(HBĐT) - Trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều hộ dân phát triển nghề chăn gia súc, xuất hiện một số mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã chăn nuôi trâu, bò hiệu quả. Tại huyện Lương Sơn, mô hình Tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản thôn Nghĩa Kếp, xã Hợp Châu được đánh giá là một trong những điển hình.
Mô hình chăn nuôi bò sinh sản của hộ thành viên tổ hợp tác Nguyễn Thị Thúy được đánh giá cao về hiệu quả.
Công việc đều đặn mỗi ngày của vợ chồng ông Nguyễn Xuân Linh, thành viên Tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản thôn Nghĩa Kếp là ra cánh đồng nhà cắt cỏ voi bó thành từng bó mang về cho bò ăn. Chuồng trại được gia cố, vệ sinh thường xuyên, đảm bảo việc nuôi dưỡng, chăm sóc gia súc. Cách đây hai năm, đàn bò của gia đình ông có số lượng nhiều hơn, nhưng nay, do điều kiện con cái ra ở riêng, nhà chỉ còn hai ông bà già nên ông bán bớt bò, để lại 2 con bò mẹ để tiện chăm sóc. Trên diện tích hơn 3.000 m2 đất ruộng vườn, ông tận dụng trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc dồi dào. Vào những ngày hè, khi cỏ trên đồi lên nhiều, thi thoảng ông lùa bò lên đồi đi ăn thêm. Ông Linh cho hay, kể từ năm 2014, khi chuyển đổi từ chăn nuôi khác sang chăn nuôi bò sinh sản, đến nay, thu nhập của gia đình ông được cải thiện và ổn định hơn trước.
Bà Nguyễn Thị Thúy cũng là thành viên của tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản thôn Nghĩa Kếp được nhiều người khen ngợi là hộ chăn nuôi rất "mát tay". Thăm quan mô hình của gia đình bà Thúy có hệ thống chuồng trại kiên cố, vệ sinh thường xuyên nên lúc nào cũng sạch sẽ, thoáng mát. Khu chuồng trại quy hoạch nằm trong khu vườn cây cao tỏa bóng, có tường bao bọc xung quanh. Ngày ngày, khi thời tiết nóng bức, bà dắt bò ra ngoài chuồng, cột dây vào những gốc cây to. Cứ như vậy, đàn bò được sống trong không gian rộng rãi, mát mẻ. Ngoài diện tích cỏ trồng giúp bò có đủ nguồn thức ăn ở cả 4 mùa, bà cho bò ăn thêm cám ngô, cám gạo bổ sung để tăng sức đề kháng và nguồn dinh dưỡng. Nhờ chọn được giống lai sind tốt, khỏe mạnh, nên bò sinh sản đều. Với 3 con bò mẹ nuôi từ năm 2015 đến nay đã đẻ được 7 con bê. Mỗi con bê được bà nuôi, chăm sóc từ 5 - 6 tháng bán được từ 10 - 12 triệu đồng.
Với đặc thù là xóm thuần nông, Nghĩa Kếp có điều kiện tự nhiên khá thuận lợi để phát triển nghề chăn nuôi, trồng trọt. Ông Nguyễn Công Chính, Trưởng thôn Nghĩa Kếp cho biết: Trong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xóm đã hình thành được các mô hình tổ hợp tác thu hút, tập hợp những nông dân có cùng sở thích, mục tiêu giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững. Ba mô hình tổ hợp tác tiêu biểu và hiệu quả hiện nay là tổ hợp tác trồng cây có múi, tổ hợp tác chăn nuôi gà và tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản.
Với 16 thành viên, tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản thôn Nghĩa Kếp, xã Hợp Châu hiện đang chăn nuôi 37 con bò sinh sản. Đời sống hộ thành viên đều ở mức trung bình khá trở lên. Các hộ dân đều có nhận thức tốt về việc chủ động nguồn thức ăn dự trữ, thực hiện chăm sóc, phòng bệnh cho đàn bò để việc chăn nuôi duy trì bền vững, đạt hiệu quả cao. Mô hình đã lan rộng ra cả thôn với tổng số đàn bò sinh sản trong thôn hiện có trên 60 con, góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người của thôn năm 2018 đạt 17 triệu đồng, ước đạt 20 triệu đồng đến năm 2019.
Bùi Minh
Ngày 18-7, trao đổi với phóng viên Nhân Dân điện tử về vấn đề giao dịch Bất động sản (BĐS) bằng tiền mặt trên 300 triệu đồng phải báo cáo chống rửa tiền tại Công văn 1590, đại diện của Bộ Xây dựng cho biết, hiện tại Bộ Xây dựng chưa yêu cầu báo cáo chống rửa tiền đối với các giao dịch dân sự, cá nhân với nhau.
(HBĐT) - Sáng 18/7, Bộ KH&ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2019. Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ dự hội nghị. Tại điểm cầu của tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
(HBĐT) - Những năm qua, hệ thống thủy lợi của huyện Kỳ Sơn được tập trung đầu tư, cải tạo, nâng cấp, cơ bản đáp ứng yêu cầu tưới, tiêu phục vụ sản xuất. Tỷ lệ diện tích đất nông nghiệp được tưới, tiêu nước chủ động đạt 82%.
(HBĐT) - Theo báo cáo của UBND huyện Kim Bôi, trong 6 tháng đầu năm, từ các nguồn vốn lồng ghép và vận động nguồn lực trong nhân dân, kết cấu hạ tầng KT-XH thiết yếu ở các xã, thôn tiếp tục được đầu tư xây dựng, tạo điều kiện cho sinh hoạt của người dân, từng bước hiện đại hóa nông thôn.
(HBĐT) - Không nằm trong diện xã điểm, nguồn vốn đầu tư có hạn, cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở xã Đông Lai (Tân Lạc) đã vận động nhân dân phát huy nội lực; đồng thời lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án xây dựng nông thôn mới (NTM).
(HBĐT) - Năm 2019, huyện Lương Sơn phấn đấu về đích nông thôn mới (NTM). Sau gần 9 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, đến nay, huyện có 11/19 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt 7/9 tiêu chí huyện NTM. Để cán đích đúng hẹn, huyện tập trung huy động mọi nguồn lực ưu tiên cho xây dựng NTM. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững cho người dân.