UBND tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư và nhà thầu thi công đường 435 (Bình Thanh - Ngòi Hoa) bảo đảm kế hoạch giải ngân năm 2018.
Kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh đang được vận hành theo nguyên tắc bố trí thứ tự ưu tiên: thanh toán cho nợ xây dựng cơ bản, các dự án chuyển tiếp, đối ứng dự án sử dụng vốn ODA, hạn chế khởi công mới. Riêng đối với các dự án mới, thực hiện kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô của từng dự án đầu tư theo đúng mục tiêu, lĩnh vực, chương trình kế hoạch đã phê duyệt, chỉ đầu tư khi xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ở từng cấp ngân sách.
Trong 3 năm (từ 2016 - 2018), tổng số kế hoạch vốn đầu tư công đã phân bổ là 8.037 tỷ đồng; số vốn đã bố trí để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản là 132,3 tỷ đồng; số dự án được bố trí vốn để hoàn thành là 94 dự án. Đặc biệt, trong hai năm 2017, 2018, chỉ có 31 dự án quan trọng, cấp bách sử dụng vốn ngân sách tỉnh (61.000 triệu đồng), 1 dự án sử dụng vốn ngân sách T.Ư và 1 dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ khởi công mới. Theo Sở KH&ĐT, việc thực hiện nghiêm túc chỉ đạo tái cơ cấu đầu tư công đã từng bước khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, nợ đọng xây dựng cơ bản, hạn chế phát sinh nợ mới.
Thực hiện chủ trương, kế hoạch phát triển vùng động lực, tỉnh đã ưu tiên phân bổ ngân sách, phân chia nguồn thu cho các huyện thuộc vùng động lực. Về chi sự nghiệp phát triển kinh tế, phân bổ cho TP Hòa Bình, huyện Lương Sơn cao hơn 1,5%, huyện Kỳ Sơn cao hơn 1%, huyện Lạc Thủy cao hơn 0,5% so với các huyện còn lại. Hằng năm, đô thị TP Hòa Bình được phân bổ 12.750 triệu đồng, thị trấn Lương Sơn được phân bổ 5.000 triệu đồng, đã góp phần quan trọng đầu tư kết cấu hạ tầng, nâng cấp đô thị ở các địa phương này.
Có thể thấy, hạ tầng kỹ thuật đô thị trung tâm TP Hòa Bình được cải thiện rõ nét. Nhiều công trình, dự án quan trọng được đầu tư, đưa vào khai thác như Trung tâm đa chức năng Quỳnh lâm, đê Quỳnh Lâm kết hợp giao thông, đường Lý Thái Tổ, đường Nguyễn Văn Trỗi, hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng... Nhiều khu dân cư mới, trung tâm thương mại được đầu tư và đưa vào sử dụng, như: Khu trung tâm thương mại bờ trái sông Đà, khu dân cư Bắc Trần Hưng Đạo, khu dân cư cảng Chân Dê, An Cư Xanh... Kết cấu hạ tầng đô thị ở nhiều thị trấn cũng đang được cải thiện thông qua các dự án đầu tư như: khu dân cư, thương mại và chợ trung tâm ở huyện Lương Sơn; khu dân cư Đầm Cống Tranh, huyện Kỳ Sơn. Các thị trấn huyện lỵ đều đã lập và điều chỉnh quy hoạch, từng bước được đầu tư nâng cấp. Đến nay, toàn tỉnh có 11 thị trấn là đô thị loại V, đang ưu tiên đầu tư nâng cấp thị trấn Mai Châu và thị trấn Lương Sơn lên đô thị loại IV và TP Hoà Bình lên đô thị loại III; tỷ lệ đô thị hoá đến hết năm 2018 ước đạt 20,97%. Tỉnh cũng tập trung huy động các nguồn lực đầu tư các tuyến đường kết nối vùng động lực với TP Hà Nội.
Những năm qua, tỉnh đã dành 509 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách Nhà nước để đầu tư trục giao thông chính, khu xử lý nước thải, xây dựng công trình điện, đền bù tạo quỹ đất sạch tại khu công nghiệp Mông Hóa, khu công nghiệp bờ trái sông Đà, khu công nghiệp Yên Quang. Thu hút đầu tư tại vùng động lực, đặc biệt là các khu công nghiệp có bước phát triển, nhiều dự án đầu tư đã đưa vào khai thác. Vùngđộng lực đã trở thành tâm điểm thu hút đầu tư, có đóng góp tích cực vào phát triển KT-XH của tỉnh và có tác động lan tỏa nhất định đối với các địa phương khác trong tỉnh.
Nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư từ ngân sách, tỉnh đang chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 theo hướng trọng tâm, không dàn trải, đảm bảo hiệu quả theo đúng quy định của Luật Đầu tư công; ưu tiên đầu tư các dự án quan trọng của tỉnh, các dự án đáp ứng nhu cầu bức thiết của nhân dân; hoãn, giãn tiến độ thực hiện một số công trình, dự án chưa thực sự cấp bách, phù hợp với nguồn lực đầu tư của tỉnh. Tỉnh kịp thời rà soát, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm, đảm bảo nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Các cấp, ngành chức năng tăng cường giải pháp, đơn giản thủ tục để rút ngắn thời gian kiểm soát chi, thanh toán ngay cho các dự án đầu tư khi có khối lượng thực hiện và có đủ điều kiện giải ngân. Tỉnh đang xây dựng và triển khai chính sách thu hút vốn đầu tư có tính đột phá cao; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, hỗ trợ, khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp; xã hội hóa đầu tư, đặc biệt quan tâm đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); có cơ chế giám sát, quản lý và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư với từng dự án. Triển khai chương trình hành động số 14-CTr/TU ngày 17/12/2012 của Tỉnh ủy; Đề án phát triển kế cấu hạ tầng đồng bộ giai đoạn 2016 - 2030 định hướng đến năm 2030. Huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH, ưu tiên đầu tư phát triển vùng động lực, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông liên vùng, giao thông nông thôn; hạ tầng khu, cụm công nghiệp, khu, điểm du lịch quốc gia. Tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng bằng các hình thức phù hợp, giảm tỷ trọng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành T.Ư và các chủ đầu tư để thúc đẩy nhanh các công trình hạ tầng giao thông như: tuyến đường Hòa Lạc - TP Hòa Bình, quốc lộ 15, quốc lộ 70B, tuyến cao tốc TP Hòa Bình - Mộc Châu (Sơn La)...
L.C
(HBĐT) - Ngày 29/11, tại xã Tân Sơn (Mai Châu), Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tổ chức hội nghị tổng kết mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm rau các loại đảm bảo ATTP áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP.