuyển giá; đầu tư chui...
Để nâng cao chất lượng thu hút dòng vốn FDI trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương tập trung làm cho được điều mà các nhà đầu tư luôn cần. Đó là giữ vững ổn định chính trị xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô; hoàn thiện khung pháp luật liên quan đến đầu tư, trong đó có thực hiện chủ trương hợp tác ĐTNN có ưu tiên, chọn lọc gắn với mục tiêu nâng tầm trình độ nền kinh tế, xây dựng nền kinh tế tự chủ. Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước liên doanh, liên kết, góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp FDI trong các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ mới, công nghiệp hỗ trợ; hoàn thiện chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư trên nguyên tắc gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát để bảo đảm doanh nghiệp FDI thực hiện đúng cam kết đầu tư, tuân thủ đúng tiêu chí, điều kiện hưởng ưu đãi….
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương cần rà soát và hoàn thiện, bổ sung các cơ chế, chính sách, giải pháp trong lĩnh vực quản lý của mình. Bộ KHĐT hoàn thiện báo cáo tổng kết 30 năm thu hút FDI, trình Chính phủ, báo cáo Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác FDI đến năm 2030. Trên cơ sở đó, Chính phủ ban hành Chương trình hành động cụ thể để thực hiện tốt hơn nữa công tác thu hút vốn FDI.
Trước đó, báo cáo tổng kết 30 năm thu hút FDI tại Việt Nam, Bộ trưởng KHĐT cho biết: Tính đến tháng 8-2018, đã có hơn 26.500 dự án FDI vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 334 tỷ USD, vốn thực hiện khoảng 184 tỷ USD. Khu vực FDI có đóng góp gần 20% GDP và là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho vốn đầu tư phát triển với tỷ trọng khoảng 23,7% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội; 58% tổng vốn FDI tập trung vào lĩnh vực chế biến, chế tạo, tạo ra hơn 50% giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước; kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong xuất khẩu chung của cả nước, đạt 72,6% trong năm 2017 và 71,4% trong chín tháng đầu năm 2018. Số thu nộp ngân sách của khu vực FDI tăng đều qua các năm và đạt hơn 8 tỷ USD trong năm 2017, chiếm 17,1% tổng thu ngân sách nhà nước. Tính đến nay, khu vực FDI đã tạo việc làm cho gần bốn triệu việc làm trực tiếp và khoảng năm triệu việc làm gián tiếp khác. Kết quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài trong 30 năm qua đã khẳng định đường lối mở cửa hợp tác với nước ngoài của Đảng và Nhà nước là hết sức đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển chung của thời đại và điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Tuy nhiên, khu vực FDI cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập, đòi hỏi phải có định hướng, chiến lược mới phù hợp với bối cảnh mới.
Tại Hội nghị, đại diện các địa phương nằm trong top dẫn đầu về thu hút FDI như Hà Nội, Bình Dương… đã trình bày tham luận chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút vốn FDI trong bối cảnh mới. Về phía các hiệp hội, nhà đầu tư nước ngoài đã trao đổi ý kiến nhận diện thách thức và cơ hội đầu tư tại Việt Nam trong kỷ nguyên mới. Đồng thời, bày tỏ sự tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam và cam kết tiếp tục đầu tư ở Việt Nam.