Chị Bùi Thị Tưới là một trong những thành viên của nhóm liên kết chăn nuôi gà xã Kim Truy (Kim Bôi) đang gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm.
Nhóm liên kết chăn nuôi gà xã Kim Truy chính thức được thành lập vào tháng 8/2018. Thành viên trong nhóm được tham dự 7 lớp tập huấn, mỗi lớp từ 3 - 5 ngày, bao gồm: lớp marketing, liên kết thị trường, đối thoại chính sách, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi… Các lớp đều được gắn với nội dung bình đẳng giới. Ngoài ra, ChildFund còn hỗ trợ các thành viên đi thăm quan thực tế nhóm liên kết chăn nuôi gà Tứ Hải, tỉnh Quảng Trị nhằm nâng cao kinh nghiệm chăn nuôi từ những mô hình đã thành công. Những ngày đầu thành lập, nhóm được hỗ trợ 2,5 triệu đồng/hộ với lãi suất 1%. Gần đây, nhóm hỗ trợ vay không lãi suất, mỗi hộ 6 triệu đồng, vốn quay vòng trong nhóm.
Chị Bùi Thị Tưới, trưởng nhóm liên kết cho biết: Hơn 4.000 con gà của nhóm là gà bán chăn thả, tức là phải có chuồng nuôi và vườn rộng để thả. Thức ăn chủ yếu là ngô (chiếm 2/3 lượng thức ăn) còn lại là thóc, rau, củ và cây chuối. Nhóm có quy định sẽ vào gà 2 lần, ngày 15 và 30 hàng tháng, mỗi lần vào gà từ 300 - 500 con cho cả nhóm. Gia đình chị Tưới hiện có khoảng gần 500 con gà. Một năm nuôi 4 - 5 lứa, mỗi lứa từ 300 - 500 con. Khi xuất chuồng, gà trống được khoảng 2 kg và gà mái khoảng 1,6 kg. Giá đến bắt tận vườn từ 80.000 - 85.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, gia đình chị lãi khoảng 4 - 5 triệu đồng/100 con.
Hiện chưa có doanh nghiệp đứng ra bao tiêu sản phẩm nên việc tìm hướng tiêu thụ ổn định, lâu dài sản phẩm gà thịt còn gặp nhiều khó khăn. Gà đến thời điểm xuất chuồng chủ yếu do các thành viên tự tìm đầu ra hoặc bán nhỏ lẻ cho các gia đình trong xã. Có một số doanh nghiệp muốn bao tiêu sản phẩm nhưng họ thu mua với giá chỉ bằng gà nuôi bằng cám công nghiệp nên các thành viên trong nhóm không đồng ý. Hiện tại, nhóm có khả năng nuôi với quy mô lớn hơn nhưng chưa có nơi tiêu thụ ổn định nên các gia đình khá dè dặt trong việc quyết định số lượng gà nuôi.
Chị Tưới cho biết thêm: Số lượng gà nuôi nhiều hay ít phụ thuộc vào thị trường và thương lái. Trong khi người tiêu dùng vẫn ưa dùng các sản phẩm từ gà nuôi bằng ngô, thóc hơn là gà nuôi bằng cám công nghiệp. Ví dụ như dịp Tết, nhu cầu lớn nên số lượng gà nuôi cũng tăng lên. Khi nhu cầu thị trường giảm, quy mô đàn vật nuôi cũng giảm theo, một số hộ phải ngừng nuôi do không tiêu thụ được, thua lỗ. Thời điểm khan hiếm gà thì thương lái đến thu mua bằng với giá thị trường, nhưng khi nhiều gà lại bị ép giá. Bán thì giá thấp mà không bán sẽ không đủ chi phí để tiếp tục nuôi những lứa tiếp theo. Một phần cũng là do các hộ, nhóm và các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm chưa liên kết chặt chẽ.
Chị Bùi Thị Nga, xóm Bái Mu, xã Kim Truy chia sẻ: Gia đình tôi cũng nuôi gà nhưng số lượng ít. Gà đủ điều kiện xuất chuồng rồi vẫn không biết bán đi đâu. Nếu tìm được đầu ra ổn định, tôi sẽ gia nhập nhóm, mở rộng quy mô và tăng số lượng hơn nữa.
Linh Nhật
(HBĐT) - Những năm qua, các cấp chính quyền xã Ngọc Mỹ (Tân Lạc) đã triển khai nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả, tạo việc làm cho người lao động, giúp xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập. Trong đó, nghề làm nón phát triển mạnh, đem lại nguồn thu đáng kể cho nhiều gia đình.