(HBĐT) -Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được huyện Lạc Sơn chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới (NTM) và tái cơ cấu ngành nông nghiệp.


HTX dệt thổ cẩm Lục Nghiệp Thành, xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn) khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống, góp phần tạo việc làm và thu nhập cho lao động nông nhàn.

Thực hiện chủ trương của tỉnh về xây dựng "mỗi xã, phường một sản phẩm", huyện Lạc Sơn đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện, tuyên truyền và khuyến khích các tổ chức kinh tế trên địa bàn các xã, thị trấn tham gia. Huyện chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng sản phẩm đặc trưng đảm bảo các tiêu chí như lợi thế về nguồn gốc, thế mạnh của địa phương và sản phẩm phải có tính bền vững.  

Theo đó, giai đoạn 2018-2020, huyện Lạc Sơn đăng ký 5 sản phẩm là: hạt dổi Lạc Sơn của HTX Cung ứng cây dổi và dịch vụ nông nghiệp xã Chí Đạo; dệt thổ cẩm làng Lục của HTX Nông nghiệp và dệt thổ cẩm Lục Nghiệp Thành, xã Yên Nghiệp; gà Lạc Sơn của HTX chăn nuôi gà đồi xã Hương Nhượng; cam Lạc Sơn của HTX Trồng và tiêu thụ cam Lạc Sơn, phố Ốc, xã Thượng Cốc; du lịch sinh thái thác Mu Lạc Sơn thuộc xã Tự Do. Trong đó, sản phẩm hạt dổi Lạc Sơn là nông sản đầu tiên của huyện được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể năm 2015. 

Đối với sản phẩm cam, 5 năm trở lại đây, diện tích cây ăn quả có múi trên địa bàn huyện Lạc Sơn tăng mạnh. Đến hết năm 2018, toàn huyện có 683 ha, trong đó diện tích cam 357 ha. Diện tích cây có múi đã cho thu hoạch 217 ha, có 128 ha cam. Bước đầu hình thành các vùng cây có múi tập trung ở các xã: Hương Nhượng, Thượng Cốc, Tân Mỹ, Mỹ Thành, Văn Sơn, Bình Chân… Theo nguyện vọng của các hộ làm ra sản phẩm, huyện đang tiến hành các bước khảo sát và xúc tiến thương hiệu cho sản phẩm cam, quýt Lạc Sơn. 

HTX gà đồi xã Hương Nhượng chủ yếu nuôi giống gà ri bản địa, gà mía Sơn Tây quy mô hơn 1 vạn con. Hiện, nhãn hiệu tập thể gà Lạc Sơn đang chờ được công nhận. Trong quá trình xây dựng thương hiệu, thông qua tuyên truyền, vận động, chăn nuôi gà tại hộ gia đình trên địa bàn phát triển mạnh cả về chất lượng, quy mô. 

Đối với sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống của xã Yên Nghiệp có 500 khung dệt. Mỗi năm sản xuất trên 50.000 sản phẩm thổ cẩm như: váy, áo, mũ, khăn... phục vụ nhu cầu người dân trong địa bàn và các vùng lân cận. Việc được công nhận làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm đã tạo động lực cho chị em gắn bó hơn với nghề. 

Với vẻ hoang sơ, những năm gần đây, thác Mu - xã Tự Do là địa chỉ du lịch thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Năm 2017, Chủ tịch UBND tỉnh công nhận, xếp hạng di tích danh thắng cấp tỉnh thác Mu là động lực để khai thác hiệu quả giá trị danh thắng cảnh, thu hút ngày càng nhiều du khách đến thăm quan du lịch. Năm 2018, khoảng 30.000 lượt khách thăm quan, du lịch vào địa bàn huyện, trong đó có 1.000 lượt khách nước ngoài, doanh thu dịch vụ từ du lịch đạt trên 6 tỷ đồng, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho trên 100 lao động địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển KT- XH.

Đồng chí Nguyễn Huy Nhuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn cho biết: Là chương trình mới, lần đầu tiên được triển khai thực hiện trên địa bàn, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với những ưu điểm vượt trội, Chương trình OCOP được đánh giá là hướng đi đúng, là một trong những giải pháp cụ thể để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, phù hợp với nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng NTM, nâng cao giá trị sản xuất và xây dựng thương hiệu nông nghiệp riêng của Lạc Sơn. Năm 2019, huyện đã xây dựng kế hoạch để tiếp tục thực hiện, tăng cường tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm của địa phương, khuyến khích các tổ chức kinh tế, HTX trên địa bàn tiếp tục tham gia thực hiện đề án OCOP trong những năm tiếp theo.

                                                                                          Bài, ảnh: Đinh Thắng


Các tin khác


Thành công từ mô hình trang trại tổng hợp

(HBĐT) -Năng động, sáng tạo và chịu khó học hỏi trong phát triển kinh tế, đó là những bí quyết giúp anh Lê Thanh Lịch ở xóm Mời Mít, xã Yên Mông (TP Hòa Bình) thành công. Sau 6 năm kiên trì đầu tư, phát triển, hiện, trang trại gia đình anh có quy mô thuộc loại lớn nhất trên địa bàn. Ngoài phát triển kinh tế gia đình, trang trại, anh đã tạo việc làm cho nhiều lao động, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.

Agribank Hòa Bình vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn

(HBĐT) - Thời gian qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh Hòa Bình (Agribank Hòa Bình) luôn quan tâm đến việc thực thi chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (NNNT) trong tỉnh. Nhờ đó, góp phần thúc đẩy NNNT trên địa bàn phát triển mạnh mẽ. Phóng viên Báo Hòa Bình đã có cuộc trao đổi với đồng chí Ngô Quang Lợi, Phó Giám đốc Agribank Hòa Bình về vấn đề này.

Tuyền truyền, tư vấn về quyền của người tiêu dùng tại huyện Mai Châu

(HBĐT) - Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh phối hợp Chi hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Đội QLTT huyện Mai Châu vừa tổ chức buổi tuyên truyền, tư vấn về quyền của người tiêu dùng tại chợ cụm xã Bao La.

Tăng giá điện - tăng ý thức tiết kiệm điện

(HBĐT) - Theo Quyết định mới ban hành của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân trên cả nước: Từ ngày 20/3/2019, giá bán lẻ điện bình quân được áp dụng là 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế GTGT). Trong đó, giá bán lẻ điện sinh hoạt được chia làm 6 bậc, theo cách tính lũy tiến, bậc cao nhất có giá 2.927 đồng/kWh, thấp nhất 1.678 đồng/kWh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục