Lớp dạy nghề sửa xe máy ở Trường cao đẳng nghề Yên Bái. Bài 1 Thực trạng lao động và đào tạo nghề Đề án 1956 ra đời trong hoàn cảnh kinh tế nông nghiệp, nông thôn ở miền núi đang có sự chuyển dịch tích cực, từng bước đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần quan trọng giảm tỷ lệ đói nghèo, ổn định an sinh xã hội miền núi. Còn nhiều bất cập Theo đánh giá của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội năm 2016, vùng Tây Bắc với 14 tỉnh và 21 huyện phía tây các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An là địa bàn còn nhiều khó khăn, nhất là các tỉnh vùng biên giới. Có tới 45 trong số 63 huyện nghèo nhất cả nước, tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 còn khoảng 15%. Theo kết quả tổng điều tra hộ nghèo, cận nghèo cuối năm 2015 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020) thì toàn vùng Tây Bắc có tỷ lệ 29,14%, hộ cận nghèo 10,69%. Trong đó, 45 huyện nghèo có tỷ lệ hộ nghèo là 49,98%. Đời sống của người dân chủ yếu là nông nghiệp, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội kém phát triển, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là cơ sở hạ tầng văn hóa, xã hội, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm. Nằm trong vùng trung du miền núi Bắc Bộ, các tỉnh: Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái, Sơn La có chung đặc điểm là đất tự nhiên rộng nhưng bị chia cắt bởi hệ thống sông, suối, cho nên chủ yếu là đất đồi rừng, đất sản xuất nông nghiệp ít, dân cư trong vùng phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí không đồng đều, dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực thấp. Đáng chú ý, lao động nông thôn (LĐNT) chủ yếu làm việc trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, hầu hết chưa qua đào tạo. Cụ thể: Tuyên Quang lao động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 59,3%; tỉnh Hà Giang, Sơn La có hơn 86% số người lao động ở khu vực nông thôn. Triển khai Đề án 1956, các tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện đề án "Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020” từ cấp tỉnh đến xã và xây dựng quy chế hoạt động để thực hiện. UBND tỉnh đã ban hành các quyết định thành lập trung tâm dạy nghề tại các huyện; hằng năm rà soát số LĐNT có nhu cầu học nghề và xây dựng kế hoạch đào tạo cụ thể. Do vậy, nhiều LĐNT ở những tỉnh này được tham gia các lớp tập huấn, chương trình đào tạo nghề, như: Tuyên Quang hơn 35 nghìn LĐNT được đào tạo nghề; tại Yên Bái hơn 29 nghìn LĐNT; Sơn La hơn 20 nghìn LĐNT; Hà Giang chỉ từ năm 2016 đến nay, đã đào tạo nghề ngắn hạn dưới ba tháng cho gần 30 nghìn LĐNT. Các nghề đào tạo chính gồm: lĩnh vực nông nghiệp (chăn nuôi gia súc, gia cầm; trồng cây lương thực, thực phẩm; bảo vệ thực vật; kỹ thuật nuôi cá nước ngọt; chọn và nhân giống cây trồng; kỹ thuật trồng nấm) và lĩnh vực phi nông nghiệp (sửa chữa máy nông nghiệp; điện dân dụng; nề hoàn thiện; may thời trang; mây, tre đan; thêu ren kỹ thuật; làm chổi chít). Nhằm tạo điều kiện cho LĐNT có điều kiện tham gia học nghề, ngoài thực hiện nghiêm các chính sách của Nhà nước theo đề án đào tạo nghề cho LĐNT, các cơ sở đào tạo nghề còn tổ chức lớp học nghề ngay tại các xã, giúp cho học viên thuận tiện trong việc ăn ở, đi lại. Hầu hết số LĐNT sau khi học nghề ngắn hạn làm việc đúng nghề ngay tại địa phương, biết áp dụng kiến thức để tạo việc làm, tăng thu nhập. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, người học nghề biết áp dụng kiến thức, khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi để tăng năng suất, chất lượng, thu nhập. Hiệu quả của đào tạo nghề nông thôn đã góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo. Một số kết quả bước đầu Năm 2011, tỉnh Tuyên Quang triển khai thí điểm dạy nghề cho LĐNT tại xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên với một lớp học nghề kỹ thuật thêu ren, móc sợi thổ cẩm, một lớp học nghề kỹ thuật trồng cây cam sành với 70 học viên, thời gian học ba tháng. Căn cứ để lựa chọn thực hiện thí điểm nghề thêu ren, móc sợi thổ cẩm