Bài 2 - Còn nhiều doanh nghiệp chây ỳ không chịu di dời

(HBĐT) - Căn cứ vào các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, UBND TP Hòa Bình đã 2 lần ban hành thông báo gửi đến các đơn vị tập kết kinh doanh cát, sỏi không phù hợp với quy hoạch trên địa bàn biết để thực hiện việc di chuyển bãi tập kết cát, sỏi (TKCS) đến vị trí quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt (tại Quyết định số 2488/QĐ-UBND ngày 12/12/2017). Tuy nhiên, các đơn vị vẫn cố tình không chấp hành.


Điểm tập kết kinh doanh cát gần Cửa hàng xăng dầu Tây Bắc (phường Đồng Tiến - TP Hòa Bình) không phù hợp với quy hoạch nhưng doanh nghiệp vẫn chưa chịu di dời.

Trước thực trạng trên, UBND TP Hòa Bình đã ban hành văn bản chỉ đạo UBND các phường, xã chủ trì phối hợp với các phòng, đơn vị liên quan tiến hành đóng cửa các bãi tập kết, kinh doanh cát, sỏi sử dụng đất sai mục đích để tập kết kinh doanh cát, sỏi 2 bên bờ sông Đà. Đồng thời, thành lập tổ công tác liên ngành, giao Công an thành phố là lực lượng nòng cốt kiểm tra và có biện pháp xử lý các đơn vị cố tình vi phạm, không chấp hành. Song song với đó, UBND TP Hòa Bình phối hợp với Sở Xây dựng thực hiện công tác điều chỉnh, bổ sung quy hoạch vị trí TKCS theo quy hoạch; phối hợp với Sở GTVT trong việc đình chỉ hoạt động các bến thủy nội địa không phù hợp với quy hoạch tại Quyết định số 2488 của UBND tỉnh.

Thời gian qua, UBND thành phố đã chỉ đạo các đơn vị chức năng kiểm tra trên 50 lượt phương tiện, bến thủy nội địa, chủ tàu thuyền, phương tiện vận chuyển cát, sỏi lên các bãi tập kết đã hết thời hạn cấp phép hoạt động bến thủy nội địa (trong đó đã lập biên bản xử lý vi phạm 31 trường hợp) và đề nghị UBND các phường, xã xử lý theo thẩm quyền.

Đến nay, mới có 5/16 đơn vị dừng TKCS. 11 đơn vị cố tình tập kết vào các giờ nghỉ và ngày nghỉ, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý. Khi các lực lượng chức năng đến xử lý thì các chủ thuyền, chủ bến cố tình tránh mặt, không phối hợp. Đặc biệt, vào khoảng 10h20 ngày 12/5/2019, tổ công tác liên ngành của thành phố sử dụng canô tuần tra, kiểm soát việc TKCS khu vực hạ lưu đập thủy điện thuộc địa bàn TP Hòa Bình, phát hiện 1 tàu chở cát mang số hiệu HN-1968 do ông Phan Hữu Đạo (SN 1975) tại khu 3, xã Tu Vũ, huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) điều khiển, đang neo đậu tại bến thủy nội địa (bến ông Nghĩa, thuộc tổ 15, phường Đồng Tiến đã bị đình chỉ hoạt động bến thủy nội địa), nhưng lái tàu Phan Hữu Đạo không chấp hành hiệu lệnh của tổ công tác, có hành vi chống đối. Công an TP Hòa Bình đã ra quyết định tạm giữ phương tiện và tạm giữ hành chính đối với lái tàu Phan Hữu Đạo để làm rõ hành vi chống đối người thi hành công vụ.

Qua tìm hiểu được biết, trong quá trình kiểm tra, xử lý và di chuyển các bãi tập kết, kinh doanh cát, sỏi không đúng quy hoạch đã gặp một số khó khăn, vướng mắc như việc thu hồi giấy chứng nhận, thanh lý hợp đồng thuê đất đối với các đơn vị tập kết kinh doanh cát, sỏi thuộc 2 bờ sông Đà không phù hợp với quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt theo kiến nghị của UBND thành phố và theo kết luận của Thanh tra Sở TN&MT về việc quản lý, sử dụng đất đối với doanh nghiệp kinh doanh cát, sỏi 2 bờ sông Đà chưa được triển khai. Một số đơn vị chức năng của tỉnh và T.Ư đóng trên địa bàn chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm. Trong quá trình kiểm tra, xử lý, các chủ tàu, thuyền thường có hành vi né tránh, không xuất hiện để hợp tác làm việc…

Ngoài ra, thời gian qua, UBND TP Hòa Bình nhận được nhiều ý kiến kiến nghị của các đơn vị tập kết, kinh doanh cát, sỏi không phù hợp với quy hoạch, như: Các đơn vị đã được thuê đất theo quy định, nay phải di chuyển thì phương án bồi thường, hỗ trợ được tính toán thế nào? Các vị trí theo quy hoạch cát, sỏi mới (quy hoạch theo Quyết định số 2488 của UBND tỉnh) các đơn vị có phải thỏa thuận với người dân không hay sẽ được Nhà nước giao đất sạch?…

Bên cạnh những khó khăn trên, khó khăn lớn nhất đối với UBND TP Hòa Bình là hiện nay các quy định pháp luật không có chế tài xử lý đối với các trường hợp kinh doanh cát, sỏi không phù hợp với quy hoạch (đặc biệt là các đơn vị đã được cho thuê đất từ trước và đã đầu tư nhiều cơ sở hạ tầng vào kinh doanh cát, sỏi), kể cả một số trường hợp sử dụng đất ở của người dân vào kinh doanh cát, sỏi cũng không có quy định để xử lý (chỉ có quy định xử phạt việc sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích kinh doanh, dịch vụ). Do đó, nếu phải sử dụng biện pháp cưỡng chế thực hiện theo quy hoạch, nhiều khả năng sẽ dẫn tới đơn thư, khiếu kiện kéo dài gây bức xúc.

Bày tỏ quan điểm về việc đền bù, hỗ trợ các doanh nghiệp sau di dời, đồng chí Nguyễn Thanh Huy, Chủ tịch UBND TP Hòa Bình cho biết: Trước hết, đề nghị các doanh nghiệp (DN) khai thác, kinh doanh cát, sỏi cần phải chấp hành tốt theo đúng quy định và các thông báo của cơ quan có thẩm quyền. Hiện, Sở TN&MT đã báo cáo UBND tỉnh có văn bản đề nghị chấm dứt và thực hiện thu hồi cho thuê đất đối với các DN ở đây. TP Hòa Bình rất mong muốn UBND tỉnh sớm chỉ đạo cơ quan có chức năng, thẩm quyền cho DN thuê đất sớm chấm dứt hiệu lực đối với vấn đề thuê đất. Sau khi không cho các DN thuê đất nữa, theo quy định của Luật Đất đai, quy định về giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, việc nhà đầu tư trước đây được thuê đất đã đầu tư vào bến, bãi để hoạt động kinh doanh, thì trên cơ sở các quy định của pháp luật, TP Hòa Bình nếu được UBND tỉnh giao thực hiện các quy trình tính toán để thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng sẽ phối hợp với nhà đầu tư, DN để thực hiện các bước trình tự, thủ tục bồi thường theo quy định.

P.V


Các tin khác


Ô tô Nhật, EU thuế 0% tràn ngập, xe nội địa bán ở chỗ nào

Muốn ngành ô tô lớn mạnh và có sức cạnh tranh với xe nguyên chiếc nhập khẩu, hướng tới xuất khẩu, cần phải đẩy mạnh nội địa hóa. Tuy nhiên, đến nay công nghiệp hỗ trợ rất yếu kém. Đây là bất lợi rất lớn.

Huyện Lạc Sơn phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng bền vững

(HBĐT) - Những năm gần đây, tình hình dịch bệnh gia súc có chiều hướng phức tạp, diện tích đồng cỏ tự nhiên ngày càng thu hẹp. Lường trước những trở ngại trên, nhiều hộ chăn nuôi trâu, bò ở huyện Lạc Sơn đã chuyển từ phương thức chăn thả sang bán chăn thả, nuôi nhốt, chủ động về nguồn thức ăn để phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững.

Xã Tiền Phong phát triển nghề nuôi cá lồng

(HBĐT) - Xã Tiền Phong (Đà Bắc) có 10/13 xóm tiếp giáp với vùng lòng hồ sông Đà, nơi có nguồn thủy sản phong phú, đa dạng. Chính vì vậy, hơn 300 hộ dân đã tập trung phát triển nghề nuôi cá lồng với số lượng trên 800 lồng cá. Qua đó, từng bước nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân và góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.

Huyện Lạc Thủy: 48 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư 

(HBĐT) - Đến nay, trên địa bàn huyện Lạc Thủy có tổng số 48 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 15.481 tỷ đồng.

Đào tạo gắn kết văn hóa và tăng cường kỹ năng làm việc cho cán bộ quản lý ngành điện

(HBĐT) - Công ty Điện lực Hòa Bình vừa phối hợp với Công ty CP People One tổ chức chương trình đào tạo gắn kết văn hóa và tăng cường kỹ năng làm việc chuyên nghiệp. 54 cán bộ quản lý tham dự khóa đào tạo là trưởng, phó các phòng chức năng, Ban giám đốc các Điện lực, đội trưởng, đội phó đội vận hành lưới cao thế thuộc Công ty Điện lực Hòa Bình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục