Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, cơ sở hạ tầng trung tâm thị trấn Chi Nê (Lạc Thủy) được đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH trên địa bàn.
Trong nhịp sống mới, những năm tháng hào hùng, đầy gian khổ, hy sinh vẫn in đậm trong ký ức của người dân Chi Nê. Những bức ảnh, hiện vật, bài viết trong những cuốn sách, trang báo được lưu trữ, trưng bày tại nhà truyền thống, nhà văn hóa, trung tâm học tập cộng đồng đã gợi lại cho người dân thị trấn Chi Nê về những phong trào "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”; "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”; "Thanh niên Ba sẵn sàng”; "Phụ nữ Ba đảm đang”; thiếu niên "Nghìn việc tốt”… Những chiến sỹ dân quân năm xưa cũng luôn tự hào với chiến công ngày 9/10/1966 phối hợp với dân quân xã Phú Lão bao vây, truy bắt thành công 2 tên phi công Mỹ nhảy dù xuống địa bàn do máy bay bị dân quân Hà Nam bắn hạ. Ngày 21/8/1972, trận địa 12 ly 7 của dân quân thị trấn Chi Nê đã bắn rơi một máy bay do thám của địch, mở đầu cho những chiến công của quân và dân tỉnh Hòa Bình trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại lần thứ hai của giặc Mỹ. Người dân thị trấn luôn biết ơn sâu sắc và có nhiều hoạt động tri ân với những Mẹ Việt Nam Anh hùng, cùng 49 người con của quê hương đã anh dũng hy sinh và 38 thương, bệnh binh đã để lại một phần xương máu trên các chiến trường.
Đồng chí Lê Quý Châu, Bí thư Đảng ủy thị trấn Chi Nê cho biết: Danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ do Chủ tịch nước phong tặng ngày 8/11/2000 là sự ghi nhận những thành tích đặc biệt xuất sắc của Đảng bộ và nhân dân thị trấn Chi Nê trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, là nguồn động viên, khích lệ để cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân thị trấn tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, kiên cường cách mạng viết tiếp những trang sử của quê hương trong công cuộc đổi mới.
Với sự thống nhất của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự nỗ lực phấn đấu của MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể và sự đồng thuận của nhân dân trên địa bàn, những năm qua, các chỉ tiêu Nghị quyết của Đảng ủy, HĐND thị trấn đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Với vị trí là trung tâm huyện lỵ, cấp ủy, chính quyền xã đã lãnh đạo, chỉ đạo, động viên và tạo điều kiện cho 32 doanh nghiệp xây dựng thương mại, dịch vụ, sản xuất vật liệu xây dựng và 455 hộ kinh doanh đẩy mạnh SX-KD. Qua đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, các hộ đều kinh doanh ổn định, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, chấp hành đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước. Năm 2018 vừa qua, giá trị sản xuất CNXD - TTCN của thị trấn đạt 88 tỷ đồng, vượt 1,9% kế hoạch; giá trị dịch vụ và thu nhập khác đạt 133,3 tỷ đồng, vượt 5,7% kế hoạch. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục được duy trì, sản lượng lương thực có hạt đạt 678,5 tấn, bình quân lương thực 501 kg/người/năm. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng được quan tâm, chú trọng, nhất là hệ thống đường giao thông để mở mang giao thương, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch, dịch vụ với các điểm đến hấp dẫn như Hang Luồn, hồ Đầm Khánh, Đền Rem. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của thị trấn giảm còn 3,9%, thu nhập bình quân đạt 45,1 triệu đồng/người/năm, 94,7% hộ gia đình và 2/12 KDC đạt tiêu chuẩn văn hóa.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được coi trọng. Đảng bộ đã làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho CB, ĐV. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý, đào tạo bồi dưỡng cán bộ. Quan tâm công tác phát triển Đảng, từ năm 2018 đến nay, Đảng bộ đã kết nạp được 7 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên lên 560 đồng chí.
Kinh tế ngày càng ổn định và phát triển, đời sống của nhân dân từng bước được nâng cao, ANCT - TTATXH ổn định và giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, mặt trận, các ban, ngành, đoàn thể được quan tâm, nhân dân tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Với thành tích đó, 2 năm liền (2017 - 2018), Đảng bộ thị trấn được công nhận danh hiệu tổ chức Đảng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Đức Phượng