ở đây là vì nghề truyền thống này của người dân đang ngày bị mai một bởi thời gian; cùng với đó, việc mở lớp học nghề kỹ thuật trồng cam vì Hàm Yên là huyện vốn nổi tiếng với cây cam sành và đã có thương hiệu, trong đó xã Phù Lưu được coi là thủ phủ cam sành của huyện. Do lựa chọn nghề đào tạo phù hợp với truyền thống và nguyện vọng của người dân cho nên hiệu quả từ các lớp học đạt rất cao. Sau khi được học nghề, bổ sung kiến thức áp dụng vào thực tế lao động sản xuất của mình, những học viên này không chỉ áp dụng vào phát triển kinh tế gia đình, mà chính họ cũng trở thành những người hướng dẫn kỹ thuật cho cộng đồng. Hiện nay, toàn tỉnh có 20 mô hình lao động sau khi học nghề tạo được việc làm thường xuyên (12 mô hình thuộc lĩnh vực nông nghiệp, tám mô hình thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp). Các mô hình nêu trên đều cho thu nhập tốt với mức trung bình từ 3,5 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Sau học nghề, một bộ phận LĐNT áp dụng kiến thức đã học vào phát triển kinh tế, góp phần nâng cao năng suất lao động, cải thiện thu nhập. Cụ thể thu nhập bình quân đầu người một tháng ở khu vực nông thôn đã tăng từ 768 nghìn đồng năm 2010 lên 1,87 triệu đồng (năm 2016), góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội tại các vùng nông thôn tại tỉnh Tuyên Quang, đóng góp vào tốc độ tăng tổng sản phẩm của tỉnh năm 2017 là 7,62%, thu nhập bình quân đầu người đạt 36,2 triệu đồng/người/năm. Tại Yên Bái, "ly nông không ly hương” là chủ trương được tỉnh áp dụng và đem lại hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới. Ở xã Yên Bình, huyện Yên Bình, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện tổ chức lớp dạy nghề trồng, chăm sóc cây ăn quả có múi cho 30 chị, em dân tộc Tày, Dao, Nùng của hai thôn Đồng Tiến và Bỗng. Học viên Lương Thị Xuân cho biết: Người nông dân nếu trông vào cây lúa, cây chè chỉ đủ ăn. Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật, các vườn tạp đã đưa giống bưởi Khả Lĩnh vào trồng, cho thu nhập cao. Thực tế nhiều gia đình trong thôn nhờ trồng bưởi có thu nhập từ 150 đến 300 triệu đồng/vụ, không phải đi làm phụ hồ như trước. Chị Xuân phấn khởi vì theo học lớp nghề, mỗi ngày được hỗ trợ 30 nghìn đồng, học xong áp dụng ngay vào vườn nhà, có kỹ thuật mới hơn hẳn việc truyền miệng. Cái được của huyện Yên Bình là nắm trúng nhu cầu của người học ở nông thôn miền núi để dạy nghề, không chạy theo giáo trình áp đặt. Chẳng hạn như, xuất phát từ đặc điểm của địa phương là có hồ Thác Bà, có sông Chảy rất tốt cho trồng cây ăn quả, nhu cầu mở tiệm sửa chữa xe máy, điện lạnh nông thôn để mở lớp. Năm 2018, huyện đã mở được 17 lớp, tập trung vào nuôi trồng thủy sản, may, nấu ăn, cơ khí, cây ăn quả… giúp các học viên có việc làm có thu nhập ngay tại chỗ, không phải đi làm ăn xa. Tại huyện Trấn Yên, năm 2018 đã giải quyết được 5.000 lao động tại chỗ, trong đó qua các lớp nghề đã cung ứng hơn 1.000 lao động cho hai nhà máy may công nghiệp tại Khu công nghiệp Cổ Phúc và Khu công nghiệp Âu Lâu. Thế mạnh của dạy nghề ở Trấn Yên là đào tạo cách chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, bảo đảm an toàn thực phẩm cho măng tre bát độ, chè, nghề trồng dâu nuôi tằm. Hiện, huyện có 40 nghìn LĐNT tập trung làm 300 ha dâu, hơn 2.000 ha tre măng bát độ, hơn 2.000 ha chè (có hơn 1.000 ha chè bát tiên, phúc vân tiên chất lượng cao), vì thế, đào tạo nghề gắn với việc làm tại chỗ được quan tâm. Anh Hoàng Văn Lũy, dân tộc Tày, xã Kiên Thành có hơn 4 ha cây măng bát độ, khẳng định: Trước mình được học qua lớp ngắn ngày hướng dẫn cách làm măng, bây giờ biết cách lấy óng, lấy ngọn măng đúng quy cách, ngay như cách luộc măng tại vườn rừng ra sao cho đúng kỹ thuật, đã tiết kiệm được công vận chuyển từ rừng về nơi thu mua. Năm 2017, vụ măng thu hơn trăm triệu đồng, vụ này bán tốt hơn, nhà sắm được đủ tiện nghi. Nông dân tại đây mỗi năm thu gần 30 tỷ đồng từ măng, chưa kể tỉa cây làm nguyên liệu cho các nhà máy giấy, dân giàu lên từ rừng mà không phải xa quê. Được biết, Trường cao đẳng Nghề Yên Bái được phép đào tạo chín ngành nghề cao đẳng, 21 ngành nghề trung cấp, 13 nghề sơ cấp. Năm học 2018-2019, trường đã tuyển mới đạt 77 lớp với gần 2.600 học sinh, sinh viên, học viên. Các nghề gia công chế biến sản phẩm mộc, công nghệ ô-tô, cắt gọt kim loại khi tốt nghiệp ra trường, tất cả học viên đều có việc làm do được đặt hàng trước. Nét mới là nhà trường đã lập Khoa Dân tộc nội trú, với hơn 300 em theo học. Đây là nguồn lao động có tay nghề tốt cho các vùng khó khăn, vùng xa mà lao động vùng thấp không muốn tới. Em Giàng A Lăng, dân tộc Mông ở xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu theo học Khoa Điện, phấn khởi cho biết: Vừa rồi có nhà máy thủy điện về xã xây dựng trên dòng Nậm Hát, mình học xong sẽ về đấy làm, gần nhà lại có thu nhập ổn định. Theo học còn có nhiều bạn ở những xã có thủy điện như Khao Mang, Dế Xu Phình, Chế Tạo của huyện Mù Cang Chải, Hát Lừu của Trạm Tấu, ra trường là có việc làm ngay. Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Sơn La Lê Viết Trực cho biết: Để giải quyết việc làm, ổn định và nâng cao đời sống cho LĐNT, nhất là vùng di dân tái định cư thủy điện Sơn La, thời gian qua, tỉnh đã quan tâm thu hút đầu tư, mời gọi các doanh nghiệp dệt may, da giày, chế biến nông sản vào tỉnh. Cùng với đào tạo, giải quyết việc làm thông qua Đề án 1956 cho LĐNT, tỉnh Sơn La còn bổ sung chính sách của địa phương về xây dựng mức hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động của doanh nghiệp. Hiện có sáu doanh nghiệp đang được hưởng chính sách này, đào tạo được 2.832 lao động, với mức hỗ trợ 6,4 tỷ đồng, trong đó, hỗ trợ cho người lao động tiền ăn, đi lại 3,4 tỷ đồng. Chủ trương này đã nhận được sự đồng tình của các doanh nghiệp và người lao động, hàng nghìn lao động nông thôn ở các huyện Phù Yên, Mường La, Quỳnh Nhai đã trở thành công nhân của các nhà máy may công nghiệp, góp phần ổn định an sinh xã hội ở địa phương. Tại Hà Giang, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Vị Xuyên mỗi năm đào tạo nghề cho 400 đến 500 LĐNT. Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Vị Xuyên Phạm Đức Thụ cho biết, việc đào tạo nghề ngắn hạn cho LĐNT được thực hiện linh hoạt, căn cứ vào nhu cầu học nghề của người dân từng vùng, phù hợp với quy hoạch phân vùng phát triển kinh tế của huyện và các chương trình nông nghiệp trọng tâm. Năm 2018, ngoài đào tạo các nghề truyền thống thì trung tâm mở một số lớp đào tạo kỹ thuật trồng mía, vì hiện có nhiều địa phương trên địa bàn đang liên kết với các doanh nghiệp hình thành vùng nguyên liệu cho các nhà máy đường. Không chỉ ở Vị Xuyên, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở Hà Giang đều chú trọng đến công tác đào tạo ngắn hạn cho LĐNT, gắn với địa chỉ sử dụng. Các nghề được đào tạo chủ yếu là dệt thổ cẩm, đan lát thủ công, chế biến chè, sản xuất rượu, xây dựng, sửa chữa xe máy, kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi. Đầu năm 2017, chị Hoàng Thị Hợi, thôn Đông Mơ, xã Đông Minh, huyện Yên Minh tham gia khóa đào tạo dưới ba tháng về kỹ thuật chăn nuôi gia súc do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức. Sau học nghề, chị Hợi mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư chuồng trại phát triển chăn nuôi trâu, lợn. Đến nay, gia đình chị Hợi có khu chuồng trại kiên cố, trong chuồng luôn có hơn 20 con lợn thịt, đàn trâu gần chục con. Chị Hợi cho biết, nhờ học kỹ thuật chăn nuôi, chị đã hiểu kỹ thuật nuôi lợn sinh sản, kỹ thuật chăm sóc đàn lợn thịt, cách phòng tránh dịch bệnh cho gia súc, nhất là bảo vệ đàn trâu không bị dịch bệnh, không bị chết do đói, rét. Có thể nói, Đề án 1956 ra đời trong hoàn cảnh kinh tế nông nghiệp nông thôn miền núi đang có sự chuyển dịch tích cực, từng bước đáp ứng được nhu cầu đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho LĐNT, góp phần quan trọng giảm tỷ lệ đói nghèo, ổn định an sinh xã hội miền núi. Tuy nhiên, hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm ở nhiều nơi còn nhiều bất cập, gây thất thoát nguồn đầu tư và ngân sách nhà nước. Theo Nhân Dân |