Tỉnh ta đã huy động hàng trăm tỷ đồng đầu tư hạ tầng đô thị TP Hòa Bình, thực hiện mục tiêu nâng cấp thành đô thị loại 2 vào năm 2020. Ảnh: Đường Chi Lăng kéo dài được đầu tư đồng bộ kết nối với Trung tâm Quảng trường Hòa Bình.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện trong 3 năm (2016-2018) đạt khoảng 37.048 tỷ đồng, bình quân hằng năm đạt 12.348 tỷ đồng. Trong đó vốn đầu tư khu vực Nhà nước chiếm 33,02%; vốn đầu tư của người dân và doanh nghiệp dân doanh chiếm 60,58%, còn lại khu vực có vốn FDI chiếm khoảng 6,4%. Qua đó đã cải thiện đáng kể kết cấu hạ tầng KT-XH của tỉnh. Nhiều công trình giao thông quan trọng đã và đang được đầu tư cải tạo, nâng cấp như đường Hoà Lạc - Hoà Bình, mở rộng, nâng cấp quốc lộ 6, quốc lộ 21, quốc lộ 12B, đường 433 (km 0 - km 23), đường 431 (Chợ Bến - Quán Sơn), đường 438B, đường tỉnh 435, đường liên huyện vùng cao Lạc Sơn, Tân Lạc, các công trình giao thông nông thôn...
Đô thị trung tâm TP Hòa Bình tiếp tục được đầu tư nâng cấp, mở rộng thực hiện mục tiêu nâng cấp lên đô thị loại II vào năm 2020. Toàn tỉnh có 11 thị trấn là đô thị loại V, đang ưu tiên đầu tư nâng cấp thị trấn Mai Châu và thị trấn Lương Sơn lên đô thị loại IV và TP Hoà Bình lên đô thị loại III; tỷ lệ đô thị hoá đến hết năm 2018 ước đạt 20,97%.
Tỉnh đã hoàn thành lập và công bố quy hoạch chi tiết 8 KCN, 15 CCN với tổng diện tích 1.880 ha; giao chủ đầu tư hạ tầng được 8 KCN. Trong đó có KCN Lương Sơn và bờ trái sông Đà cơ bản hoàn thành các hạng mục hạ tầng kỹ thuật. Tỷ lệ lấp đầy diện tích KCN Lương Sơn đạt 81,5% diện tích, KCN bờ trái sông Đà đạt 57,3% diện tích, KCN Nam Lương Sơn khoảng 60,03% diện tích và KCN Mông Hoá khoảng 16,27% diện tích.
Hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh được đầu tư đáp ứng tốt hơn nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân với số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99,6%. Toàn tỉnh hiện có 93 chợ và 2 trung tâm thương mại góp phần quan trọng thúc đẩy giao thương. Cơ sở vật chất y tế, giáo dục, văn hóa - xã hội cũng được chú trọng đầu tư. Số phòng kiên cố chiếm 83,7%, phòng học bán kiên cố chiếm 15,1%.
Tỉnh đang đầu tư xây dựng mới Khoa Nội và chống nhiễm khuẩn (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) với tổng vốn đầu tư trên 220 tỷ đồng; dự án xử lý nước thải bệnh viện tổng vốn đầu 65 tỷ đồng; Bệnh viện y học cổ truyền có tổng mức đầu tư 82 tỷ đồng, nâng tổng số giường bệnh lên 150 giường; đầu tư trang thiết bị cho bệnh viện tuyến huyện 250 tỷ đồng; đã và đang đầu tư xây dựng trên 50 trạm y tế cấp xã. Đến nay đã có 10 huyện, thành phố có nhà văn hóa, 50% huyện có trụ sở thư viện; 7 huyện có sân vận động và nhà thi đấu TD-TT, 41 xã có nhà văn hoá theo tiêu chí của Bộ; 85% thôn, bản có nhà văn hoá…
Mặc dù vậy, đầu tư kết cấu hạ tầng KT-XH của tỉnh còn nhiều khó khăn. Việc huy động vốn đầu tư trên địa bàn còn nhiều bất cập, chưa thu hút được những nhà đầu tư lớn. Việc phát triển hạ tầng kỹ thuật phụ thuộc chủ yếu vào nguồn ngân sách Nhà nước. Tỉnh chưa thu hút được nguồn vốn ngoài ngân sách để thực hiện dự án theo các hình thức PPP. Hệ thống hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ, kết nối kém, nhất là giao thông đối ngoại, giao thông nông thôn cấp hạng kỹ thuật thấp. Hạ tầng thông tin còn thiếu thiết bị; việc ứng dụng công nghệ thông tin quản lý, điều hành thấp… Bên cạnh đó, với đặc thù gần một nửa diện tích của tỉnh là địa hình hiểm trở, đồi núi cao, khó có thể phát triển sản xuất nông nghiệp đại trà cũng như các KCN tập trung quy mô lớn. Đây cũng là trở ngại cho phát triển hạ tầng giao thông và thông thương thị trường nội tỉnh, giao lưu kinh tế với các địa phương khác.
Tỉnh ta đang thực hiện các giải pháp nhằm huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH. Tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng bằng các hình thức phù hợp, giảm tỷ trọng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Chủ động phối hợp với các bộ, ngành T.Ư và các chủ đầu tư thúc đẩy nhanh các công trình hạ tầng giao thông như: tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình, quốc lộ 15, quốc lộ 70B, tuyến cao tốc TP Hòa Bình - Mộc Châu (Sơn La)… Huy động các nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch, đặc biệt là Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình, Điểm du lịch quốc gia Mai Châu. Tập trung vận động, thu hút một số doanh nghiệp lớn, công nghệ cao, công nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp điện tử... để tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế, từ đó mang lại tác động lan tỏa, lôi cuốn các doanh nghiệp khác vào đầu tư sản xuất, kinh doanh. Ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật các KCN, quan tâm đầu tư kết nối hạ tầng ngoài hàng rào KCN; nâng tỷ lệ lấp đầy diện tích các KCN. Tiếp tục thúc đẩy triển khai đầu tư cải tạo lưới điện, bảo đảm cung ứng điện một cách tốt nhất với chất lượng phục vụ ngày càng cao, đáp ứng nhu cầu thiết yếu sản xuất và đời sống của người dân.
Lê Chung