Tổ hợp tác chăn nuôi gà xóm Đam, xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn) có nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh để tăng thu nhập, tạo việc làm cho lao động địa phương.
Nhóm sở thích chăn nuôi gà bản địa xóm Đam, xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn) thành lập cuối năm 2016. Nhóm tập hợp, thu hút 8 thành viên. Quá trình sinh hoạt, các thành viên chủ yếu hỗ trợ nhau về kiến thức kỹ thuật, vốn đầu tư cho sản xuất do các hộ thành viên tự xoay sở. Nhận thức của thành viên về vai trò của kinh tế tập thể, tác động xã hội doanh nghiệp có thể mang lại cho cộng đồng chưa cao, năng lực quản lý nhóm còn hạn chế. Qua trao đổi với trưởng nhóm Bùi Văn Linh, từ khi có Dự án SERD can thiệp, hoạt động của nhóm sở thích được nâng lên về chất lượng, hiệu quả công việc. Bên cạnh việc được đi thăm các mô hình, tập huấn kỹ thuật sản xuất, kinh doanh, maketing và bán hàng, các thành viên đã nhận thức được việc cần thiết phát triển về mặt tổ chức, từ nhóm sở thích thành tổ hợp tác để có thể thu hút sự quan tâm của các cấp chính quyền và đối tác kinh doanh, nhằm tăng giá trị của sản phẩm. Cuối năm 2018, tổ hợp tác được dự án hỗ trợ vốn, hạt giống làm hệ thống máng nước tự động, giúp ích rất nhiều trong việc giảm thiểu sức lao động và tăng cường hiệu quả chăn nuôi.
Tổ hợp tác trồng bưởi đỏ xóm Tân Hương 1, xã Thanh Hối (Tân Lạc) thành lập năm 2016 với 14 thành viên. Tổ sinh hoạt chủ yếu giúp nhau chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cây ăn quả có múi và hỗ trợ thông tin giá cả thị trường. Tổ có 28 lao động sản xuất trực tiếp (độ tuổi từ trung niên trở lên) được các thành viên thuê tại địa phương theo hình thức công nhật (150.000 đồng/người/ngày). Theo ông Dương Tất Tính, tổ trưởng tổ hợp tác, thông qua hỗ trợ về thông tin, phương pháp tiếp cận thị trường của Dự án, tổ hợp tác được nâng cao nhận thức, kiến thức liên quan đến kinh doanh, năng lực kỹ thuật sản xuất sạch, an toàn thực phẩm và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Ngoài ra, tổ hợp tác cũng được hỗ trợ một phần vốn mua công nghệ máy rửa bưởi mi ni giúp hoàn thiện bưởi thành phẩm sạch hơn, mẫu mã đẹp hơn, tăng thêm giá trị trên thị trường.
Tương tự, nhóm sở thích chăn nuôi gà đồi xóm Mu, xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn) do anh Bùi Văn Thiết là trưởng nhóm với 5 hộ tham gia; HTX nông lâm nghiệp xã Bảo Hiệu (Yên Thủy) do anh Bùi Quý Hợi đang trực tiếp quản lý, điều hành cũng nhận được sự can thiệp của dự án. Đến thời điểm này, tại 3 huyện can thiệp (Tân Lạc, Yên Thủy, Lạc Sơn), dự án đã triển khai hỗ trợ chuyên sâu đối với 16 đơn vị sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ và du lịch. Đây là các DNXH hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc siêu nhỏ, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, nhóm kinh doanh tại khu vực cộng đồng có thu nhập thấp, vùng sâu, vùng xa.
Bên cạnh những tác động xã hội tích cực của DNXH tạo ra, các DNXH đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, nhất là khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Hầu hết mới được tiếp cận vốn Ngân hàng NN&PTNT với mức vay tối đa 50 triệu đồng/hộ. Những thách thức khác như nguồn nhân lực, vấn đề tiếp cận thị trường, một số rào cản về hành chính, chế độ ưu đãi, hỗ trợ... Mặc dù DNXH đã được quy định trong Luật Doanh nghiệp năm 2014, nhưng khái niệm DNXH ở địa phương hiện còn khá mới mẻ đối với các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như người dân, cộng đồng. Để DNXH phát triển, có lợi nhuận tốt, đóng góp nhiều hơn trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của nhóm yếu thế ở vùng sâu, vùng xa, các khu vực khó khăn rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các nhà hoạch định chính sách địa phương, cộng đồng và các bên liên quan. Nguyện vọng của các DNXH là được tham gia hướng dẫn sản xuất sản phẩm sạch, cùng xây dựng và phát triển thương hiệu. Các cơ quan, tổ chức hỗ trợ tập huấn về kỹ thuật và phát triển kinh doanh, đặc biệt là tăng cường hỗ trợ vay vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh...
Bùi Minh