Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh cần phải xác định ngay các nhóm mặt hàng tăng trưởng nóng vào các thị trường trọng điểm để có cơ chế giám sát đặc biệt, nhằm chống gian lận xuất xứ, gian lận thương mại. Một số nhóm hàng mà Bộ trưởng lưu ý như: Đồ gỗ, dệt may, thuỷ sản, thép…


Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chủ trì cuộc họp triển khai Đề án "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”. Ảnh: VGP/Phan Trang.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chủ trì cuộc họp triển khai Đề án "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”, ngày 9/7.

Trục lợi bằng việc giả xuất xứ

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhìn nhận, việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có một số FTA thế hệ mới, đã giúp doanh nghiệp có lợi thế rất cao về ưu đãi thuế quan, tiếp cận thị trường sớm. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa với nguy cơ hàng hoá bên ngoài lợi dụng xuất xứ hàng Việt để hưởng ưu đãi thuế quan.

"Nhóm ngành hàng có tăng trưởng xuất khẩu cao thời gian qua như dệt may, điện tử, da giày, đồ gỗ,… đều có nguy cơ trở thành đối tượng bị chế tài trừng phạt thương mại hoặc áp đặt thuế quan”, Bộ trưởng nhận định. Dẫn chứng là trường hợp Mỹ vừa đánh thuế thuế bổ sung hơn 400% với thép từ Việt Nam có nguồn gốc nhập từ Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc); hay câu chuyện của tôm nhập nguyên liệu từ các nước Nam Á.

Bà Lê Hoàng Anh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi cho biết thời gian gần đây, một số mặt hàng từ Trung Quốc về Việt Nam tăng rất cao, như máy móc, điện tử, phụ liệu dệt may, đặc biệt là gỗ, tăng đột biến. Tuy nhiên, việc xuất khẩu các mặt hàng này sang các thị trường lớn trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Phi chưa tăng trưởng tương ứng.

Còn ông Nguyễn Hồng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ dẫn số liệu từ Mỹ cho thấy một số mặt hàng của Việt Nam tăng trưởng nóng, với con số hàng chục phần trăm. Thậm chí, ông Dương còn nhận định "trong bối cảnh này thì tăng trưởng vậy lo nhiều hơn vui” bởi cần phải xem có thật là hàng Việt Nam không hay có cả gian lận, lẩn tránh.

"Việc giả mạo xuất xứ thực ra là hành vi lẩn tránh. Thậm chí, hiện nay vẫn tồn tại hàng hoá lưu thông trên thị trường nhưng không rõ nguồn gốc xuất xứ, thậm chí có chứa độc tố vượt cho phép, đặc biệt là thực phẩm.

Thực tế nữa là một số doanh nghiệp nước ngoài đẩy mạnh xuất khẩu hàng giá rẻ vào Việt Nam, có tồn tại hàng sản xuất từ nước ngoài nhưng dán nhãn Việt Nam. Đây là đường dây câu kết giữa trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một phần do xu hướng người tiêu dùng chuộng hàng Việt hơn nên một số doanh nghiệp lợi dụng việc giả xuất xứ để trục lợi”, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết.

Thông tin thêm, ông Trần Hữu Linh cho rằng, việc giả mạo xuất xứ là hành vi gian lận mới, hầu hết hàng hoá không sản xuất tại Việt Nam nhưng lại tiêu thụ tại thị trường nội địa nên việc kiểm tra rất khó, phải "bắt quả tang mới xử lý được”.

Bên cạnh đó, việc giám định chất lượng các mặt hàng Việt Nam cũng không đơn giản. Ông Trần Hữu Linh dẫn chứng vụ việc tỉnh Lâm Đồng dán tem chống hàng giả cho 1.500 tấn khoai tây Đà Lạt trước khi phân phối ra thị trường hồi tháng 4 vừa qua để "tuyên chiến” với khoai tây Trung Quốc. Động thái này của tỉnh Lâm Đồng xuất phát từ việc mặt hàng nông sản như khoai tây vốn không phải dán nhãn và cũng khó xác định được như thế nào là khoai tây trồng và thu hoạch tại Việt Nam.

Giám sát đặc biệt

Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi cho rằng cần theo dõi kỹ các mặt hàng có dấu hiệu tăng trưởng nóng để tránh nguy cơ nhập vào Việt Nam, rồi xuất đi nhằm lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, cũng như hưởng lợi xuất xứ trong bối cảnh hàng loạt FTA đang được thực thi.

Ngoài việc gia tăng kiểm soát, tăng cường tuyên truyền và cảnh báo đến người dân, doanh nghiệp thì việc chủ sở hữu tham gia cùng cơ quan chức năng sẽ giúp tiết kiệm thời gian phát hiện, ngăn chặn, xử lý hàng giả, hàng sai xuất xứ. Đồng thời, sự phối hợp này cũng tránh khiếu kiện phát sinh và tăng cường công tác hậu kiểm từ phía cơ quan chức năng.

Ông Linh cũng kiến nghị Bộ Công Thương hoàn thiện chính sách phù hợp với thực tiễn và tăng chế tài xử phạt nhằm tăng tính nghiêm minh của pháp luật. Bên cạnh đó, Tổng cục Quản lý thị trường cũng đang phối hợp với một số doanh nghiệp ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc xuất xứ, yêu cầu địa phương bám sát địa bàn sớm phát hiện các vụ việc.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh cần phải xác định ngay các nhóm mặt hàng tăng trưởng nóng vào các thị trường trọng điểm để có cơ chế giám sát đặc biệt, nhằm chống gian lận xuất xứ, gian lận thương mại có hiệu quả như thị trường châu Âu, Mỹ, Canada, với sản phẩm gỗ, giày dép, thép, máy móc phụ tùng và các sản phẩm có nguy cơ bị giả mạo xuất xứ như nông thuỷ sản…

Cùng với đó, Bộ trưởng yêu cầu Cục Phòng vệ thương mại xây dựng ngay kế hoạch phối hợp với các bộ có nhiệm vụ trực tiếp như Tài chính, Công an, Khoa học - Công nghệ, Kế hoạch - Đầu tư và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam… thống nhất cơ chế lập trung tâm dữ liệu thông tin để chia sẻ các vấn đề liên quan đến chứng nhận xuất xứ, lẩn tránh thương mại…

Ngoài ra, Cục Phòng vệ thương mại được giao xây dựng kế hoạch hành động của Bộ Công Thương thực hiện Đề án "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” mà Thủ tướng Chính phủ vừa ký theo hướng phân định nhiệm vụ lớn, lâu dài lẫn các công việc trước mắt, có tổ thường trực thực hiện đề án trước ngày 20/7; xây dựng quy chế hoạt động, gồm đề xuất bổ sung hình phạt, chế tài xử lý gian lận thương mại…

TheoBaochinhphu


Các tin khác


Thẩm định 8 xã của huyện Lương Sơn về đích nông thôn mới

(HBĐT) - Ngày 8/7, Hội đồng thẩm định và công nhận các xã đạt chuẩn NTM của tỉnh đã có buổi làm việc với BCĐ các chương trình mục tiêu quốc gia huyện Lương Sơn thẩm định 8 xã Hợp Châu, Hợp Hòa, Hợp Thanh, Long Sơn, Tân Thành, Tiến Sơn, Trung Sơn và Trường Sơn đạt chuẩn NTM năm 2019.

Bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước lĩnh vực Công thương

(HBĐT) - Sở Công Thương vừa tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức QLNN lĩnh vực Công Thương năm 2019. Đối tượng học viên là toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và đơn vị có chức năng liên quan.

Khó khăn giải tỏa, di dời các điểm tập kết cát, sỏi dọc hai bờ sông Đà

Bài 2 - Còn nhiều doanh nghiệp chây ỳ không chịu di dời

(HBĐT) - Căn cứ vào các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, UBND TP Hòa Bình đã 2 lần ban hành thông báo gửi đến các đơn vị tập kết kinh doanh cát, sỏi không phù hợp với quy hoạch trên địa bàn biết để thực hiện việc di chuyển bãi tập kết cát, sỏi (TKCS) đến vị trí quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt (tại Quyết định số 2488/QĐ-UBND ngày 12/12/2017). Tuy nhiên, các đơn vị vẫn cố tình không chấp hành.

Điểm nhấn kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2019

(HBĐT) - 6 tháng đầu năm 2019 tiếp tục ghi nhận sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, đạt được nhiều kết quả trên các lĩnh vực, tạo tiền đề quan trọng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2019.

Phát hiện, xử lý 168 cơ sở vi phạm về sản xuất, kinh doanh

(HBĐT) - 6 tháng đầu năm, cấp ủy, chính quyền TP Hòa Bình tăng cường chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm chống sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm. Theo đó, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 302 cơ sở, phát hiện và xử lý đối với 168 cơ sở có vi phạm, phạt tiền nộp ngân sách Nhà nước 245,65 triệu đồng, trị giá hàng hóa tịch thu 221 triệu đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục