(HBĐT) - Tận dụng điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với trồng na, thời gian qua, người dân xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) đã chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng giống na dai cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện tại, toàn xã có 40 ha na. Với tần suất thu hoạch 2 vụ/năm, giá bán cao, thị trường ổn định, cây na đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ dân.


Vườn na hơn 900 gốc của gia đình chị Bùi Thị Hà, xóm Đồng Bong, xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) đem lại thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng/năm.

Đồng chí Nguyễn Đức Hân, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm cho biết: "Thực hiện nghị quyết của Đảng ủy xã    về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế, thời gian qua, xã đã thay thế  các cây trồng kém hiệu quả sang trồng giống na dai. Cây na đang tỏ rõ là một trong những cây trồng chủ lực, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân, đóng góp quan trọng trong phát triển KT-XH của địa phương".

Theo thống kê của UBND xã, hiện nay, toàn xã có trên 40 ha na với hơn 40 hộ trồng, chủ yếu ở 2 xóm Đồng Bong, Đại Đồng, hộ trồng ít vài nghìn m2, hộ trồng nhiều 1-2 ha với hàng nghìn gốc na. Đây là cây trồng không mới ở xã, tuy nhiên, những năm trở lại đây, nhu cầu thị trường và giá bán na đều tăng, chất lượng na của địa phương dần được nhiều người biết đến. Do đó, nhiều người dân đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng na. Ngoài na chính vụ, người trồng na đã biết áp dụng KH-KT để cây na cho quả trái vụ, thu hoạch 2 vụ/năm, tăng thêm thu nhập.

Sau 4 năm chuyển đổi sang trồng na, khu vườn 2 ha của chị Bùi Thị Hà, xóm Đồng Bong với hơn 900 gốc đã cho trái ngọt. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, có những cây na cho thu 40-50 kg/vụ, tính cả 2 vụ khu vườn có thể thu 18-20 tấn na/năm, qua đó đem lại thu nhập từ 80-100 triệu đồng/năm. Chị Hà cho biết: "Trước đây, gia đình tôi trồng nhiều loại cây, nhưng không có hiệu quả, năng suất thấp, đời sống còn khó khăn. Từ khi chuyển đổi sang trồng na, kinh tế gia đình ngày càng khấm khá. Với giá bán trung bình từ 20.000 - 25.000 đồng/ kg, có thời điểm lên đến 50.000 đồng/kg, thị trường ổn định, cây na đang là nguồn thu nhập chính của gia đình tôi".

Điền kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, do đó, cây na phát triển tốt, sản phẩm có hương vị đặc trưng. Trồng na không cần kỹ thuật phức tạp, nhưng đòi hỏi nhiều công chăm sóc. Ngoài bổ sung phân bón, nước tưới cần cắt, tỉa cành thường xuyên để na cho trái to, đậu quả đúng thời điểm. Tỉa lá cho thoáng tán cây trước khi ra hoa khoảng 1 tháng sẽ tránh được nhiều loại sâu bệnh. Từ đầu năm đến nay, xã đã cử nhiều hộ tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng na, giúp nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, phòng trừ dịch bệnh.

Thực hiện Đề án "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), xã đã xây dựng kế hoạch, triển khai đăng ký sản phẩm "na Đồng Tâm" đặc trưng của địa phương. Việc phát triển sản phẩm OCOP nhằm mục tiêu tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, xây dựng và tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao gắn với thế mạnh của địa phương, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, đồng thời giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Quan trọng hơn, việc đăng ký sản phẩm OCOP nhằm từng bước thay đổi tư duy, nhận thức của người dân trong canh tác, sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp. Năm 2018, thu nhập bình quân toàn xã đạt 39 triệu đồng/người/ năm, phấn đấu đến hết năm 2019, thu nhập bình quân đạt 45 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,83%.

Hoàng Anh

Các tin khác


Thành phố Hòa Bình tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Là trung tâm kinh tế - xã hội của tỉnh, nhu cầu về nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng lớn, với nhiều dự án, công trình trọng điểm được triển khai, thời gian qua, Thành ủy, UBND thành phố Hòa Bình đã tập trung chỉ đạo các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tích cực hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất

Thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 6/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân các cấp trong xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025", huyện Lạc Thủy quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí để nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn

Chiều 24/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn.

Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục