(HBĐT) - Xã Tiền Phong (Đà Bắc) có 10/13 xóm tiếp giáp với vùng lòng hồ sông Đà, nơi có nguồn thủy sản phong phú, đa dạng. Chính vì vậy, hơn 300 hộ dân đã tập trung phát triển nghề nuôi cá lồng với số lượng trên 800 lồng cá. Qua đó, từng bước nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân và góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.
Qua tìm hiểu được biết, nghề nuôi cá lồng được người dân xã Tiền Phong bắt đầu phát triển trước những năm 2000. Tuy nhiên, do chưa áp dụng KHKT vào quá trình sản xuất, thị trường tiêu thụ không ổn định, nên mô hình phát triển không hiệu quả. Từ năm 2013 đến nay, người dân các xóm Mực, Túp, Điêng đang tập trung phát triển mạnh mô hình nuôi cá lồng với các giống cá chiên, lăng, trắm đen… Lợi nhuận mỗi lồng cá phát triển hiệu quả ước tính có thể thu về từ 20 – 30 triệu đồng/năm.
Chúng tôi đến thăm gia đình anh Lê Đình Hợi ở xóm Túp, một trong những hộ tiêu biểu trong phát triển nghề nuôi cá lồng trên địa bàn. Dẫn chúng tôi đi thăm quan mô hình, anh Hợi cho biết: "Bắt tay vào nuôi cá lồng từ năm 2000, tại thời điểm đó, hệ thống lồng, bè được làm bằng những vật liệu tạm bợ như tre, nứa. Bản thân tôi cũng chưa có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi thủy sản, nên dịch bệnh xuất hiện liên tục dẫn đến ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng sản phẩm. Chính vì vậy, tôi tích cực học hỏi kinh nghiệm những người đi trước, tham khảo sách, báo và tham gia các lớp tập huấn để nâng cao kỹ thuật, áp dụng hiệu quả KHKT vào quá trình chăn nuôi. Đến nay, gia đình tôi đã mở rộng quy mô 16 lồng cá với hệ thống lồng sắt kiên cố. Trong đó, chủ yếu là giống cá trắm đen, lăng… Theo giá thị trường năm 2018, cá lăng có giá từ 200.000 - 250.000 đồng/kg, cá chiên từ 350.000 - 400.000 đồng/kg. Gia đình tôi xuất ra thị trường 6 tấn cá, lợi nhuận sau khi trừ chi phí đạt 200 triệu đồng. Ngoài ra, tôi còn cung cấp cá giống cho bà con trong xã có nhu cầu phát triển nghề nuôi cá lồng”.
Nhằm khuyến khích, hỗ trợ, giúp đỡ người dân xã Tiền Phong nói riêng, các xã vùng lòng hồ nói chung, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 10/2015/QĐ-UBND ngày 27/4/2015 về thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nuôi cá lồng vùng hồ thủy điện Hòa Bình giai đoạn 2015 - 2020. Theo đó, 142 hộ dân địa phương được hỗ trợ 315 lồng cá với tổng kinh phí gần 3 tỷ đồng. Ngoài ra, xã đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tăng cường phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao KHKT thu hút các hộ chăn nuôi thủy sản tham gia. Tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để mở rộng quy mô, phát triển lồng cá.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra đối với các hộ dân chăn nuôi thủy sản hiện nay đó chính là nguồn vốn để đầu tư phát triển mô hình nuôi cá lồng. Chưa xây dựng, khẳng định chất lượng cá trên thị trường, nên thị trường tiêu thụ chủ yếu là các tư thương nhỏ, lẻ. Chính vì vậy, người dân còn tâm lý e dè, lo lắng khi bắt tay vào mở rộng và phát triển mô hình nuôi cá lồng.
Đồng chí Xa Văn Thức, Chủ tịch UBND xã Tiền Phong cho biết: "Là xã thuộc vùng 135, theo thống kê năm 2018, thu nhập bình quân đầu người đạt 18 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 59,86%. Chính vì vậy, địa phương xác định nghề nuôi cá lồng là mô hình giảm nghèo bền vững giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo. Trong thời gian tới, xã mong muốn các ban, ngành, đoàn thể tiếp tục quan tâm, hỗ trợ người dân về giống, vốn, kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Tạo mối liên kết với các doanh nghiệp, nhà hàng tiêu thụ sản phẩm, ổn định giá thành. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển KT - XH, xây dựng NTM trên địa bàn.
Đức Anh