(HBĐT) - Theo Quyết định mới ban hành của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân trên cả nước: Từ ngày 20/3/2019, giá bán lẻ điện bình quân được áp dụng là 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế GTGT). Trong đó, giá bán lẻ điện sinh hoạt được chia làm 6 bậc, theo cách tính lũy tiến, bậc cao nhất có giá 2.927 đồng/kWh, thấp nhất 1.678 đồng/kWh.
Người dân nộp tiền điện tại Điện lực TP Hòa Bình và chủ động tìm hiểu các thông tin liên quan đến cách tính giá điện sinh hoạt mới áp dụng từ ngày 20/3/2019.
Theo tính toán của Bộ Công Thương, với việc tăng giá điện như trên, mỗi tháng, người dân sẽ phải trả thêm từ 7.000 - 77.000 đồng tiền điện. Cụ thể, khách hàng sử dụng dưới 50 kWh/tháng sẽ phải trả thêm hơn 7.000 đồng, 100 kWh là hơn 14.000 đồng, 200 kWh là gần 32.000 đồng, 300 kWh là hơn 53.000 đồng, 400 kWh là hơn 77.000 đồng. Với các hộ dùng điện cho kinh doanh, bình quân mỗi khách hàng phải trả thêm 500.000 đồng/tháng.
Đón nhận thông tin trên, phóng viên Báo Hòa Bình đã thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ. Kết quả, những người được khảo sát đều có chung nhận thức: Tăng giá điện đồng nghĩa với việc phải tăng ý thức tiết kiệm điện. Thay vì lo lắng hay than vãn về các đợt tăng giá, đại đa số người dân - những khách hàng có nhu cầu sử dụng điện thường xuyên đang có nhiều cách khác nhau để thực hiện mục tiêu tiết kiệm điện. Đây cũng chính là giải pháp hữu hiệu nhất giúp họ sẵn sàng "sống chung” với thời kỳ giá điện tăng.
Theo chị Nguyễn Thanh Tú, tổ 1, phường Hữu Nghị (TP Hòa Bình) chia sẻ, gia đình chị có 4 người. Hai vợ chồng đều là lao động tự do với nguồn thu nhập bấp bênh vài triệu đồng mỗi tháng, nuôi hai con đang tuổi ăn học. Tình hình tài chính eo hẹp buộc chị phải tính toán từng đồng cho chi phí sinh hoạt. Nhà có vài thiết bị điện thiết yếu như tivi, tủ lạnh, điều hòa, nồi cơm điện và mấy bóng đèn dây tóc đã cũ. Chừng ấy thiết bị thôi nhưng "ngốn” của gia đình chị đều đều mỗi tháng hơn 400.000 đồng tiền điện. So với mức bình quân trong tổ dân phố, tiền điện hàng tháng của gia đình chị thuộc diện cao. Chính vì thế, trong thời gian tới, chị nhất định phải tìm cách giảm bớt nhu cầu sử dụng điện để tiết kiệm được đồng nào quý đồng ấy.
"Tôi quyết định thay mấy cái bóng đèn đã cũ trong nhà bằng loại bóng huỳnh quang compact tiết kiệm điện” - Chị Thanh Tú cho biết. Loại bóng này tuy giá thành ban đầu cao hơn một chút so với loại bóng nhà chị vẫn dùng nhưng qua tìm hiểu, chị được biết mức tiêu thụ điện năng của loại này ít hơn 75% và có tuổi thọ cao gấp nhiều lần so với loại bóng sợi đốt thông thường. Ngoài ra, chị còn tham khảo cách sử dụng hiệu quả các thiết bị điện khác trong gia đình, như thay phần đệm cửa tủ lạnh để giảm tỷ lệ tổn thất điện năng, tắt nguồn ti vi khi không sử dụng thay vì tắt bằng điều khiển từ xa, thỉnh thoảng nấu cơm bằng bếp than, không quá lạm dụng nồi cơm điện…
Cũng như chị Tú, bắt đầu từ cuối tháng 3 này, chị Hoàng Thị Thương Huyền ở thị trấn Lương Sơn (Lương Sơn) buộc phải lên kế hoạch tiết kiệm điện khá cụ thể cho gia đình nhằm đối phó với tình hình tăng giá điện. Nhà chị bán hàng ăn ở ngay trung tâm thị trấn nên có nhu cầu sử dụng điện khá cao, trung bình trên 2 triệu đồng/tháng. Nếu áp dụng cách tính giá điện mới, tiền điện mỗi tháng của gia đình chị sẽ tăng vài ba trăm nghìn đồng, tức là ngót nghét 3 triệu đồng. Số tiền này khiến chị giật mình và quyết tâm thay đổi thói quen sử dụng điện. Nguồn điện sử dụng cho việc kinh doanh thì vẫn phải giữ nguyên, chị Thương Huyền đã lập kế hoạch tiết giảm điện cho tất cả thành viên trong gia đình với việc nhất định phải thay đổi một số thói quen: tắt các thiết bị điện trước khi ra khỏi phòng, không sử dụng máy giặt, điều hòa hay bình nóng lạnh trong giờ cao điểm, dùng quạt thay thế điều hòa nhiệt độ khi trời không quá nóng, kiểm tra lại mức tiêu thụ điện năng của tủ lạnh và máy điều hòa để có cách sử dụng phù hợp hơn… Bản thân chị khi vào bếp cũng không còn thường xuyên sử dụng lò vi sóng và lò nướng như trước, bởi đây là những thiết bị tiêu thụ điện công suất lớn nên hạn chế sử dụng, nhất là trong giờ cao điểm.
Đã nhiều năm chuyên kinh doanh các thiết bị điện phục vụ nhu cầu của đông đảo doanh nghiệp và người dân trên địa bàn, bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Giám đốc Công ty TNHH Phúc Hà, tổ 1A, phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình) nhận thấy: Những năm gần đây, người dân đã thay đổi nhiều từ nhận thức đến thói quen sử dụng điện. Không chỉ ngay sau mỗi đợt tăng giá điện như một cách đối phó tình huống mà bình thường, người dân cũng đã có sẵn thói quen lựa chọn sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện năng như bóng đèn tiết kiệm điện compact, điều hòa nhiệt độ có tính năng tiết kiệm điện Inverter... "Đây là xu hướng tiêu dùng tích cực và thông minh, giúp người dân kiểm soát tốt hơn khả năng tài chính, đồng thời cũng là giải pháp hữu hiệu giúp họ chủ động thích nghi với bối cảnh giá điện tăng như hiện nay” - bà Xuân khẳng định.
TT
(HBĐT) - Phát huy truyền thống "Bộ đội cụ Hồ” trong thời bình, cán bộ, hội viên CCB xã Tân Vinh (Lương Sơn) luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xây dựng các mô hình đem lại thu nhập cao. Theo thống kê năm 2018, thu nhập bình quân hội viên CCB trong xã đạt 32 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 0,9%. Qua đó, đời sống hội viên CCB được nâng cao, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.
(HBĐT) - Theo UBND huyện Đà Bắc, tổng kế hoạch vốn các chương trình, dự án do huyện quản lý giao năm 2019 (tính đến quý I) 161,046 tỷ đồng (vốn chuyến tiếp từ nguồn vốn năm 2018 chưa giải ngân hết 4,258 tỷ đồng, gồm: ngân sách Trung ương 7,650 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 5,475 tỷ đồng, ngân sách huyện 3,133 tỷ đồng).
(HBĐT) - Theo UBND huyện Tân Lạc, trong quý I, tổng thu NSNN ước thực hiện 7.800 triệu đồng, đạt 26,4% dự toán UBND tỉnh giao và 23% dự toán HĐND huyện giao, bằng 103,3% so với cùng kỳ.
(HBĐT) - Sau 7 năm triển khai Chương tình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, xã An Bình (Lạc Thủy) đã đạt 15/19 tiêu chí. Trong đó, nhiều tiêu chí khó đã được xã nỗ lực hoàn thành như thu nhập, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở, tỷ lệ lao động có việc làm...
(HBĐT) - HTX Nông - lâm nghiệp Bảo Hiệu (Yên Thủy) thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2016. Trải qua thời kỳ đầu với không ít khó khăn, đến nay, bằng tư duy của người đứng đầu và xác định được hướng phát triển đúng đắn, HTX đã tạo ra bước ngoặt chuyển đổi, trở thành điển hình mô hình HTX kiểu mới.
(HBĐT) - Thời gian gần đây, chính quyền xã Văn Sơn (Lạc Sơn) đã triển khai nhiều mô hình sản xuất nhằm tạo việc làm, xóa đói - giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó, nghề tiểu thủ công nghiệp đang phát triển mạnh tại địa phương, đem lại nguồn thu nhập thêm đáng kể cho nhiều hộ dân.