Trong những ngày vừa qua,một số chủ phương tiện là người địa phương đã tụ tập phản đối, đòi được miễn giảm 100% giá vé qua trạm, gây mất ANTT, ách tắc giao thông trên tuyến đường.
Tuyến đường được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, nền đường rộng 12 m, mặt đường rộng 11 m, vận tốc tối đa 80 km/giờ. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 2.700 tỷ đồng, thời gian thu phí hơn 27 năm. Dự án do Tổng Công ty 36 - Công ty CP Đầu tư và thương mại Hà Nội - Công ty CP xây lắp và thương mại Trường Lộc đầu tư theo hình thức BOT. Khi đưa vào khai thác, tuyến đường mở ra cơ hội lớn phát triển đô thị, du lịch, thương mại dọc tuyến; tạo động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển KT-XH cho tỉnh Hòa Bình nói riêng và các tỉnh Tây Bắc nói chung, rút ngắn thời gian lưu thông từ TP Hòa Bình đến trung tâm TP Hà Nội chỉ còn khoảng 60 phút xe chạy.
Sau nhiều lần lỗi hẹn, ngày 10/10/2018, tuyến đường giao thông quan trọng Hòa Lạc - Hòa Bình chính thức thông xe kỹ thuật và được nghiệm thu, đưa vào khai thác sử dụng từ ngày 10/12/2018.
Ngày 19/2/2019, Bộ GTVT có Thông báo kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Văn Công tại cuộc họp về công tác chuẩn bị triển khai thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tại Trạm thu phí km17+100 đường Hòa Lạc - Hòa Bình. Theo đó, Thứ trưởng kết luận: Về cơ bản, doanh nghiệp dự án đã đảm bảo đủ các điều kiện để được thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo quy định tại Hợp đồng BOT và các Thông tư của Bộ GTVT.Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp cùng với doanh nghiệp dự án và các cơ quan của địa phương xây dựng phương án giảm giá vé cho phương tiện của người dân khu vực lân cận Trạm thu phí cho phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích của người sử dụng dịch vụ và đảm bảo hiệu quả phương án tài chính của dự án.
Thứ trưởng cũng yêu cầu doanh nghiệp dự án trong quá trình vận hành, khai thác cần tiếp tục thực hiện một số việc về bổ sung rãnh dọc trên QL6, hoàn trả các tuyến đường công vụ, cắm mốc lộ giới, xử lý các điểm sụt trượt…
Tiếp đó, ngày 12/3/2019, Bộ GTVT có Văn bản số 2223 về việc giảm giá vé sử dụng đường bộ tại Trạm thu phí km17 +100. Đến ngày 24/4, Bộ GTVT có văn bản cho phép Công ty TNHH BOT QL6 - Hòa Lạc - Hòa Bình tổ chức thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ tại Trạm thu phí km17+100 đường Hòa Lạc - Hòa Bình kể từ 0 giờ 00 phút ngày 3/5/2019.
Mức giá chung cho các phương tiện theo Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT ngày 15/11/ 2016 quy định mệnh giá thấp nhất là 35.000 đồng/vé lượt và cao nhất là 180.000 đồng/vé lượt. Bộ GTVT, nhà đầu tư và UBND tỉnh Hòa Bình cũng đã họp và thống nhất, đối với xe buýt vận tải hành khách công cộng thực hiện miễn 100% giá vé; giảm 50% giá vé cho các chủ phương tiện là tổ chức, cá nhân (xe chính chủ) nằm trong phạm vi bán kính 5 km của Trạm thu phí với số lượng khoảng gần 100 xe (không giảm giá vé cho những xe không chính chủ).
4 ngày đầu triển khai thu phí (từ 0h ngày 3 - 6/5), tình hình diễn ra khá ổn định. Tuy nhiên, trong các ngày 7 - 9/5, người dân quanh khu vực Trạm thu phí cùng một số chủ phương tiện sinh sống trên địa bàn xóm Văn Minh, xã Yên Quang (Kỳ Sơn) đã tụ tập, tắt máy và dừng đỗ xe tại các làn thu phí trái quy định, cản trở công tác thu phí dẫn tới ùn tắc giao thông, buộc nhà đầu tư phải xả trạm. Mặc dù đã được các lực lượng chức năng hỗ trợ tích cực; cán bộ, nhân viên Trạm thu phí tuyên truyền, giải thích, đối thoại nhưng các chủ phương tiện vẫn cản trở hoạt động thu phí.
Trao đổi với người dân xóm Văn Minh được biết, người dân ủng hộ việc đầu tư xây dựng tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình chạy qua địa bàn, bởi sẽ tạo đòn bẩy cho phát triển KT-XH của địa phương. Tuy nhiên, người dân mong muốn nhà đầu tư có cơ chế đặc thù miễn, giảm thu phí đối với cả phương tiện ô tô chính chủ và không chính chủ có trên địa bàn xã. "Thực tế có những gia đình khi có công việc một ngày tới 4, 5 lần phải qua Trạm thu phí hoặc vài lần đưa đón con đi học, mỗi lần qua trạm đều phải mua vé, gây nên áp lực về chi phí tài chính cho gia đình” - một người dân cho hay. Bên cạnh đó, một số người dân xã Yên Quang cũng đề nghị chủ đầu tư Công ty TNHH BOT QL6 - Hòa Lạc - Hòa Bình hoàn trả lại con đường 446 Bãi Nai - Vai Réo, bởi khi xây dựng tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình đã làm lên một đoạn, dẫn đến chia cắt con đường này.
Để đảm bảo có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng liên quan nhằm giải quyết tốt các bất cập đang diễn ra tại Trạm thu phí km17+100 trên đường Hòa Lạc - Hòa Bình, ngày 8/5/2019, Bộ GTVT đã ban hành Công điện số 13/CĐ-BGTVT điện UBND tỉnh Hòa Bình, Tổng Cục đường bộ Việt Nam, Công ty TNHH BOT QL6 - Hòa Lạc - Hòa Bình. Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị: UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo các lực lượng chức năng của tỉnh giải quyết tình hình mất ANTT trên địa bàn, kịp thời có các biện pháp xử lý nghiêm đối với những đối tượng hành vi kích động, gây rối, cố tình phá hoại, gây mất trật tự xã hội theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 82/CĐ-TTg ngày 18/01/2018.
Yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong giai đoạn kinh doanh, khai thác; khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của UBND tỉnh Hòa Bình và Công ty TNHH BOT QL6 - Hòa Lạc - Hòa Bình để đảm bảo ANTT, ATGT tại Trạm thu phí km17+100; tiếp tục tổ chức đối thoại, tuyên truyền, vận động để người dân sử dụng dịch vụ đường bộ hiểu rõ phương án thu phí và chính sách pháp luật của Nhà nước.
Ngày 9/5, Văn phòng Tỉnh ủy có Công văn số 4631 - CV/VPTU gửi Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh về việc báo cáo tình hình thực hiện thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ tại Trạm thu phí km17+100 đường Hòa Lạc - Hòa Bình. Theo đó, qua nắm bắt thông tin về tình hình của Trạm thu phí trong những ngày vừa qua, để đảm bảo ANTT, ATGT tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình trong quá trình triển khai thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Tỉnh giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo các cơ quan chức năng liên quan báo cáo tình hình thực hiện thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ tại Trạm thu phí km17 +100 đường Hòa Lạc - Hòa Bình; đề xuất các biện pháp xử lý trước mắt và giải pháp lâu dài đảm bảo ANTT, ATGT khu vực Trạm thu phí km17 +100 đường Hòa Lạc - Hòa Bình; báo cáo gửi về Thường trực Tỉnh ủy trước ngày 14/5/2019.
Trước đó, ngày 8/5, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp bàn giải pháp xử lý một số vấn đề liên quan đến Trạm thu phí km 17+100 đường Hòa Lạc - Hòa Bình. Kết luận cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho UBND huyện Kỳ Sơn, UBND huyện Lương Sơn, Công an tỉnh, Sở GTVT, Công ty TNHH BOT QL6 Hòa Lạc - Hòa Bình. Trong đó, riêng với UBND huyện Kỳ Sơn, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, UBND huyện chủ trì, phối hợp với Công ty TNHH BOT QL6 Hòa Lạc - Hòa Bình và các đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức Hội nghị đối thoại với các tổ chức, cá nhân có phương tiện ô tô tham gia giao thông trên phạm vi ảnh hưởng bán kính 5 km xung quanh Trạm thu phí để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những kiến nghị, đề xuất; đồng thời trực tiếp giải quyết ngay những kiến nghị, đề xuất thuộc thẩm quyền nhằm đảm bảo tình hình ANTT tại Trạm thu phí km 17 + 100 đường Hòa Lạc - Hòa Bình…
Người dân cần tuân thủ đúng pháp luật, tránh tình trạng gây ách tắc giao thông
Dự án đường Hòa Lạc - Hòa Bình hiện do Công ty TNHH BOT QL6 Hòa Lạc - Hòa Bình quản lý, khai thác. Từ khi triển khai thu phí tuyến đường đến nay liên tục xảy ra tình trạng người dân tụ tập, phản đối gây ách tắc giao thông để đòi hỏi miễn, giảm phí đối với các phương tiện ô tô qua trạm thu phí. Liên quan đến vấn đề này, các đơn vị chức năng của tỉnh cùng Công ty TNHH BOT QL6 Hòa Lạc - Hòa Bình đã có những cuộc họp bàn thống nhất chủ trương giảm giá vé qua trạm cho các chủ phương tiện của 4 xã huyện Kỳ Sơn, trong đó, có người dân xã Yên Quang.
Trên thực tế, chủ đầu tư tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình đã giảm từ 30 - 50% cho phương tiện ô tô chính chủ trong bán kính 5 km tính từ trạm thu phí. Cùng với việc mua vé tháng chỉ tính 1 lượt đi lại mỗi ngày, tính ra, mỗi phương tiện ô tô đi trên đường mới thấp nhất trên 500 nghìn đồng mỗi tháng, nhưng được đi lại nhiều lần, điều này rất có lợi cho các chủ phương tiện. Còn đối với vấn đề ô tô không chính chủ, tỉnh cùng các đơn vị liên quan đã có những bàn bạc làm sao tháo gỡ cho các chủ phương tiện trên cơ sở phải tuân thủ theo đúng quy định. Chính vì vậy, đề nghị người dân trên địa bàn chấp hành tốt các quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, tuân thủ pháp luật nhằm tránh ách tắc giao thông, dẫn tới vi phạm pháp luật.
Lê Ngọc Quản (Phó Giám đốc Sở GTVT)
Cần có cơ chế ưu đãi riêng cho người dân xã Yên Quang
Toàn xã Yên Quang hiện có gần 70 phương tiện ô tô, trong đó, nhiều hộ từ khi mua xe vẫn chưa sang được tên chính chủ. Mặt tích cực, đường Hòa Lạc - Hòa Bình đã tạo thêm nhiều việc làm hơn cho người dân, nhất là người kinh doanh vận tải. Vậy nhưng, Trạm thu phí BOT Hòa Lạc - Hòa Bình lại đặt đúng trên tuyến đường 446 trước kia từ Bãi Nai (Kỳ Sơn) đi Vai Réo kết nối với đường Hồ Chí Minh. Bởi vậy, tất yếu mỗi khi đi lại người dân xã Yên Quang cũng như vùng lân cận đều buộc phải đi lại qua Trạm thu phí đường Hòa Lạc - Hòa Bình. Hiện nay, Công ty TNHH BOT QL6 Hòa Lạc - Hòa Bình đã có chủ trương giảm giá vé cho các chủ phương tiện tại xã Yên Quang và các vùng lân cận trong bán kính 5 km. Tuy nhiên, mong muốn các cơ quan chức năng, đơn vị liên quan cần tính tới phương án giảm giá vé tính theo khu vực từ xa đến gần. Cụ thể, với người dân xã Yên Quang do luôn hoạt động trên cung đường ngắn nên thường xuyên đi lại rất nhiều lần qua trạm thu phí mỗi ngày cần có cơ chế đặc thù giá vé riêng. Bên cạnh đó, do đời sống người dân xã Yên Quang cùng các vùng lân cận hiện vẫn còn khó khăn, nên trước mắt có thể giảm 70 - 80% giá vé và có lộ trình tăng giá hàng năm sao cho từ 2 - 3 năm mới tiến tới thu giá vé ưu đãi bằng với mức giảm từ 30 - 50% như hiện nay. Đồng thời, có giải pháp trước mắt cho các chủ phương tiện chưa đăng ký chính chủ, giúp người dân trong khu vực từng bước phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, tránh những khó khăn, bất cập từ việc thu phí BOT ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.
Ngô Văn Quyền(Chủ tịch UBND xã Yên Quang- Kỳ Sơn)
Đường Hòa Lạc - Hòa Bình giúp thuận tiện trong vận tải hành khách
Đường Hòa Lạc - Hòa Bình từ khi thông tuyến, đưa vào sử dụng đến nay, cá nhân tôi thấy rất thuận tiện trong việc đi lại. Nhìn chung, các hãng xe vận tải và người dân đánh giá cao sự tiện lợi của truyến đường này. Ví như chạy từ trung tâm thành phố Hòa Bình về Bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) hiện nay đi theo tuyến đường Hòa Bình - Hòa Lạc tiết kiệm được gần 1 h đồng hồ so với đi và về theo hướng QL6, cung đường mới cũng rút ngắn hơn khoảng trên dưới 10 km. Như vậy, về phía nhà xe tiết kiệm được thời gian, nhiên liệu, hành khách di chuyển nhanh hơn từ Hòa Bình về Hà Nội. Ngay từ khi tiến hành thu phí tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình, hãng xe Bình An đã chấp hành nghiêm theo đúng quy định. Vì mỗi ngày, mỗi xe chạy khoảng 5 lượt qua trạm thu phí nên chúng tôi đã quyết định mua vé theo tháng nhằm giảm tối đa các chi phí, có lợi hơn so với việc mua vé theo từng chuyến.
Cá nhân tôi nhận thấy, việc người dân tụ tập ngăn không cho các phương tiện đi lại qua Trạm thu phí Hòa Lạc - Hòa Bình đã gây nhiều trở ngại cho hoạt động của các phương tiện thường xuyên phải đi qua tuyến đường này. Mặc dù rất chia sẻ với những bất cập mà các chủ phương tiện xung quanh khu vực trạm thu phí, nhưng mong muốn người dân cần tuân thủ pháp luật và không nên đậu đỗ xe ngăn cản các phương tiện hoạt động kinh doanh trên tuyến đường này. Rất mong các cơ quan chức năng, doanh nghiệp BOT Hòa Lạc -Hòa Bình chia sẻ những khó khăn với các chủ phương tiện xung quanh khu vực trạm thu phí để những chủ phương tiện ô tô, nhất là người làm nghề kinh doanh vận tải đỡ đi những khó khăn.
Nguyễn Văn Hiển (Lái xe khách hãng Bình An- TP Hòa Bình)
Nhóm PV Phòng Kinh tế