Dự án trồng cây sachi do Công ty cổ phần Inca Việt Nam liên kết với nông dân tại 10 huyện, thành phố được đánh giá có hiệu quả kinh tế so với nhiều loại cây trồng khác. Đến nay, vùng nguyên liệu của Công ty phát triển được 100 ha, trong đó 50 ha đang cho thu hoạch. Sachi được coi là loại cây đa công dụng. Các bộ phận của cây từ hạt, thân, lá, rễ đều được sử dụng để chế biến thực phẩm, mỹ phẩm và dược phẩm. Đặc biệt, cây sachi trồng 1 lần cho thu hoạch từ 15 - 20 năm. Được biết, đối với loại cây này, trong năm thứ nhất năng suất bình quân đạt từ 1 - 1,3 tấn/ha quả khô và đạt trên 3 tấn từ năm thứ 3 trở đi. Lợi nhuận trung bình mỗi năm từ 150 - 200 triệu đồng/ha. Thành công bước đầu của cây sachi mở ra hướng đi mới cho ngành nông nghiệp trong tỉnh. Việc phát triển trồng cây sachi góp phần không nhỏ tạo ra sản phẩm cây trồng chủ lực, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.
Hiện, toàn tỉnh trồng hơn 100 ha cây sachi, cho hiệu quả kinh tế cao gấp 3 lần trồng lúa. Ảnh: Người dân xã Dân Hạ (Kỳ Sơn) chăm sóc cây sachi.
Trong chiến lược phát triển cây dược liệu của tỉnh, giai đoạn 1 của dự án sẽ tập trung nguồn lực mở rộng diện tích cây dược liệu hàng hóa trên đất trồng cây hàng năm để xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất cây dược liệu của tỉnh. Quy hoạch cây dược liệu đến năm 2025 sẽ phát triển 24 chủng loài cây dược liệu có thế mạnh của tỉnh với diện tích 2.815 ha. Trong đó, huyện Tân Lạc quy hoạch diện tích trồng cây dược liệu lớn nhất tỉnh là 1.442 ha với các loại sả, sa chi, giảo cổ lam, xạ đen, huyết đẳng, hà thủ ô. Huyện Mai Châu quy hoạch 34 ha với các loại cây dược liệu như cà gai leo, sachi, sa nhân, hà thủ ô, đương quy. Huyện Cao Phong quy hoạch 130 ha với cây dược liệu chính là sả và xạ đen. Thành phố Hòa Bình quy hoạch 10 ha trồng sả, sa chi, xạ đen, giảo cổ lam. Huyện Lạc Sơn quy hoạch 204 ha với các loại cây: xạ đen, khôi đỏ, lược vàng, sâm cau. Huyện Đà Bắc quy hoạch 105 ha trồng giảo cổ lam, cà gai leo, xạ đen, linh chi, khôi nhung. Huyện Kim Bôi huy hoạch 137 ha trồng xạ đen, giảo cổ lam, sả, sa nhân, bình vôi. Huyện Yên Thủy quy hoạch 205 ha với các loại cây: cà gai leo, xạ đen, sả, hoài sơn. Huyện Lạc Thủy quy hoạch 325 ha trồng hồng sâm, đẳng sâm, đương quy, đinh lăng, xạ đen, hoài sơn, huyết đằng, hà thủ ô, ba kích tím và đơn lá đỏ. Huyện Lương Sơn quy hoạch 46 ha trồng cà gai leo, xạ đen. Huyện Kỳ Sơn quy hoạch 117 ha với các loại cây dược liệu hiện có trên địa bàn như sả, nghệ, sachi, ngải cứu, cà gai leo và đưa các loại cây có giá trị vào trồng thử nghiệm như hồng sâm, giảo cổ lam, đinh lăng, củ bình vôi...
Tổng vốn đầu tư thực hiện dự án là 1.200,378 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước 415,331 tỷ đồng, vốn huy động từ người dân, các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất cây dược liệu 785,047 tỷ đồng. Vốn đầu tư sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng; đầu tư cho khoa học công nghệ, khuyến nông, đào tạo và các chi phí trực tiếp cho sản xuất cây dược liệu. Ngoài ra, đầu tư cho xúc tiến thương mại, quản lý chất lượng vùng dược liệu.
Như vậy, khi quy hoạch được triển khai, hàng năm sẽ cung cấp cho thị trường lượng dược liệu gấp 10 - 12 lần so với hiện tại, từ đó góp phần đáp ứng được nhu cầu về thuốc chữa bệnh và nâng cao sức khoẻ cho người tiêu dùng. Khi sản xuất cây dược liệu phát triển sẽ tạo ra khoảng 6 triệu công lao động, tương đương với khoảng 16 nghìn lao động thường xuyên trên địa bàn tỉnh. Đây là lực lượng lao động rất lớn tại vùng nông thôn sẽ có thêm việc làm và mức thu nhập ngày càng được nâng cao, góp phần cải thiện đời sống cho người dân tại các vùng quy hoạch.
Việc xây dựng các vùng cây dược liệu phát triển ổn định, lâu dài sẽ góp phần nâng cao giá trị kinh tế trên diện tích canh tác, tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho người lao động, góp phần bảo vệ sức khoẻ cho người sản xuất, người tiêu dùng và môi trường sinh thái.
Đinh Thắng