Từ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH, gia đình chị Nguyễn Thị Hải, xóm Văn Tiến, xã Dân Hạ (Kỳ Sơn) đầu tư chăn nuôi gà, phát triển kinh tế gia đình.
Năm 2017, từ vốn chính sách đã góp phần xây dựng mới được 641 công trình NS&VSMT nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân, giúp cho 11 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; đã giải quyết cho 111 lao động có việc làm mới; 23 hộ nghèo, đời sống khó khăn được vay vốn hỗ trợ nhà ở giai đoạn 2 để sửa chữa, làm mới nhà ở, ổn định đời sống; 152 hộ đã thoát khỏi ngưỡng hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp tục sử dụng nguồn vốn ưu đãi để vươn lên thoát nghèo bền vững...
Tìm hiểu về hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi của địa phương, cùng cán bộ tín dụng và tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) xóm Văn Tiến, xã Dân Hạ, chúng tôi tới thăm mô hình kinh tế của gia đình chị Nguyễn Thị Hải. Gia đình chị Hải được vay 2 món với dư nợ 62 triệu đồng. Trong đó, 50 triệu đồng từ chương trình SX-KD, gia đình chị đầu tư chăn nuôi gà, bình quân nuôi 2 lứa/năm, mỗi lứa khoảng 500 con. Số vốn 12 triệu đồng từ chương trình NS&VSMT, gia đình chị đầu tư xây dựng bể nước và công trình vệ sinh nâng cao chất lượng cuộc sống. Đó chỉ là 1 trong số hàng trăm hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách được NHCSXH huyện Kỳ Sơn cho vay vốn ưu đãi đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc phòng giao dịchNHCSXH huyện Kỳ Sơn cho biết: Hiện, NHCSXH Kỳ Sơn thực hiện 13 chương trình tín dụng chính sách. Đến hết tháng 9, tổng dư nợ trên địa bàn huyện đạt 129.017 triệu đồng với 4.977 hộ còn dư nợ. Nợ quá hạn toàn huyện 287 triệu đồng, chiếm 0,22% tổng dư nợ. Với cơ chế tín dụng hiện hành, hầu hết các chương trình tín dụng đều được ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội, dư nợ ủy thác chiếm 99,7% tổng dư nợ của NHCSXH huyện. Các tổ chức nhận ủy thác đã xây dựng chương trình và thực hiện công tác kiểm tra đến tổ chức Hội cấp dưới, tổ TK&VV và hộ vay. NHCSXH huyện và các tổ chức nhận ủy thác thực hiện nghiêm túc giao ban định kỳ, thường xuyên cung cấp, trao đổi thông tin, phối hợp có hiệu quả trong chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động cho các tổ chức hội cấp xã xử lý nợ, kiện toàn mô hình tổ TK&VV. Tại các điểm giao dịch xã có đầy đủ biển hiệu quy định rõ ngày giao dịch, nội quy giao dịch, thông báo các chương trình cho vay, niêm yết danh sách số hộ còn dư nợ trong hạn, đến hạn, quá hạn...
Các tổ chức hội, đoàn thể từ huyện đến cơ sở đã tích cực phối hợp với NHCSXH xử lý thu hồi nợ đến hạn. Các tổ chức nhận ủy thác tiếp tục khẳng định được vai trò, trách nhiệm trong quản lý nguồn vốn của NHCSXH, hiệu quả sử dụng vốn được nâng lên rõ rệt. Toàn huyện có 129 tổ TK&VV, qua đánh giá có 128 tổ xếp loại tốt, 1 tổ xếp loại khá.
Thực hiện mục tiêu phát triển KT-XH, công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, có thể nói nguồn vốn tín dụng chính sách rất quan trọng đối với các hộ nghèo và đối tượng chính sách, khi vay được vốn họ có thể thực hiện các mô hình trồng trọt, chăn nuôi. Thời gian tới, huyện Kỳ Sơn tiếp tục thực hiện các chương trình cho vay vốn sản xuất để giúp người dân trên địa bàn huyện có nguồn vốn phát triển kinh tế, làm giàu tại quê hương. Hoạt động tín dụng chính sách đã góp phần tích cực vào phong trào xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Hải Linh
(HBĐT) - Tháng 1 năm 2018, xã Thanh Lương, Lương Sơn chính thức về đích nông thôn mới. Cấp ủy Đảng, chính quyền luôn xác định khó khăn chính là hoàn thiện và duy trì các tiêu chí một cách bền vững. Trong đó, đặc biệt là các tiêu chí "động” như tiêu chí về văn hóa, môi trường, ANTT. Từ thực tế đó, Đảng ủy, chính quyền xã Thành Lương tăng cường sự lãnh đạo đối với việc xây dựng và nhân rộng các mô hình tự quản trong cộng đồng dân cư nhằm xây dựng nếp sống văn hóa và đảm bảo an ninh trật tự nông thôn.