Chỉ còn gần ba tháng nữa là đến thời điểm thực hiện Hiệp định thương mại hàng hóa (ATIGA), dự kiến có hiệu lực từ ngày 1-1-2020, nhưng ngành mía đường nước ta vẫn nhiều ngổn ngang. Mặc dù đã có sự chỉ đạo quyết liệt và cụ thể của các bộ, ngành chức năng và các địa phương, doanh nghiệp mía đường đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp khắc phục khó khăn, đổi mới mô hình sản xuất, nhưng ở nhiều nơi, vùng mía nguyên liệu đang bị “xóa sổ”, người trồng tiếp tục bỏ mía chuyển sang trồng các loại cây khác.


Ngành mía đường gian nan trước ngưỡng cửa hội nhập

Vùng nguyên liệu mía ở xã Nhơn Thọ, thị xã An Nhơn (Bình Định) đang đứng trước nguy cơ bị "xóa sổ”.

Bài 1: Nguy cơ "xóa sổ” nhiều vùng nguyên liệu

Các tỉnh Nam Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long vốn là những vùng trồng mía lớn của cả nước, nhưng hiện nay ở một số nơi người dân đang có phong trào chuyển đổi sang cây trồng khác, khiến cho một số vùng mía nguyên liệu ngày càng bị thu hẹp diện tích. Thực tế tại nhiều vùng trồng mía cho thấy, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, cả chủ quan và khách quan...

 

Vùng nguyên liệu không còn mía

Niên vụ mía đường 2018-2019, do tác động của thời tiết, giá cả thị trường nên năng suất, sản lượng mía, sản lượng đường ở khu vực các tỉnh miền trung, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long đều giảm mạnh. Ðiều đáng lo ngại trong niên vụ vừa qua là giá đường xuống thấp, tồn kho nhiều trong khi lượng đường nhập lậu và đường lỏng tràn vào nước ta cũng lớn. Dự báo, niên vụ mía đường 2019-2020, diện tích mía cả nước sẽ chỉ còn khoảng 250.000 ha, giảm hơn 20.000 ha so niên vụ trước. Nhiều đề án phát triển mía đường ở các địa phương đang đứng trước nguy cơ phá sản.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Ðịnh Phan Trọng Hổ cho biết, những năm trước đây, diện tích mía phát triển mạnh ở những huyện trung du do đất đai, khí hậu phù hợp. Có thời điểm, diện tích mía toàn tỉnh đạt khoảng 3.000 ha; từ trồng mía nguyên liệu mà nhiều hộ dân đã thoát nghèo. Nhưng hiện nay, toàn tỉnh chỉ còn khoảng 800 ha.

Kết thúc niên vụ 2018-2019, cán bộ, thành viên Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Nhơn Thọ 2, xã Nhơn Thọ, thị xã An Nhơn (Bình Ðịnh) còn nhiều băn khoăn, lo lắng bởi trước đây cây mía là cây trồng chủ lực, nay đang trở thành gánh nặng đối với nhiều hộ dân. Phó Giám đốc HTX nông nghiệp Nhơn Thọ 2 Nguyễn Ngọc An chia sẻ, toàn xã có khoảng 500 ha đất nông nghiệp, lúc cao điểm có 200 ha mía, nhưng do nhiều năm giá mía xuống thấp, người trồng bị lỗ, diện tích mía ngày càng thu hẹp, đến nay chỉ còn 24 ha. Do giá mía xuống thấp, tiêu thụ khó, người dân cũng không quan tâm chăm sóc, năng suất, chất lượng mía giảm trông thấy. Nếu trước đây, mỗi héc-ta mía cho thu hoạch khoảng 100 tấn, nay giảm còn 60 tấn. Với giá bán ở vụ mía vừa qua là 750 nghìn đồng/tấn, nếu trừ chi phí, công chăm sóc, phân bón… thì người trồng mía đang bị lỗ.

Vài năm trước, tại cánh đồng Gò Me, xã Nhơn Thọ, HTX nông nghiệp Nhơn Thọ 2 đã xây dựng cánh đồng mía lớn với diện tích 30 ha, hy vọng làm mô hình điểm để nâng cao năng suất, chất lượng mía. Nhưng niên vụ mía 2019-2020 tới đây, toàn xã chỉ còn 6 ha mía do HTX quản lý. Các hộ dân trước đây trồng mía nay đã cho thuê ruộng với giá một triệu đồng/ha hoặc chuyển đổi sang cây trồng khác đang mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng mía.

Tại huyện Tây Sơn (Bình Ðịnh), người dân ở nhiều vùng nguyên liệu mía đang rơi vào cảnh "bỏ thì thương, vương thì tội". Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Văn Lượng chia sẻ trước đây, toàn huyện có khoảng hơn 2.000 ha mía nguyên liệu, hiện chỉ còn trồng hơn 100 ha nhưng chủ yếu là mía lưu gốc. Hầu hết diện tích trồng mía trước đây nay đã chuyển sang trồng sắn, cây ăn quả.

Ðược biết, UBND tỉnh Bình Ðịnh đã phê duyệt "Ðề án rà soát quy hoạch vùng nguyên liệu mía thâm canh của tỉnh đến năm 2020"; trong đó quy hoạch diện tích trồng mía toàn tỉnh là 6.000 ha. Ðến nay, quy hoạch này đang đứng trước nguy cơ phá sản.

Xoay trở trong khó khăn

Liên tiếp trong ba năm qua, việc sản xuất, tiêu thụ mía ở tỉnh Sóc Trăng luôn gặp khó khăn. Người nông dân trồng mía được mùa thì rớt giá dẫn đến thua lỗ triền miên. Trong khi đó, nhà máy đường trên địa bàn cũng điêu đứng vì sản phẩm khó tiêu thụ, khả năng thu mua mía nguyên liệu cầm chừng. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, niên vụ mía đường 2018-2019, trên địa bàn trồng hơn 8.700 ha mía, năng suất đạt 120 tấn/ha, chi phí đầu tư trung bình cho một công mía (1.000 m2) hơn 9 triệu đồng, năng suất trung bình đạt 12 tấn/công. Qua tìm hiểu tại cầu cảng Nhà máy đường Sóc Trăng, mía chỉ được thu mua với giá 800 đồng/kg đối với loại mía đạt 10 CCS. Do phần lớn nông dân trồng mía không có phương tiện vận chuyển nên buộc phải bán cho thương lái mua tại ruộng với giá chỉ còn từ 150 đến 300 đồng/kg. Với mức giá này nông dân phải chịu lỗ.

Do giá mía xuống thấp, đầu ra bấp bênh, niên vụ 2019-2020, toàn tỉnh chỉ còn hơn 4.000 ha mía. Nông dân Lê Oanh, ấp An Nghiệp, xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung chia sẻ: "Với 2 ha sản xuất mía nguyên liệu, vụ vừa rồi gia đình tôi lỗ hơn 10 triệu đồng. Tôi định chuyển sang trồng cây khác nhưng thiếu vốn và đã quen trồng mía nên năm nay vẫn phải tái vụ trong lo lắng!". Chủ tịch xã An Thạnh 3 Lê Văn Phùng cho biết, toàn xã có hơn 800 ha mía tái vụ. Ðến nay, Công ty mía đường Sóc Trăng đã có hợp đồng bao tiêu với giá 800 đồng/kg. Với mức giá này tuy không có lãi nhiều nhưng tạm đủ cho người trồng mía an tâm về đầu ra.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Trần Văn Chiến, thời gian qua, ngành mía đường và người trồng mía trong tỉnh gặp nhiều khó khăn nên diện tích dần bị thu hẹp. Năm 2011, nông dân trên địa bàn trồng 23.869 ha mía, đến nay chỉ còn hơn 15.600 ha. Ðể bảo đảm đời sống, bà con đang loay hoay chuyển đổi sản xuất. Hiện, ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã ráo riết tìm giải pháp hỗ trợ nông dân như: áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và cơ giới hóa sản xuất, kêu gọi các nhà đầu tư chế biến sản phẩm sau đường và phụ phẩm chế biến đường… Nguyên nhân là do giá thành sản xuất mía hiện nay khá cao, tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất mía thấp. Bên cạnh đó, do công nghệ, thiết bị của nhà máy chế biến lạc hậu, dẫn đến giá thành chế biến đường cao và không tận dụng được những phụ phẩm sau đường. Ðây là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp mía đường không còn quan tâm nhiều đến việc phát triển vùng nguyên liệu và nông dân cũng không muốn tiếp tục trồng mía.

Nông dân Phan Văn Thà, ở huyện Tân Biên (Tây Ninh) cho biết, trước đây gia đình trồng mía, nay chuyển sang trồng mít Thái và dự kiến cuối năm nay cho thu hoạch. Hiện, mít đã được một hệ thống bán lẻ liên hệ tiêu thụ, bảo đảm được đầu ra cũng như thu nhập. Anh Tạ Văn Minh, ở huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh) đã từng làm giàu từ mía, nhưng nay đã chuyển một phần diện tích mía sang trồng bưởi da xanh. Nhờ sát nguồn nước ngọt hồ Dầu Tiếng nên vườn bưởi 10 ha của gia đình phát triển tốt. Qua thống kê với sản lượng 10 tấn bưởi, gia đình sẽ có thu nhập khoảng 500 triệu đồng trong vụ thu hoạch sắp tới. Nếu mía tiếp tục mất giá, anh dự kiến sẽ chuyển đổi toàn bộ diện tích mía sang trồng cây ăn quả.


Theo Báo Nhân Dân

Các tin khác


Huyện Lương Sơn: Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng cỏ ngọt

Được triển khai thực hiện tháng 9/2023 với quy mô diện tích khoảng 2ha tại xóm Trại Hòa, xã Cao Sơn (Lương Sơn), đến nay, mô hình trồng cây cỏ ngọt bước đầu cho thấy hiệu quả. Cây cỏ ngọt sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, được kỳ vọng là loại cây trồng giúp nhiều nông dân phát triển kinh tế hiệu quả.

Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục