(HBĐT) - Tại tỉnh ta, Yên Thủy là một trong các huyện tiên phong và thực hiện tốt nhất chương trình dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) đất sản xuất nông nghiệp. Giống như xây dựng được một nền móng vững chắc, thành công trong DĐĐT đã giúp huyện Yên Thủy triển khai thuận lợi nhiều chương trình phát triển sản xuất, tạo ra những khởi sắc ấn tượng cho kinh tế nông nghiệp địa phương.

Xóm Tân Thành, xã Yên Trị chỉ mất khoảng 2 tháng để hoàn thành việc DĐĐT toàn bộ diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Đạt được sự thống nhất cao của người dân, khoảng 41,5 ha đất canh tác nông nghiệp của 133 hộ đã được quy hoạch lại một cách hệ thống, khoa học, đảm bảo thấu đáo lợi ích của từng hộ, đồng thời tạo thuận lợi để thực hiện khâu quan trọng tiếp theo: Đưa máy móc vào cơ giới hóa toàn bộ diện tích đã dồn đổi và đầu tư nâng cao chất lượng đất. Thay đổi bắt đầu từ việc DĐĐT thành công, người dân xóm Tân Thành quyết tâm đầu tư cải tạo thứ đất "chó ăn đá, gà ăn sỏi” từ lâu đã trở thành đặc trưng của "vùng đất khó" này. Họ kiên trì lật tung những khu ruộng xấu, loại bỏ đá, sỏi, tạp chất trong đất, cải tạo đất bạc màu và nâng cao độ phì cho đất bằng các loại phân hữu cơ… "Sau một thời gian ngắn dồn sức chăm sóc cho khu ruộng mới của gia đình, hoàn toàn không còn khái niệm "đất xấu” đối với người dân xóm Tân Thành chúng tôi” - đồng chí Vũ Mạnh Hải, Bí thư Chi bộ xóm Tân Thành cho biết.

Cũng như xóm Tân Thành, từ năm 2013 đến nay, toàn huyện Yên Thủy đã có 40 xóm trên địa bàn 6 xã thực hiện thành công DĐĐT với tổng diện tích trên 1.285 ha và 3.482 hộ tham gia. Trước khi dồn đổi, các hộ có 23.960 thửa đất, bình quân mỗi hộ 8 - 9 thửa, cá biệt có những hộ 30 thửa, diện tích bình quân mỗi thửa 518 m2. Sau khi dồn đổi còn lại 8.580 thửa, tức là đã giảm được 65% số thửa, bình quân mỗi hộ còn 2-3 thửa, diện tích bình quân mỗi thửa 1.521 m2 (tăng 2,85 lần).


Sau khi dồn điền, đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp, nông dân xã Bảo Hiệu (Yên Thủy) đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập trung canh tác các loại rau thực phẩm cho giá trị cao hơn hẳn các cây trồng truyền thống như lúa, ngô.

Theo đánh giá của UBND huyện Yên Thủy: Việc DĐĐT thành công đã khắc phục đáng kể tình trạng manh mún ruộng đất, đồng ruộng được quy hoạch chỉnh trang tạo nền tảng thuận lợi để địa phương gia tăng mức độ cơ giới hoá. Hiện, 100% diện tích đã dồn đổi được cơ giới hóa khâu làm đất và thu hoạch lúa. Không còn những thửa ruộng bị bỏ hoang. Thay vào đó là những xứ đồng rộng lớn, thẳng tắp, được đầu tư đồng bộ hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, giúp người dân yên tâm tổ chức lại sản xuất, áp dụng tiến bộ KHKT để nâng cao hiệu quả canh tác nông nghiệp.

Giống như xây dựng được một nền móng vững chắc, kết quả ấn tượng trong công tác DĐĐT đất sản xuất nông nghiệp đã giúp huyện Yên Thủy thu hút và thực hiện thành công các mô hình kinh tế nông nghiệp có giá trị gia tăng cao, phát triển bền vững theo chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm. Điển hình như chuỗi sản xuất cà gai leo tại xã Yên Trị; chuỗi sản xuất bí xanh tại xã Đoàn Kết; dự án liên kết sản xuất - tiêu thụ dưa leo thương phẩm tại 3 xã: Lạc Thịnh, Đoàn Kết, Bảo Hiệu; dự án liên kết tiêu thụ sản phẩm bưởi Diễn tiêu chuẩn VietGAP tại 2 xã Ngọc Lương, Bảo Hiệu; mô hình liên kết trồng mướp đắng, bí đỏ lấy hạt với Công ty Tân Lộc Phát… Cùng với quyết tâm triển khai hiệu quả các chuỗi liên kết sản xuất, nông dân huyện Yên Thủy đang mạnh dạn thử sức với những cây trồng mới có giá trị kinh tế cao như bí xanh, cây có múi, dưa bao tử, ớt xuất khẩu, cây dược liệu cà gai leo... Đến nay, hiệu quả kinh tế khá vượt trội của các cây trồng mới đang tạo ra nhiều khởi sắc cho lĩnh vực trồng trọt cũng như sản xuất nông nghiệp chung của huyện.

Đồng chí Bùi Thị Kim Cúc, Phó Chủ tịch UBND huyện trao đổi: Vài năm trở lại đây, nhờ thực hiện hiệu quả chủ trương DĐĐT, huyện Yên Thủy đã triển khai khá thuận lợi các chương trình phát triển sản xuất và tạo được những khởi sắc đáng mừng cho nền kinh tế nông nghiệp. Trong các chương trình huyện tích cực triển khai để "về đích” vào cuối năm 2020, có 3 chương trình trọng tâm đang được UBND huyện đôn đốc đẩy mạnh, gồm: Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện giai đoạn 2016-2020; Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với hình thành các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác giai đoạn 2015-2020; Đề án chăn nuôi an toàn sinh học giai đoạn 2017-2020. Nhìn chung, các chương trình đều bám sát định hướng xuyên suốt là hướng tới xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững trên cơ sở tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương trong sản xuất nông nghiệp. Đây sẽ tiếp tục là định hướng lâu dài, mang tới nhiều khởi sắc mới mẻ và toàn diện cho nông nghiệp - nông dân - nông thôn huyện Yên Thủy những năm tiếp theo.

Thu Trang


Các tin khác


Xã Nuông Dăm phát triển kinh tế đồi rừng

(HBĐT) - Nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong phát triển kinh tế, những năm qua, Đảng ủy, chính quyền xã Nuông Dăm (Kim Bôi) đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tận dụng tối đa lợi ích từ rừng, góp phần xóa đói - giảm nghèo, nâng cao thu nhập.

Liên minh HTX tỉnh cần tập trung các giải pháp phát triển kinh tế hợp tác, HTX

(HBĐT) - Ngày 29/8, đồng chí Ngô Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã có buổi làm việc với Liên minh HTX tỉnh. Tại buổi làm việc, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy đã có nhiều ý kiến chỉ đạo quan trọng, định hướng phát triển cho Liên minh HTX thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 29/5/2017 của BCH Đảng bộ tỉnh về củng cố, phát triển kinh tế hợp tác, HTX đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Tham gia buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Huyện Lạc Sơn tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới

(HBĐT) - Ngày 28/8, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (MTQG XDNTM) giai đoạn 2010-2020.

Xây dựng thương hiệu trà giảo cổ lam huyện Tân Lạc

(HBĐT) - Trong quá trình khảo sát và đánh giá tiềm năng tại địa bàn 2 huyện Tân Lạc, Lạc Sơn, HTX Tân Lạc Sơn, xã Thanh Hối (Tân Lạc) đã tìm ra được một số thế mạnh của địa phương này, trong đó có cây giảo cổ lam.

Dấu ấn phong trào “Phụ nữ Lương Sơn chung sức xây dựng nông thôn mới”

(HBĐT) - Đồng chí Nguyễn Thị Duyên, Chủ tịch Hội LHPN Lương Sơn cho biết: Xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua, Hội LHPN Lương Sơn đã chỉ đạo các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn đẩy mạnh phong trào "Phụ nữ Lương Sơn chung sức xây dựng NTM".

Tập huấn chương trình mỗi xã một sản phẩm cho 286 người

(HBĐT) - Từ nguốn vốn Chương trình NTM được giao năm 2019, huyện Kim Bôi đã tổ chức 5 lớp tập huấn và tuyên truyền về Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cho 286 người.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục