(HBĐT)-Dự án cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu (Sơn La) đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục tiến dần tới ngày khởi công. Tuyến đường kỳ vọng giải quyết nhu cầu vận tải, kết nối trung tâm kinh tế, chính trị các tỉnh Tây Bắc, giảm tải cho quốc lộ 6 hiện nay, đồng thời thúc đẩy phát triển KT-XH các địa phương. 

Quy mô dự án

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu theo hình thức đối tác công tư PPP hỗn hợp, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 579/QĐ-TTg, ngày 17/5/2019, với tổng chiều dài toàn tuyến 85 km, trong đó có 49 km trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, 36 km địa phận huyện Vân Hồ, Mộc Châu (Sơn La).

Về phía nhà đầu tư, ông Đinh Công Thụy, Giám đốc Công ty CP Đầu tư cao tốc Hòa Bình - Sơn La cho biết: Đơn vị đã tiến hành nghiên cứu chi tiết các phương án tuyến; nghiên cứu cụ thể về điều kiện địa chất, xác định các điểm đứt gãy để lên phương án công trình cầu, hầm cho hợp lý. Trong giai đoạn I, nền đường cao tốc được xây dựng rộng 17 m, mặt đường rộng 14 m với 4 làn xe, dải phân cách và an toàn rộng 1,5 m, làn dừng xe khẩn cấp không liên tục. Giai đoạn hoàn thiện, nền đường được mở rộng lên 22 m, trong đó, mặt đường rộng 14 m với 4 làn xe, 2 làn dừng xe khẩn cấp rộng 5 m, dải phân cách và an toàn rộng 1,5 m. Đường được thiết kế tốc độ 80 km/h, đối với các đoạn qua địa hình khó khăn cho phép thiết kế 60 km/h, triển khai từ năm 2019 - 2024. 

Nguồn vốn đầu tư

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu là dự án nhóm A, có tổng mức đầu tư giai đoạn I hơn 22.000 tỷ đồng. Nhà đầu tư sẽ huy động trên 17.000 tỷ đồng cho hợp phần BOT, thu phí hoàn vốn trong 26 năm. Phần vốn Nhà nước tham gia dự án là quỹ đất của địa phương 2 tỉnh Hòa Bình, Sơn La có giá trị khoảng 5.000 tỷ đồng. Trong đó, tỉnh Hòa Bình khoảng 900 tỷ đồng; tỉnh Sơn La là 4.100 tỷ đồng. 



Điểm đầu tại nút giao Quốc lộ 6, thuộc địa phận xã Trung Minh, thành phố Hòa Bình, tiếp nối với dự án cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình. 

Cụ thể, đối với phần tham gia của Nhà nước trong dự án là quỹ đất có giá trị khoảng 5.000 tỷ đồng để thanh toán cho nhà đầu tư là các khu đất tại tỉnh Hòa Bình (TP Hòa Bình, huyện Đà Bắc, Kỳ Sơn) tương đương khoảng 900 tỷ đồng, các khu đất tại tỉnh Sơn La (huyện Mộc Châu, Vân Hồ) tương đương khoảng 4.100 tỷ đồng. 

Tại cuộc họp mới đây giữa 2 tỉnh Hòa Bình, Sơn La và nhà đầu tư, các bên đã thống nhất giao nhiệm vụ cho các sở, ngành của 2 tỉnh chịu trách nhiệm phối hợp thực hiện các nội dung công việc liên quan, chuẩn bị hồ sơ, tài liệu để trình Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính về phương án tham gia của Nhà nước trong dự án khoảng 5.000 tỷ đồng bằng vốn ngân sách T.Ư…, hoàn thành các thủ tục để kịp khởi công dự án vào cuối năm 2020.

Kỳ vọng tương lai

Như vậy, cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (Sơn La) dự kiến khởi công trong vòng khoảng 1 năm nữa. Thời gian thi công theo tính toán trong vòng hơn 4 năm và sau đó sẽ kết nối với đường Hoà Lạc - Hoà Bình.

Ông Nguyễn Minh Cương, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, một trong những đơn vị góp vốn tại Công ty CP Đầu tư cao tốc Hòa Bình - Sơn La cho biết: Sau khi hoàn thành, tuyến cao tốc này sẽ kết nối mạng lưới giao thông đối ngoại của tỉnh Sơn La với Hòa Bình và với Thủ đô Hà Nội, tạo nên tuyến trục cao tốc kết nối vùng Tây Bắc với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, kết nối đến cửa khẩu biên giới Đông Bắc và cảng biển quốc tế Lạch Huyện. Đồng thời, giảm tải cho tuyến quốc lộ 6 đoạn Hòa Bình - Sơn La, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH các địa phương thuộc 2 tỉnh, tạo điều kiện khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của các địa phương.

Tuyến đường sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Mộc Châu về Hòa Bình từ hơn 2 giờ như hiện nay còn khoảng 1 giờ đồng hồ. Đặc biệt, từ nguồn vốn thuộc ngân sách Nhà nước của tỉnh Hòa Bình và Sơn La quy ra các quỹ đất, tương lai, một số khu đô thị tầm cỡ tại TP Hòa Bình sẽ được triển khai, góp phần thay đổi diện mạo, phát triển mạnh cơ sở hạ tầng của tỉnh Hòa Bình.


Hồng Trung

Các tin khác


Cao Phong - miền quê trù phú, giàu bản sắc

Cao Phong nổi tiếng với đặc sản mía, cam, bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của các dân tộc anh em. Miền quê trù phú, giàu bản sắc đang trên đà phát triển, khẳng định thế mạnh và hướng đi đúng đắn trong phát triển KT-XH.

Thành phố Hòa Bình bắt nhịp đà tăng trưởng

Thành phố Hòa Bình đã và đang có những đổi thay mạnh mẽ về hệ thống hạ tầng, phát triển đô thị, tạo ra sức sống, diện mạo mới và đảm đương tốt vị trí đầu tàu về KT-XH của tỉnh.

Những người thực hiện hoài bão đưa nông sản “xuất ngoại”

Với lợi thế sẵn có về khí hậu, đất đai, nông sản phong phú, nhiều tiềm năng... ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang nỗ lực thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, HTX đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến, từng bước khẳng định vị thế một số nông sản đặc trưng địa phương trên thị trường quốc tế. Trong đó, tín hiệu tích cực trong xuất khẩu nông sản những năm gần đây có sự đóng góp không nhỏ của những người "nặng lòng” với nông nghiệp địa phương.

Lương Sơn vùng đất anh hùng

Viết tiếp truyền thống vẻ vang trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trong suốt chiều dài lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lương Sơn luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo dựng xây quê hương ngày một đổi mới.

Sức vươn Lạc Thuỷ

Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lạc Thuỷ không ngừng nỗ lực, đạt được những bước phát triển mạnh mẽ. Huyện tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, tạo môi trường thu hút nguồn lực đầu tư phát triển. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng và dịch vụ thương mại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục