Ngày 25/4, tại thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã họp phiên toàn thể lần thứ 9, nhằm đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2019, nhằm hoàn thiện báo cáo để trình tại Kỳ họp Quốc hội vào tháng 5 tới.
Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh đã trình bày báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2019.
Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại phiên họp (Ảnh: Tiên Minh/TTXVN)
Theo đó, năm 2018, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương bám sát phương châm hành động "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, triển khai đồng bộ, quyết liệt để thực hiện các mục tiêu.
Đến nay, trên cơ sở tổng hợp kết quả thực hiện cả năm, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 được đánh giá bổ sung là đạt kết quả toàn diện, hoàn thành toàn bộ 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao, trong đó có 3 chỉ tiêu đạt và 9 chỉ tiêu vượt mục tiêu kế hoạch.
Một số chỉ tiêu thực hiện tốt hơn so với số ước đã báo cáo Quốc hội, như: tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 13,2% (số đã báo cáo Quốc hội 11,2%), xuất siêu 2,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (số đã báo cáo Quốc hội là xuất siêu 0,4%). Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, vượt mục tiêu đề ra, thanh khoản thị trường tốt, dự trữ ngoại hối tăng, thu ngân sách vượt dự toán 8%; vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 11,2%, huy động vốn đạt 33,5% GDP (đạt mục tiêu Quốc hội giao 32% - 34%). Cả nước phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, tích cực phòng chống tệ nạn xã hội; làm tốt công tác dân tộc, tôn giáo. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn khoảng 5,35%, bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo còn dưới 35% (giảm khoảng 5%), vượt mục tiêu Quốc hội giao...
Tuy nhiên, vẫn còn một số nhóm tồn tại, hạn chế chủ yếu như công tác điều hành và thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô của chính sách tiền tệ còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức do độ mở của nền kinh tế lớn, khả năng chống chịu của nền kinh tế trong nước chưa thực sự vững chắc.
Việc thực hiện 3 đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2020 nhìn chung còn chậm, những tồn tại hạn chế chưa được xử lý triệt để…
Đối với tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, phiên họp đánh giá trong quý I, cả nước vẫn giữ được xu thế tích cực từ cuối năm 2018. Trong đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khá, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp nhất trong 3 năm 2017 – 2019, cơ cấu nền kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực. Các đại biểu dự họp cho rằng cần phân tích, đánh giá các yếu tố như lạm phát đang có sự biến động do giá xăng dầu, giá điện tăng cao hiện nay; bản thân những yếu kém nội tại trong nền kinh tế của Việt Nam chưa được khắc phục rõ nét; cần dự báo tác động từ các yếu tố diễn biến trên thế giới có khả năng ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Nhiều ý kiến cũng đề nghị xác định rõ các động lực cho sự tăng trưởng trong năm 2019, vấn đề xuất khẩu nông sản, như gạo, cà phê, rau quả, hạt tiêu… cần có giải pháp để duy trì và phát triển vững chắc. Môi trường đầu tư kinh doanh mặc dù đã được cải thiện, nhưng khối doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đối mặt nhiều khó khăn…
Đại diện các bộ, ngành: Giao thông Vận tải, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam… đã đề cập đến tình hình triển khai các dự án giao thông trọng điểm: cao tốc Bắc – Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, công tác rà soát, xử lý các bất cập tại các dự án BOT, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; công tác điều hành các chính sách tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra; tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại, kim ngạch xuất nhập khẩu trong I/ 2019.
Bên cạnh đó, một số đại biểu cho rằng mục tiêu của Chính phủ là hàng năm việc giải ngân đầu tư công phải đạt trên 90%, nhưng hiện đạt rất thấp. Đầu tư các dự án ra nước ngoài chưa được đề cập đến trong báo cáo của các bộ, ngành liên quan, cần phải bổ sung vào báo cáo để trình Quốc hội xem xét...
Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết sẽ chọn lọc, tiếp thu, tổng hợp các nội dung góp ý, bổ sung cho báo cáo trình tại Kỳ họp Quốc hội sắp tới. Trong đó có nhiều nhóm nội dung quan trọng, như: đánh giá chất lượng tăng trưởng, sự bền vững tăng trưởng kinh tế; việc xử lý các yếu kém tồn tại, xây dựng kết cấu hạ tầng cần được đẩy mạnh hơn trong thời gian tới; vấn đề thu chi ngân sách, đầu tư ra nước ngoài; khơi thông các động lực, nguồn vốn để tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2019; xử lý các dự án còn kém hiệu quả; việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước; chính sách xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số.../.
Theo báo Đảng Cộng Sản