Từ vốn vay ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội, người dân xã Dân Hạ (Kỳ Sơn) đầu tư phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững.
Với phương thức cho vay ủy thác từng phần qua các tổ chức chính trị - xã hội, Ngân hàng CSXH tỉnh và các hội, đoàn thể đã xây dựng được mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn đến 100% thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh để tập hợp hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng chính sách có nhu cầu vay vốn Ngân hàng CSXH đầu tư phát triển sản xuất, tạo việc làm, cải thiện đời sống. Hiện, các hội, đoàn thể đang quản lý 2.819 tổ tiết kiệm và vay vốn, trong đó có 2.632 tổ tiết kiệm và vay vốn không có nợ quá hạn. Cùng với đó, mạng lưới hoạt động điểm giao dịch cố định tại 210 xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh đã tạo điều kiện giúp người dân dễ tiếp cận các dịch vụ Ngân hàng CSXH. Thủ tục vay vốn đơn giản, vốn tín dụng được giải ngân đến tận tay người nghèo, giúp nguồn vốn chính sách đến nhanh, đúng đối tượng thụ hưởng, nhất là ưu tiên vốn cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đến nay, Ngân hàng CSXH tỉnh đang triển khai 16 chương trình tín dụng chính sách, tổng dư nợ trên 2.931 tỷ đồng với 139.136 khách hàng còn dư nợ. Tỷ lệ nợ quá hạn chiếm 0,14% tổng dư nợ. Riêng 3 chương trình giảm nghèo ảnh hưởng lớn trong xã hội là chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo chiếm trên 50% tổng dư nợ, đã lấp đầy khoảng trống chính sách, đảm bảo cho hộ nghèo giảm nghèo bền vững.
Năm 2018, nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đã giúp 38.700 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn đầu tư phát triển kinh tế, phục vụ đời sống. Nguồn vốn chính sách đã góp phần tạo việc làm mới cho 3.063 lao động, giúp 207 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; xây dựng mới, sửa chữa 9.820 công trình nước sạch, 9.485 công trình vệ sinh tại vùng nông thôn; xây dựng mới 1.054 nhà ở cho hộ nghèo; hàng nghìn hộ dân tại vùng khó khăn được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Thông qua nguồn tín dụng chính sách giúp hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số… làm quen với cơ chế thị trường, sản xuất hàng hóa, từng bước vượt qua khó khăn để phát triển kinh tế, ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống, hạn chế tình trạng tín dụng đen, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2018 còn 14,74%, giảm 3,1% so với cuối năm 2017.
Đồng chí Vũ Đình Đoài, Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh cho biết: Ngân hàng CSXH tỉnh sẽ tiếp tục tranh thủ nguồn vốn T.Ư, nguồn vốn địa phương, phối hợp các hội, đoàn thể tập trung rà soát đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn để mở rộng cho vay, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho hộ vay. Tăng cường tuyên truyền về các chương trình tín dụng chính sách đến với người dân, phối hợp với các cấp, các ngành làm tốt công tác khuyến nông, khuyến lâm, hướng dẫn hộ vay làm ăn, phát triển sản xuất vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, đề nghị chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể tăng cường tuyên truyền trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tiết kiệm, chi tiêu phù hợp với điều kiện kinh tế của từng hộ, tổ chức sản xuất, tích lũy vốn để tái đầu tư sản xuất, góp phần nâng cao đời sống cho người dân và hạn chế việc cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn.
Đinh Thắng
(HBĐT) -Ngày 18/2, UBND huyện Lương Sơn tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2019.