Bài 1 - Nghị quyết làm thay đổi cuộc sống người dân vùng hồ
(HBĐT) - Tính đến thời điểm tháng 5/2019, hồ Hòa Bình có 4.250 lồng cá, tăng 1.930 lồng so với năm 2015. Sản lượng năm 2018 đạt 6.600 tấn, tăng gấp 2,28 lần sản lượng nuôi và khai thác của năm 2015. Kết quả ấn tượng trong việc phát triển nuôi cá lồng bè vùng hồ thủy điện Hòa Bình có dấu ấn đậm nét của Nghị quyết số 12-NQ/TU, ngày 13/6/2014 của BTV Tỉnh ủy về "phát triển nuôi cá lồng bè vùng hồ thủy điện Hòa Bình giai đoạn 2014 - 2020”.
Lãnh đạo Đảng ủy xã Hiền Lương thăm cơ sở nuôi cá lồng bè, hướng dẫn kỹ thuật và chia sẻ kinh nghiệm với người dân.
Với diện tích mặt nước hơn 8.000 ha, hồ Hòa Bình chứa đựng tiềm năng quý giá cho phát triển kinh tế của tỉnh, đặc biệt là nghề nuôi cá lồng bè. Ngay sau khi thủy điện Hòa Bình tích nước, người dân đã bắt đầu biết đến nghề nuôi cá lồng, tuy nhiên, lồng cá chủ yếu làm bằng tre nứa, quy mô nuôi nhỏ lẻ, tự phát, đầu ra bấp bênh, không ổn định. Do đó, ngày 13/6/2014, BTV Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU về "phát triển nuôi cá lồng bè vùng hồ thủy điện Hòa Bình giai đoạn 2014-2020” (gọi tắt là Nghị quyết số 12). Thực tế 5 năm qua cho thấy, Nghị quyết số 12 đã thực sự là đòn bẩy quan trọng, tạo nên sự phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất của hoạt động nuôi cá lồng bè vùng hồ thủy điện Hòa Bình.
Từ một Nghị quyết giúp dân thoát nghèo
Ngòi Hoa là xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn của huyện Tân Lạc, kinh tế chậm phát triển, đời sống nhân dân còn nhiều thiếu thốn. Năm 2014, thu nhập bình quân đầu người toàn xã mới đạt 12 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 58%. Ngòi Hoa tiếp giáp khoảng 1.400 ha mặt hồ thủy điện Hòa Bình. Tuy nhiên, tại thời điểm năm 2014, toàn xã chỉ có khoảng 50 lồng cá được làm bằng bương, tre tạm bợ.
Đồng chí Bùi Văn Bình, Bí thư Đảng ủy xã Ngòi Hoa cho biết: "Sau khi Nghị quyết số 12 được ban hành, nghề nuôi cá lồng của bà con Ngòi Hoa có nhiều khởi sắc. Thực hiện nghị quyết của BTV Tỉnh ủy, kế hoạch của Huyện ủy, Đảng ủy xã đã tổ chức quán triệt, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể triển khai đến các chi bộ, đảng viên và nhân dân. Đảng ủy xã thành lập các tổ công tác xuống cơ sở khảo sát thực tế, tuyên truyền, vận động nhân dân tập trung chuyển đổi phát triển chăn nuôi thủy sản, các giống cá bản địa cho hiệu quả kinh tế cao như cá trắm đen, trắm cỏ, lăng, chiên… Toàn xã được hỗ trợ 285 lồng nuôi cá theo Quyết định số 10/2015/QĐ-UBND. Đến nay, số lồng cá đã phát triển lên 540 lồng. Nhờ chăn nuôi theo quy chuẩn và áp dụng hiệu quả KHKT vào quá trình thâm canh, sản lượng cá nuôi của xã đạt khoảng 25 - 30 tấn/năm. Một số giống cá cho lợi nhuận kinh tế cao như cá chiên 350.000 đồng/kg, trắm đen 150.000 đồng/kg… Mỗi lồng sau khi trừ chi phí có thể cho thu về từ 60 - 80 triệu đồng tùy theo từng giống cá. Dự kiến, thu nhập bình quân đầu người toàn xã năm 2019 sẽ đạt 25 triệu đồng, trong đó thủy sản đóng góp 40%”.
