Chợ tiêu thụ nông sản thực phẩm và trung tâm dịch vụ thương mại là công trình lớn đang thi công nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng thương mại của huyện Cao Phong.
Tuyến các xã vùng hồ Thung Nai, Bình Thanh có nhịp sống giao thương khu vực bến tàu, thuyền cũng không kém phần nhộp nhịp. Với các xã vùng cao Yên Thượng, Yên Lập so với cách đây dăm năm, việc cung ứng hàng hóa có sự cải thiện đáng kể cả về số lượng và chất lượng. Chị Bùi Thị Thợm ở xóm Rớm, xã Yên Thượng cho biết: Mặc dù xa trung tâm nhưng các hàng quán ngay tại xã không thiếu nên lúc cần đi mua cũng tiện lợi từ đồ ăn, thức uống đến thực phẩm, hàng may mặc và đồ dùng khác. Chưa kể, đội ngũ bán hàng dong, bán hàng lưu động từ vùng dưới lên đến từng nhà, hàng hóa đa dạng từ chiếu, đệm, dao, thớt, chổi đến thực phẩm hàng ngày như thịt, cá, đồ khô… Nói chung, về hàng hóa tiêu dùng mặc dù ở vùng sâu, vùng xa nhưng vẫn đủ và phong phú. Vì vậy, thỉnh thoảng tôi mới về chợ Dũng Phong hoặc về thị trấn Cao Phong để mua sắm.
Quy hoạch từ nay đến năm 2030, trên địa bàn huyện có 6 chợ, trong đó 1 chợ đầu mối nông sản đang xây dựng và 2 chợ chưa xây. 3 chợ đang hoạt động gồm chợ nông sản Bưng - thị trấn Cao Phong, chợ Bằng – Tây Phong và chợ Dũng Phong. Theo đồng chí Phạm Văn Thụy, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Cao Phong, thực trạng của các chợ vùng nông thôn hoạt động theo phiên, trong đó chợ Bưng, Bằng hoạt động 2 phiên/tuần, chợ Dũng Phong hoạt động 1 phiên/tuần. Về cơ cấu tổ chức, hiện nay, tại các chợ được giao cho doanh nghiệp hoặc hợp tác xã quản lý. Hạ tầng cơ sở các chợ tương đối đảm bảo nhờ có sự đầu tư của ngân sách Nhà nước. Cụ thể, chợ Dũng Phong đầu tư cải tạo, nâng cấp từ năm 2004 với kinh phí 7 tỷ đồng, chợ Bằng - xã Tây Phong đầu tư xây dựng năm 2014 với kinh phí 6 tỷ đồng, chợ Bưng - thị trấn Cao Phong đầu tư xây dựng năm 2006 với kinh phí 4,7 tỷ đồng. Bên cạnh một vài hạn chế, bất cập của các chợ do đặc thù hoạt động theo phiên, gây lãng phí nguồn lực đầu tư, chưa phát huy hết công năng thì 3/3 chợ hiện có đã đáp ứng cơ bản nhu cầu của người dân trên địa bàn về giao lưu, giao thương hàng hóa.
Đặc biệt, với mạng lưới các cửa hàng bán lẻ phân bố rộng khắp, hệ thống thương mại của huyện phát triển mạnh, bao gồm trên 500 cửa hàng, chủ yếu là cửa hàng kinh doanh thực phẩm, hàng tạp hóa… Trong đó, 140 cửa hàng do ngành NN & PTNT quản lý về thực phẩm, 122 cửa hàng do ngành Y tế quản lý và 230 cửa hàng do ngành Công Thương quản lý. Trên địa bàn có tới 11 cây xăng, hàng chục cửa hàng kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng. Hiện, 12/12 xã toàn huyện đã đạt tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn. Hoạt động của hệ thống thương mại nông thôn đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương, đồng thời đang tích cực khắc phục một vài tồn tại, hạn chế về công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát như vẫn còn có tình trạng bán hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ tại các chợ phiên. Lực lượng quản lý thị trường và các ngành liên quan đã và đang tăng cường kiểm tra, xử lý, nhắc nhở kịp thời uốn nắn, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới các hộ sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp bán lẻ về an toàn thực phẩm, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.
Bùi Minh