Theo tìm hiểu được biết, tận dụng tiềm năng, lợi thế tiếp giáp với vùng lòng hồ sông Đà, ngay sau khi Nghị quyết số 12 được ban hành, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Tân Lạc đã phát triển nghề nuôi cá lồng nhằm cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống. Cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Tân Lạc tập trung triển khai nghị quyết đồng bộ trong hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, tinh thần nghị quyết được quán triệt, triển khai đầy đủ, kịp thời. Huyện đã thành lập và tổ chức hoạt động hiệu quả 1 HTX sản xuất và kinh doanh lĩnh vực thủy sản. Tính đến hết tháng 9/2019, toàn huyện có 130 ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản với 805 lồng nuôi, đạt 112,1% so với kế hoạch, tăng 12,1% so với cùng kỳ. Sản lượng thủy sản đạt 771,7 tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 532 tấn, sản lượng khai thác là 239,7 tấn.
Việc thực hiện Nghị quyết số 12 của BTV Tỉnh ủy cũng được đánh giá là đã mang đến cuộc sống mới, giúp người dân các xã vùng hồ của Mai Châu, Đà Bắc, TP Hòa Bình, Cao Phong phát triển nghề nuôi cá lồng, từng bước thoát nghèo.
Đến việc hình thành thương hiệu cho đặc sản Hòa Bình
Ngay sau khi BTV Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 12, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 10/2015/QĐ-UBND, ngày 27/4/2015 về quy định một số chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển nuôi cá lồng vùng hồ thủy điện Hòa Bình giai đoạn 2015 - 2020, bao gồm các huyện: Cao Phong, Đà Bắc, Tân Lạc, Mai Châu và TP Hòa Bình. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của BTV Tỉnh ủy, các sở, ban, ngành, đoàn thể, các Huyện, Thành ủy đã nghiêm túc triển khai thực hiện. Theo đó, mỗi lồng, bè nuôi có quy mô 50 m3 được làm theo đúng quy chuẩn, thuộc vùng quy hoạch nuôi thủy sản tập trung sẽ được UBND tỉnh hỗ trợ 1 lần là 50% chi phí đầu tư, với mức hỗ trợ 25 triệu đồng/lồng, tối đa không quá 80 triệu đồng/hộ/năm.
Từ khi Nghị quyết và chính sách hỗ trợ được ban hành đã khuyến khích phong trào nuôi cá lồng trên vùng hồ Hòa Bình phát triển khá nhanh, số lượng lồng cá nuôi tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Hiện, toàn tỉnh có 4.250 lồng nuôi. Trong đó, TP Hòa Bình có 298 hộ nuôi với 508 lồng, Mai Châu có 472 hộ nuôi với 484 lồng, Đà Bắc có 552 hộ nuôi với 1.066 lồng, Cao Phong có 76 hộ nuôi với 230 lồng, Tân Lạc có 304 hộ nuôi với 314 lồng. Điều đáng chú ý là các cơ sở nuôi cá lồng đã thay thế 1.000 lồng tạm bằng tre, bương bằng hệ thống lồng lưới, khung sắt với thể tích đạt 70 - 100 m3. Trong đó, một số giống cá chủ lực như trắm đen, rô phi, lăng, chiên cho hiệu quả kinh tế cao được đưa vào nuôi ngày càng nhiều. Sản lượng năm 2018 đạt 6,6 nghìn tấn, tăng gấp 2,28 lần sản lượng nuôi và khai thác của năm 2015, vượt 17,86% so với với mục tiêu năm 2020. Giá trị sản xuất theo giá so sánh với ngành thủy sản năm 2018 đạt 254 tỷ đồng, tăng 65% so với thời điểm chưa ban hành nghị quyết.
Ngoài ra, việc thực hiện Nghị quyết số 12 đã góp phần tạo ra sự liên doanh, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Toàn tỉnh hiện có 35 doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình đầu tư nuôi thâm canh với quy mô lớn (chiếm 60% tổng số lồng nuôi và chiếm 70% tổng sản lượng cung ứng ra thị trường trong và ngoài tỉnh). 2 doanh nghiệp đầu tư mở rộng quy mô hơn 200 lồng cá, 7 doanh nghiệp đã đăng ký liên doanh với các hộ dân nuôi cá lồng theo tiêu chuẩn VietGAP, ký kết đảm bảo đầu ra luôn ổn định.
Hướng đến mục tiêu phát triển nghề nuôi cá lồng bè bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 12, các cấp ủy Đảng đã chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cơ sở tập trung đào tạo, đầu tư, nghiên cứu ứng dụng hiệu quả KHKT vào quá trình sản xuất; phòng, chống dịch bệnh. Điểm nhấn là triển khai 3 đề án khoa học nuôi cá lồng trên vùng hồ, 1 đề tài ươm cá giống; thực hiện nuôi thí điểm các giống cá tầm, vược, chình để bổ sung giống cá có hiệu quả kinh tế cao cho vùng hồ Hòa Bình.
Đồng chí Hoàng Văn Son, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết: "Thực hiện Nghị quyết số 12, các địa phương đã đặc biệt quan tâm đến việc phát triển nuôi cá lồng gắn với với bảo vệ môi trường. Các cơ sở nuôi cá lồng đã nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc áp dụng công nghệ nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng thức ăn, chế phẩm sinh học theo đúng quy định để đảm bảo ATTP. Chính vì vậy, qua kiểm tra, đánh giá, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, kiểm định phân tích mẫu cá nuôi trên vùng hồ không phát hiện tồn dư kháng sinh, chất cấm, các sản phẩm cá thương phẩm đều đảm bảo ATTP, được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn. Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững nghề nuôi cá lồng, các địa phương, sở, ngành đã phối hợp xây dựng thành công nhãn hiệu cá, tôm sông Đà, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận tại Quyết định số 39352/QĐ-SHTT, ngày 8/6/2018 và Quyết định số 39353/QĐ-SHTT, ngày 8/6/2018. Đây là dấu mốc quan trọng góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tạo đà cho việc quảng bá thương hiệu rộng rãi trên thị trường, hướng đến ngày xuất khẩu không còn xa”.
(Còn nữa)
Đức Anh
(HBĐT) - Thực hiện chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, năm 2018, tỉnh được phân bổ 2 tỷ đồng, năm 2019 được giao thêm 5 tỷ đồng. Nguồn vốn trên được phân bổ cho các huyện: Kỳ Sơn, Cao Phong, Tân Lạc, Lạc Thủy và TP Hòa Bình.
(HBĐT) - Những năm qua, thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc) đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và tăng tỷ trọng thương mại, dịch vụ, công nghiệp. Trong đó, việc đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ nhanh chóng đến tay hộ nghèo và các đối tượng chính sách đã góp phần giảm nghèo bền vững và phát triển KT-XH của địa phương.
(HBĐT) - Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư T.Ư Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Lạc Thủy đã tích cực vào cuộc. Hoạt động tín dụng chính sách đối với người nghèo, đối tượng chính sách trên địa bàn trên địa bàn huyện đã góp phần đắc lực vào công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Nhờ sự đa dạng về mẫu mã, chất lượng tuyệt vời, những sản phẩm làm từ lụa tơ tằm Bảo Lộc (Lâm Đồng) nói riêng và Việt Nam nói chung, đã nhận được những phản hồi rất tích cực từ các chuyên gia, người tiêu dùng Nga và sẽ sớm có mặt trên thị trường có tiềm năng cao này.
(HBĐT) - UBND tỉnh vừa ban hành Văn bản số 1580/UBND-NNTN về việc quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện nghiêm một số nhiệm vụ
Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI); Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu; Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều; Số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã); Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế là những chỉ tiêu được đánh giá vượt kế hoạch Quốc hội giao. Đó là năm chỉ tiêu mà Chính phủ vượt kế hoạch Quốc hội giao năm 2019.